Tạo thuận lợi đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản

21/02/2012

Chiều 20/02, hội trường Văn phòng Bộ NN-PTNT tại TPHCM không còn chỗ trống khi Bộ trưởng Cao Đức Phát gặp gỡ doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu.

Chế biến cá tra xuất khẩu ở Công ty Cổ phần Nam Việt, tỉnh An Giang.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu 4 kiến nghị: Thứ nhất, thay đổi cách tiếp cận kiểm soát an toàn thực phẩm phù hợp với Luật An toàn thực phẩm, thông lệ quốc tế và giảm giá thành doanh nghiệp theo hướng: kiểm soát điều kiện sản xuất là điều kiện chính để xuất khẩu thủy sản, không áp dụng việc lấy mẫu kiểm nghiệm bắt buộc lô hàng làm điều kiện để cấp chứng thư (Health Certificate) xuất khẩu.
Theo cách tiếp cận hiện nay, doanh nghiệp gặp khó vì phí kiểm nghiệm trung bình 5 - 15 triệu đồng/lô hàng. Hàng năm doanh nghiệp phải chi từ 1 - 4 tỷ đồng, chủ yếu cho các trung tâm vùng thuộc Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), chưa kể gần bằng số tiền trên cho việc tự kiểm của doanh nghiệp, làm tăng chi phí sản xuất. Nhưng điều quan trọng hơn, thời gian chờ đợi 7-10 ngày mỗi lô hàng trước khi xuất khẩu làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp với các nước khu vực và thế giới.
Theo ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương, ngành chế biến thủy sản đang bị “thắt cổ chai”. Trong khi những thủ tục hành chính làm chi phí tăng thì hạn mức tín dụng còn có xu hướng giảm nên chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản năm 2012 lên 6,5 tỷ USD so với 6,1 tỷ USD năm 2011 khó có thể đạt được nếu không có biện pháp tháo gỡ cụ thể.
Thứ hai, doanh nghiệp không cần phải có chứng thư của Nhà nước khi nước nhập khẩu không yêu cầu, cũng như không áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm mang tính trừng phạt và vượt quá các nội dung Luật An toàn thực phẩm. Bộ NN-PTNT đưa ra hình thức ngừng xuất khẩu như thông báo với thị trường Canada và Nhật Bản là trừng phạt quá nặng. Thứ ba, xã hội hóa công tác kiểm nghiệm nhằm kịp thời phục vụ công tác xuất khẩu.
Theo NAFIQAD, hiện có 15 đơn vị kiểm nghiệm chỉ định kiểm tra những chỉ tiêu an toàn thực phẩm thủy sản. Trong đó, có 6 phòng kiểm nghiệm thuộc 6 trung tâm vùng, 1 phòng kiểm nghiệm thuộc cơ quan quản lý nhà nước và 8 phòng kiểm nghiệm thuộc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm nghiệm. 15 đơn vị này có quyền và nghĩa vụ ngang nhau theo chủ trương xã hội hóa hoạt động dịch vụ kiểm nghiệm của Chính phủ nhưng trong thực tế hoàn toàn khác. Doanh nghiệp không thể chủ động gửi mẫu tới các phòng kiểm nghiệm chỉ định khác, chỉ được thực hiện thông qua sự phân công của các trung tâm vùng. Thứ tư, thay đổi cách kiểm soát kháng sinh và các yếu tố rủi ro an toàn thực phẩm theo hướng kiểm soát đầu nguồn thay vì kiểm tra lô hàng như hiện nay.
Thu hoạch cá tra tại tỉnh An Giang
 
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, vì sự phát triển ngành thủy sản và đất nước. Chất lượng thủy sản và an toàn thực phẩm là quan trọng, các nước lợi dụng sơ hở này để giành lợi thế cạnh tranh. Việc kiểm tra theo chuỗi, khâu nào yếu kém, nhiều nguy cơ cần tập trung quản lý và kiểm soát đã được triển khai một số tỉnh làm điểm và được mở rộng trong năm 2012. Việc kiểm soát từ ao nuôi là điều mong muốn từ lâu, nhưng trừ cá tra có thể quản lý và kiểm soát được, số ao nuôi tôm hiện nay lên đến hàng triệu, nhà nước không có đủ lực lượng kiểm soát, vì vậy phải áp dụng quản lý theo hệ thống.
Bộ NN-PTNT đang cùng 15 tập đoàn đa quốc gia xây dựng mối liên kết công tư với các mặt hàng nông sản (trà, cà phê...) theo hướng này, các doanh nghiệp trong nước cùng với Bộ NN-PTNT xây dựng mối liên kết này để sản xuất, chế biến, xuất khẩu.
Về vấn đề hệ thống kiểm soát, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhất trí với cách tiếp cận mới để chi phí kiểm định an toàn thực phẩm ở mức thấp nhất khu vực. Khâu nào làm tốt sẽ giảm nhẹ kiểm soát, tập trung quản lý khâu còn yếu kém, nhất là nuôi trồng và đánh bắt.
Trước những quy định gần đây gây bức xúc cho doanh nghiệp, theo Bộ trưởng, đó là vì có thể mất 2 thị trường mà Bộ Công thương cảnh báo do những vi phạm liên tục của các doanh nghiệp. Những kiến nghị của VASEP, Bộ NN-PTNT chỉ đạo NAFIQAD tiếp thu, nghiên cứu với mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu...
Theo Kinh tế nông thôn
 

Tin khác