Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Thủ tướng Chính phủ phương án thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Quỹ sẽ tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính trong và ngoài nước, tạo lập nguồn vốn để hỗ trợ các DNNVV phát triển.
|
Việc tiếp cận Quỹ hỗ trợ DNNVV vẫn khiến nhiều người băn khoăn.
|
Việc hỗ trợ tài chính sẽ nhằm vào các dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh khả thi của DNNVV thuộc một số lĩnh vực ưu tiên, được Nhà nước khuyến khích đầu tư. Đây là các dự án sẽ tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng Quỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh.
Dự kiến, Quỹ sẽ hỗ trợ tài chính cho DN theo 2 phương thức: tài trợ và cho vay ưu đãi. Theo đó, Quỹ sẽ tài trợ không hoàn lại một phần kinh phí cho DN là đối tượng được trợ giúp của chương trình, kế hoạch, dự án ưu tiên thuộc Danh mục ưu tiên tài trợ của Quỹ nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, đặc biệt là tại các vùng miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hay phát triển ngành nghề, sản phẩm trọng điểm như công nghiệp hỗ trợ,... Tuy nhiên, phần vốn dành cho tài trợ chỉ chiếm 20% vốn điều lệ của Quỹ, còn lại là cho vay ưu đãi.
Quỹ cũng có thể cho vay ưu đãi có thời hạn các DNNVV có nhu cầu vay vốn thuộc đối tượng ưu tiên, có phương án kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực được ưu đãi đầu tư nếu DN bảo đảm được 30% nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư. Mức vốn vay đối với mỗi dự án không quá 70% tổng mức đầu tư của từng dự án, phương án (không bao gồm vốn lưu động), nhưng không quá 30 tỷ đồng, trừ một số trường hợp có hiệu quả đặc biệt. Thời gian vay được xác định phù hợp với điều kiện cụ thể của từng dự án nhưng tối đa là 7 năm. Lãi suất cho vay cũng được xác định tùy dự án nhưng tối đa không quá 80% mức lãi suất cho vay thương mại.
Việc cho vay ưu đãi của Quỹ có thể được thực hiện theo 3 phương thức: Quỹ trực tiếp cho DN vay, Quỹ ủy thác cho các ngân hàng thương mại để cho DN vay hoặc Quỹ cho các ngân hàng thương mại vay để cho DN vay lại. Trong 3 phương án này thì phương thức ủy thác cho ngân hàng thương mại rồi cho DN vay là có nhiều ưu điểm hơn cả.
Cụ thể, Quỹ sẽ lựa chọn một số ngân hàng thương mại có đủ năng lực và phù hợp để ủy thác cho DN vay. Việc này có thể tiến hành nhanh gọn, không mất nhiều thời gian tổ chức bộ máy và nhân sự để cho vay trực tiếp hoặc qua ngân hàng làm trung gian cho vay qua 2 bước mà vẫn bảo đảm đúng các tiêu chí.
Tuy nhiên, một số DN cho rằng, việc tiếp cận Quỹ này chưa chắc đã dễ dàng, bởi cơ chế chính sách cho Quỹ hình thành và phát triển chưa rõ ràng, ổn định. Trong hệ thống tài chính, Quỹ có vị trí pháp lý như thế nào, hoạt động theo cơ chế nào, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Bộ Tài chính hoặc là một tổ chức tài chính độc lập? Các dự kiến chính sách cho sự vận hành của Quỹ còn chung chung nên DN không biết sẽ được hỗ trợ đến mức độ nào.
Với chính sách tương tự đã từng tồn tại, cơ chế này không bảo đảm minh bạch, thuận lợi cho DN. Muốn được tiếp cận tín dụng, DN phải trải qua hành trình xin - cho tại các cơ quan quản lý, rất phiền hà, nhiêu khê.
Theo Kinh tế nông thôn