Ngày 20/2, tại TP HCM, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp thủy sản xung quanh nhiều khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu thủy sản hiện nay.
|
Chế biến cá tra xuất khẩu
|
Theo ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm nay sẽ là năm rất khó khăn của ngành thủy sản, khó hơn cả năm 2011. Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với các thách thức lớn về thiếu nguyên liệu, chất lượng ATVSTP, khả năng cạnh tranh suy giảm…
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP nêu rõ những thách thức đối với ngành thủy sản. Chẳng hạn về mặt thị trường, ở thị trường lớn nhất là EU, việc tiêu thụ các sản phẩm thủy sản đắt tiền như tôm, cá ngừ… sẽ gặp nhiều khó khăn do sức mua giảm, khả năng thanh toán của các nhà nhập khẩu không còn tốt như trước.
Còn theo ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP và là Chủ tịch HĐQT Cty CP Hùng Vương, ngành chế biến thủy sản Việt Nam đang trong tình trạng bị “thắt cổ chai”. Đó là giá thành sản xuất tăng, nguyên liệu đầu vào tăng thì vốn liếng để đầu tư sản xuất phải tăng. Để đạt mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD thủy sản trong năm nay, ngành chế biến thủy sản cần nguồn vốn rất lớn. Thế nhưng, vốn liếng cho chế biến thủy sản vẫn đang bị ngân hàng thắt lại.
Trước những thách thức đó, mong muốn chung của các doanh nghiệp thủy sản trong năm nay là làm sao gia tăng được việc kiểm soát chất lượng sản phẩm mà lại không làm đội chi phí lên cao, và nhất là không làm suy giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo ông Trương Đình Hòe, hiện nay, chi phí kiểm nghiệm lô hàng thành phẩm trước khi xuất khẩu đang trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp, khi mức phí phải trả tăng trung bình 1,5-2 lần so với trước đó. Và, sâu xa hơn, việc lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng cùng các biện pháp, thủ tục kiểm soát trước khi xuất khẩu đã khiến đa phần các lô hàng thủy sản Việt Nam phải chờ từ 7-10 ngày trước khi xuất khẩu. Qua đó, làm giảm hẳn năng lực và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, dù ngành nông nghiệp đã tăng cường kiểm tra chất lượng đối với các lô hàng thủy sản xuất khẩu, doanh nghiệp vẫn thường phải đối mặt với việc lô hàng vẫn có nguy cơ bị cơ quan chức năng nước nhập khẩu phát hiện dư lượng và trả về. Thậm chí cơ quan chức năng của một số nước còn chưa tin tưởng vào chứng thư về chất lượng thực phẩm do cơ quan chức năng của Việt Nam cấp.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, TGĐ Cty Út Xi, cho biết, khách hàng Nhật Bản nói “Giấy chứng nhận của các ông do NAFIQAD cấp là chưa đủ mà phải đưa mẫu đến để chúng tôi đi kiểm nghiệm”. Khách hàng yêu cầu Cty Út Xi gửi mẫu qua Nhật Bản, Thái Lan, khi nào các phòng xét nghiệm ở đó “gật đầu” mới dám đưa hàng qua Nhật. Nhưng nhiều khi đi rồi vẫn bị trả về. Vì thế, doanh số xuất khẩu sang Nhật Bản của Cty Út Xi đang giảm đáng kể.
Ông Dương Ngọc Minh cho hay, có những thị trường như Canada, dù NAFIQAD có “thả” ra, DN cũng không dám bán vào vì rào cản kỹ thuật rất ngặt nghèo. Do đó, việc kiểm tra của cơ quan chức năng Việt Nam thành ra không cần thiết. Còn với thị trường Mỹ, trước khi lô hàng đi, nhà xuất khẩu phải thông báo trước với FDA, bên kia kiểm tra đồng ý mới xuất hàng. Do đó, việc kiểm tra của cơ quan chức năng Việt Nam cũng không có giá trị.
Chính vì thế, VASEP cũng như các doanh nghiệp mong muốn Bộ NN-PTNT thay đổi cách tiếp cận kiểm soát ATTP phù hợp với Luật ATTP, thông lệ quốc tế và giảm giá thành cho DN. Đồng thời, không yêu cầu các doanh nghiệp phải có Chứng thư của Nhà nước khi nước nhập khẩu không yêu cầu, cũng như không áp dụng các biện pháp xử lí vi phạm mang tính trừng phạt và vượt quá các nội dung này của Luật ATTP; xã hội hóa công tác kiểm nghiệp nhằm kịp thời phục vụ cho công tác xuất khẩu; thay đổi cách kiểm soát kháng sinh và các yếu tố rủi ro ATTP theo hướng kiểm soát đầu nguồn thay vì kiểm tra lô hàng như hiện nay…
Trước những ý kiến của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, cho hay, việc kiểm soát, tiếp cận theo chuỗi giá trị thủy sản đang được Bộ NN-PTNT tổ chức thực hiện một cách đầy đủ theo đúng các chuẩn mực quốc tế kể từ năm 2011. Công tác xã hội hóa việc kiểm nghiệm cũng đang được đẩy mạnh với 50% số mẫu kiểm nghiệm là do các phòng xét nghiệm bên ngoài Bộ NN-PTNT thực hiện. Việc thực hiện Thông tư 55 đang góp phần giảm chi phí kiểm nghiệm cho doanh nghiệp, với mức bình quân hiện nay là 972 ngàn đồng/lô xuất khẩu, giảm so với mức trên 1 triệu đồng/lô trước đó…
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, chất lượng, ATVSTP đang là vấn đề lớn trong xuất khẩu thủy sản, mà nhiều tổ chức nước ngoài nhắm vào để tấn công, giành lợi thế trước thủy sản Việt Nam. Việc kiểm soát chất lượng, ATTP không thể làm 1 khâu mà phải làm cả chuỗi từ con giống, sản xuất đến chế biến, kinh doanh. Trong năm nay, Bộ NN-PTNT sẽ triển khai mạnh hơn việc kiểm soát chất lượng theo chuỗi giá trị thủy sản.
+ Ông Trương Đình Hòe:
Hiện nay, chi phí kiểm nghiệm lô hàng thành phẩm trước khi xuất khẩu đang trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp, khi mức phí phải trả tăng trung bình 1,5-2 lần so với trước đó.
+ Ông Dương Ngọc Minh:
Đối với thị trường Mỹ, trước khi lô hàng đi, nhà xuất khẩu phải thông báo trước với FDA, bên kia kiểm tra đồng ý mới xuất hàng. Do đó, việc kiểm tra của cơ quan chức năng Việt Nam không có giá trị.
|
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Trong việc tăng cường kiểm soát chất lượng, Chính phủ và Bộ NN-PTNT đang cùng chỉ đạo theo hướng giảm bớt các khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số quy định gần đây không theo hướng đó và đã gây khó khăn, bức xúc cho một số doanh nghiệp. Nhưng có những thị trường như Nhật Bản, Canada, nếu chúng ta không làm ngặt thì sẽ có nguy cơ bị mất. Vì thế, không thể vì một số doanh nghiệp có thể nhẹ nhàng hơn trong việc kiểm tra chất lượng mà cả nước lại bị mất đi những thị trường nói trên”.
Theo Nông nghiệp Việt Nam