Ấn Độ và bài toán cho xuất khẩu gạo VN

21/02/2012

Được đánh giá là "ứng cử viên sáng giá" cho vị trí nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vài tháng trước, Việt Nam hiện được cho là khó có khả năng chen chân với Ấn Độ cho vị trí trên vì nước này đã vượt Thái Lan để trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Theo số liệu được công bố tính từ tháng 10/2011 đến hết tháng 1/2012, Ấn Độ đã xuất khẩu 2,7 triệu tấn gạo trong khi Thái Lan và Việt Nam chỉ mới xuất khẩu lần lượt 2 triệu tấn và 1,5 triệu tấn gạo. Trong thời gian này, trung bình mỗi tháng Ấn Độ xuất khẩu từ 650.000 đến 700.000 tấn còn Việt Nam riêng tháng đầu năm 2012 chỉ xuất khẩu được 280.000 tấn.
Thu hoạch vụ Đông Xuân ở ĐBSCL đang cận kề
 
Gạo cấp thấp vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong thời gian qua. Ngoài ra, Ấn Độ còn có gạo thơm và hiện đang cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất khẩu gạo đồ với Thái Lan.
Theo thông tin của Reuters, dự trữ gạo của Ấn Độ hiện cũng lên đến 31,8 triệu tấn, tương đương với sản lượng thương mại gạo toàn cầu. Cùng với việc chính phủ Thái Lan tuyên bố tiếp tục chính sách trợ giá mua lúa cho nông dân thêm 1 vụ nữa, khả năng Ấn Độ chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu gạo trong năm nay là có thể xảy ra.
Cùng thời điểm này năm 2011, xuất khẩu gạo của Việt Nam rất thuận lợi với lượng hợp đồng dồi dào ký với các nước nhập khẩu như Indonesia và Bangladesh, mặc dù Philippines - nước nhập khẩu gạo lớn nhất năm 2010 - thay đổi chính sách nhập khẩu. Lượng hợp đồng khi ấy đảm bảo cho giá gạo không xuống thấp, mặc dù nước ta chuẩn bị thu hoạch vụ Đông Xuân, vụ lớn nhất trong năm với lượng gạo hàng hóa ước tính khoảng 3 triệu tấn.
Thậm chí Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) trong quí 1/2011 đã kiên quyết giữ giá sàn ở mức cao đối với 2 phẩm cấp gạo xuất khẩu chủ lực là 520 đô la Mỹ/tấn gạo 5% tấm và 490 đô la Mỹ/tấn gạo 25% tấm mặc dù giá bán thực tế không đến mức ấy…
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi 180 độ ngay đầu năm 2012 khi VFA một lần nữa dùng đến giá sàn, nhưng lần này là hạ giá sàn để thu hút người mua. Theo số liệu của VFA, lượng hợp đồng doanh nghiệp, chủ yếu là Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã ký được chỉ mới có 1,2 triệu tấn để xuất khẩu cho 6 tháng đầu năm. Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng không đưa ra được giá gạo chào bán vì hầu như không có giao dịch.
Theo nhận định của một vị lãnh đạo VFA, khả năng doanh nghiệp ký được thêm hợp đồng trong 6 tháng đầu năm là rất thấp. Trong khi đó, mùa lũ kéo dài cuối năm 2011 đã bồi đắp lượng phù sa lớn cho vùng ĐBSCL cùng với giá lúa cao đã khiến nhiều nông dân phấn khởi trồng lúa, khiến sản lượng gạo hàng hóa cho vụ Đông Xuân năm nay có thể đạt 3,5 triệu tấn, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong số đó, khoảng 50-60% là gạo từ giống lúa IR50404 phẩm cấp thấp.
Việc VFA tuyên bố mua tạm trữ lúa gạo từ ngày 15-3 được xem là giải pháp tình thế để giữ giá lúa. Giải pháp căn cơ cho vấn đề hiện nay là đầu ra cho xuất khẩu, trong bối cảnh gạo cấp thấp của Việt Nam không thể cạnh tranh được với Ấn Độ đối với Châu Phi, thị trường vốn nhập khoảng 20% sản lượng xuất khẩu năm 2011 của Việt Nam.
Theo lãnh đạo VFA, Việt Nam chỉ hy vọng xuất khẩu sẽ sôi động trở lại sau khi các thị trường nhập khẩu lớn tại Châu Á như Indonesia, Malaysia... mở cửa trở lại từ tháng 6/2012 trở đi. Trong bối cảnh này, một số chuyên gia cho rằng xuất khẩu gạo thơm có thể giúp tạo hướng đi khác cho xuất khẩu gạo Việt Nam nhưng theo đánh giá của VFA, xuất khẩu gạo thơm trong năm khó có thể có đột biến.
Năm 2011, Việt Nam xuất khẩu gần 500.000 tấn gạo thơm đến các thị trường nhưng chủ yếu là Trung Quốc, trong khi sản lượng giao dịch toàn cầu của loại gạo này chỉ vào khoảng 2 triệu tấn. Điều này báo hiệu xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước.
Ngành nông nghiệp dự báo lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2012 sẽ đạt khoảng 6,5 đến 7 triệu tấn gạo trong năm 2012. Nếu điều này không trở thành hiện thực thì xuất khẩu gạo của Việt Nam khó theo kịp với xuất khẩu gạo của Ấn Độ vì vào cuối năm 2011, Cơ quan xếp hạng tín dụng CRISIL (Ấn Độ) dự báo sản lượng gạo xuất khẩu của nước này trong niên vụ 2011-2012 sẽ tăng lên mức 7 triệu tấn, so với mức 2,2 triệu tấn trong niên vụ 2010-2011.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
 

Tin khác