Từ tháng 10 năm ngoái đến nay, giá nhiều loại phân bón đã giảm bình quân 1.000 đồng/kg.
|
Phân urê được dự báo sẽ dư thừa trong năm nay, nên nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tìm thị trường xuất khẩu
|
Cung dư, giá giảm
Ông Đỗ Văn Hùng - Tổng giám đốc Công ty phân bón Việt Mỹ, cho biết: “Lượng hàng giao dịch thấp do thời gian vừa qua thời tiết lạnh và đúng vào dịp tết nguyên đán nên nhu cầu tiêu thụ trên các thị trường giảm hẳn”.
Tại miền Bắc, tình hình kinh doanh xuất nhập khẩu phân bón qua cửa khẩu Lào Cai diễn biến chậm, nhu cầu tiêu thụ hầu như không có. Lượng hàng nhập khẩu chủ yếu là các hợp đồng nhỏ lẻ mặt hàng Amonium Sulphate (SA). Giá các mặt hàng nhìn chung ở mức ổn định. Hoạt động tái xuất phân Diamino phosphate (DAP) nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra với mức giá 600-620 USD/tấn FOB. Hiện đang có nhiều thông tin giá DAP sẽ xuống khá mạnh, có thể mức giảm lên đến 100 USD/tấn nhưng thực tế hiện vẫn hầu như không có người mua. Tại thị trường phía Nam, nhu cầu tiêu thụ phân bón cũng rất chậm do đợt lũ lớn vừa rồi đã mang lại lượng phù sa dồi dào. Theo chủ một đại lý chuyên bán phân bón nhập khẩu ở An Giang, giá phân bón giảm liên tục khiến các nhà nhập khẩu khó tính toán việc lên kế hoạch nhập hàng. Giá phân urê hiện đã giảm khoảng 120.000 - 140.000 đồng/bao/50 kg so với tháng 9.2011.
Cũng theo ông Hùng, không khí ảm đạm của thị trường phân bón hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là ảnh hưởng của thị trường thế giới, giá phân bón quốc tế hiện đã giảm từ 50-70 USD tấn và vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước cũng bị ảnh hưởng do thời tiết. Giá phân bón giảm mạnh, nên nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phân bón đang phải chịu thua lỗ khá nặng nề do đã nhập khẩu một lượng phân bón không nhỏ khi giá đang cao. Nhiều nhà nhập khẩu phải bán lỗ để thu hồi vốn. Trong khi đó, lượng phân bón cung ứng tồn đọng từ năm 2011 lại khá lớn. Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết nhập khẩu phân bón cả năm 2011 ước đạt 4,2 triệu tấn, tăng 20% so với năm 2010, đã đẩy ngành phân bón vào tình trạng cung đang vượt quá xa so với cầu.
Lối thoát xuất khẩu
Giá phân bón giảm đang gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu và nhà sản xuất trong nước nhưng lại đang giúp người nông dân dễ thở hơn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2012, nhu cầu phân bón của cả nước là hơn 9,8 triệu tấn (phân NPK 3,5 triệu tấn, urê 2 triệu tấn, phân lân các loại 1,8 triệu tấn, phân kali 920.000 tấn, DAP 950.000 tấn, phân SA 710.000 tấn). Từ một nước luôn phải phụ thuộc phần lớn vào nguồn urê nhập khẩu, bắt đầu từ năm 2012, Việt Nam đã có thể tự chủ hoàn toàn được loại phân bón quan trọng này. Đặc biệt, khi các dự án mới về sản xuất phân urê đi vào hoạt động ổn định trong quý 4/2012 và nguồn cung phân bón tổng hợp NPK các loại cũng đã vượt xa nhu cầu cần thiết thì các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để hướng tới xuất khẩu.
Trước đây, đã từng có những thời điểm các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện xuất khẩu phân urê, nhưng đó là khi hàng nhập khẩu và sản xuất trong nước bị tồn đọng nhiều do cung vượt cầu, nên phải tiến hành xuất khẩu lượng urê nhập khẩu tồn kho. Còn tới cuối năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nước xuất khẩu phân urê do chính các nhà máy trong nước sản xuất. Theo dự kiến, sản lượng urê trong nước sẽ vượt qua mức 3 triệu tấn vào năm 2015. Nhà máy đạm Hà Bắc đang triển khai dự án mở rộng đầu tư nâng công suất từ 200.000 tấn/năm hiện nay lên 500.000 tấn/năm vào năm 2015. Tập đoàn Công Thanh cũng đang tính toán đầu tư nhà máy sản xuất đạm từ than cám với công suất khoảng 560.000 tấn/năm tại xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Theo dự báo, nhu cầu urê cả nước trong những năm tới đây vẫn chỉ ở mức khoảng trên dưới 2 triệu tấn/năm. Do đó, ngay từ cuối năm 2011, các doanh nghiệp sản xuất urê đã bắt đầu tìm kiếm thị trường xuất khẩu để giảm bớt áp lực cạnh tranh trong nước và có đầu ra ổn định.
Ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam - kiến nghị: “Bắt đầu từ năm 2012, Việt Nam sẽ dư thừa nguồn phân urê, nên Bộ Tài chính cũng cần có chính sách thuế xuất nhập khẩu phù hợp”.
Theo Thanh niên