Cơ chế khuyến nông có “chiêu hiền đãi sĩ”?

22/02/2012

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, hệ thống khuyến nông; đặc biệt là khuyến nông viên cơ sở (KNVCS) có vai trò hết sức quan trọng. Đội ngũ này làm việc khá vất vả, nhưng phụ cấp rất thấp, nếu không nói là bèo bọt.

Cán bộ KNVCS huyện Trấn Yên hướng dẫn thu hoạch măng Bát Độ
Chẳng khác gì nhiều so với nông dân, những cán bộ khuyến nông, nhất là khuyến nông viên cơ sở quanh năm suốt tháng đều bám ruộng, bám đồng. Ngoài đồng lương họ chẳng có thu nhập gì khác, nhưng rồi họ tự an ủi: So với nông dân thì dù sao mình cũng có cái mác "cán bộ". 
“Chuẩn hóa” đội ngũ khuyến nông
Trong những tỉnh miền núi phía Bắc, Yên Bái có hệ thống khuyến nông khá hoàn chỉnh từ tỉnh cho tới xã. Tính đến cuối năm 2011, Yên Bái có 255 cán bộ làm công tác khuyến nông, với những chuyên ngành đào tạo: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thuỷ sản. Số cán bộ đó chủ yếu là KNVCS với 177 cán bộ, đa số có trình độ đại học.
Khi tuyển dụng, Yên Bái đưa ra các tiêu chuẩn nhằm "chuẩn hoá" đội ngũ cán bộ khuyến nông ngay từ bước đầu, trừ các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn thì tuyển dụng những cán bộ người địa phương có trình độ trung cấp, hàng năm đều tổ chức cho số cán bộ này đi học để đạt trình độ "chuẩn hoá". Đến nay số cán bộ KNVCS của Yên Bái chỉ còn 49 người có trình độ trung cấp, 4 cán bộ có trình độ cao đẳng.
Mặc dù Yên Bái là tỉnh nghèo, nhưng hàng năm đã trích ngân sách địa phương từ 3,5- 4 tỷ để nuôi đội ngũ KNVCS. Lực lượng này được hưởng lương và các chế độ như cán bộ trong biên chế nhà nước: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tăng lương đúng thời gian…tạo điều kiện để họ gắn bó với nghề.
Hàng năm đội ngũ KNVCS đã tham gia cùng với cán bộ trung tâm khuyến nông, trạm khuyến nông xây dựng hàng chục mô hình trình diễn, tổ chức hàng ngàn lớp tập huấn kỹ thuật… cho hàng chục ngàn nông dân. Năm 2011 đội ngũ khuyên nông Yên Bái đã mở 815 lớp trồng trọt cho 32.282 lượt hộ nông dân, 426 lớp chăn nuôi, thuỷ sản cho 16.904 lượt hộ, 224 lớp lâm sinh cho 9.635 lượt hộ… triển khai 12 dự án, 18 loại mô hình với 113 điểm trình diễn: Cải tạo vườn cây ăn quả, trồng cây nguyên liệu giấy, mô hình SX lúa chất lượng cao, mô hình canh tác sắn bền vững trên đất dốc, mô hình trồng tre măng Bát Độ, mô hình trồng nấm thương phẩm, mô hình chế biến phân hữu cơ, mô hình chăn chăn nuôi bò cái sinh sản…
Các mô hình đó đều gắn với chương trình phát triển nông nghiệp của địa phương hướng tới nền SX nông nghiệp khoa học hiện đại, bền vững. Đội ngũ khuyến nông đã góp một phần tích cực vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp của Yên Bái. Năm 2011 sản lượng lương thực có hạt của tỉnh đạt 267.793 tấn, sản lượng chè búp tươi đạt 90.812 tấn, trồng rừng mới 15.015 ha… kinh tế nông-lâm nghiệp tăng trưởng 5,24%.
KNVCS hướng dẫn người dân làm mạ che ni lon
Cơm cặp lồng, bám đồng bám ruộng
Mặc dù vậy, chế độ đãi ngộ đối với KNVCS còn rất thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Bà Trần Thị Hoàn Liên- Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên cho biết: Đội ngũ KNVCS của Trấn Yên hiện có 18 cán bộ trên 22 xã và thị trấn. Tất cả số cán bộ này đều có trình độ đại học. Trong những năm qua họ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, lương của đội ngũ này rất thấp, ngoài lương thì không có thu nhập gì khác. Vì thế, nhiều cán bộ KNVCS không thật sự gắn bó lâu dài với nghề. Nhiều người có cơ hội thì chuyển sang các ngành khác có thu nhập cao cũng như hướng phát triển tốt hơn.
Anh Triệu Khánh Thiện, khuyến nông viên xã Hoà Cuông cho biết: "Tôi vào làm KNVCS từ 1/4/2010, với mức lương khởi điểm là 1,8 triệu. Sinh hoạt tằn tiện mỗi tháng hết 1,5 triệu, tiền thuê nhà 300 ngàn, thành ra không còn dư đồng nào…". Anh Thiện đã có vợ và một con, nhưng với đồng lương ấy thì chưa tháng nào có tiền gửi cho vợ con, hiện đang phải bám vào nhà bố mẹ vợ. "Nhưng chẳng còn cách nào cả, đã trót bước chân vào nghề này thì phải chấp nhận, so với nông dân một nắng hai sương thì mức lương ấy chúng tôi còn được an ủi", anh Thiện nói.
Không giống như hoàn cảnh anh Triệu Khánh Thiện, chị Hoàng Ánh Tuyết cán bộ khuyến nông xã Y Can không phải thuê nhà, nhưng mỗi ngày đi về hơn chục cây số, tiền lương 2,1 triệu/tháng. Trừ xăng xe mỗi tháng 200- 300 nghìn, còn hơn một triệu chỉ đủ chi phí cho đứa con nhỏ đang học mẫu giáo.
Do thu nhập thấp, trong những năm qua Trạm Khuyến nông Trấn Yên đã có 5 cán bộ khuyến nông viên cơ sở "đi ngang", trong đó có 2 cán bộ chuyển sang Viện Qui hoạch nông lâm nghiệp, 2 cán bộ chuyển sang công chức xã, 1 cán bộ lên phòng nông nghiệp.
Thành ra huyện Trấn Yên hiện thiếu 3 cán bộ khuyến nông viên cơ sở, cán bộ các xã khác phải đảm nhiệm công việc của số cán bộ đó. Sự thiếu hụt ấy chắc còn dài dài, bất đắc dĩ người ta mới vào làm khuyến nông viên cơ sở, bởi: Chuột chạy cùng sào mới vào…khuyến nông.
Chị lắc đầu: "Làm KNVCS, mỗi người đào tạo mỗi nghề. Khi tham gia xây dựng mô hình trình diễn, những mô hình mình không được đào tạo thì phải mời khuyến nông có trình độ đó về tập huấn cho bà con, còn mình thì tới các xã khác xây dựng mô hình mình được đào tạo. Thành ra chi phí đi lại, ăn ở tăng cao. Mặc dù  mỗi tháng trạm hỗ trợ 100-120 nghìn tiền xăng nhưng cũng chỉ được phần nào, còn ăn uống thì chủ yếu là mì tôm và cơm cặp lồng... Dù vậy vẫn phải bám ruộng, bám đồng để chỉ đạo bà con cày cấy đúng lịch, niềm vui của chúng tôi khi thấy bà con được mùa".
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/2/2/90444/Co-che-khuyen-nong-co-chieu-hien-dai-si.aspx


Tin khác