Vì sao doanh nghiệp cà phê lép vế ngay sân nhà?

12/03/2012

Tại hội thảo chuyên đề “Ngành cà phê: cơ hội nào cho các nhà đầu tư” vừa mới diễn ra, ông Đoàn Triệu Nhạn, cố vấn cao cấp của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, năm nay cả nước có 570,9 nghìn ha cà phê, trong đó 533,8 nghìn ha cho thu hoạch.

Chiến lược quốc gia cho ngành hàng cà phê Việt Nam mới đang được xây dựng.
Ước tính tổng sản lượng cà phê niên vụ 2011/2012 đạt 1,168 triệu tấn. So với niên vụ 2010/2011 , diện tích canh tác tăng 3% và sản lượng tăng 6%. Giá xuất khẩu cà phê năm qua đã tăng kỷ lục, đạt mức giá bình quân tới 2.172 USD/tấn, tăng 45% so với năm 2010.
Theo ông Trần Công Thắng, chuyên gia phân tích ngành hàng cà phê của Trung tâm thông tin nông nghiệp (Agroinfo), dự báo diễn biến giá cà phê trên thị trường thế giới năm 2012 nổi lên 2 kịch bản đáng chú ý. 
Kịch bản theo dự báo của Commerzbank, biểu đồ giá cà phê sẽ giảm dần trong các tháng, nhưng không giảm sâu. Còn theo kịch bản của Standard Chartered, giá cà phê sẽ trồi sụt rất mạnh trong năm nay, tăng mạnh vào giữa năm và rớt giá mạnh vào cuối năm. 
Ông Thắng cho biết, Agroinfo dự báo giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam năm 2012 sẽ giảm 15-20% so với năm 2011. Vicofa dự báo kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sẽ giảm ít nhất 15% so với năm trước. 
Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hòa nhận định, năm ngoái khối doanh nghiệp nước ngoài thu mua hơn 54% khối lượng cà phê và chèn ép các doanh nghiệp trong nước, gây nhiễu loạn thị trường. Năm 2012 này, các doanh nghiệp nước ngoài cạn vốn do khủng hoảng nợ công châu Âu nên họ sẽ không còn sức mạnh để tranh mua với doanh nghiệp trong nước. 
Tuy nhiên, nếu chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn  được thực thi và lãi suất vay ngân hàng cao thì doanh nghiệp trong nước vẫn yếu thế. 
Ông An cũng nhận định, vụ thu hoạch cà phê năm nay chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc, đến thời điểm này nông dân mới bán 40% khối lượng cà phê thu hoạch, còn 60% họ chờ khi nào được giá mới bán, tránh bán ra ồ ạt là điều rất đáng mừng. 
Ông Phạm  Khánh Hiệp, chuyên gia phân tích cho biết, cả nước hiện có 140 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê, trong đó có 12 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong số 50 doanh nghiệp lớn nhất thì 12 doanh nghiệp FDI xuất khẩu 380 nghìn tấn, 38 doanh nghiệp trong nước xuất 790 nghìn tấn; 90 doanh nghiệp còn lại chỉ xuất chừng 30 nghìn tấn. 
Doanh nghiệp trong nước luôn yếu thế hơn so với doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài kinh doanh trực tiếp với các thương nhân rang xay cà phê trên sàn giao dịch, họ có hệ thống các chi nhánh trên cả nước để thu mua sản phẩm đến từng hộ nông dân. Họ cũng nắm bắt tốt hơn những diễn biến trên thị trường, nên luôn đưa ra được chiến lược kinh doanh hợp lý hơn.
Hiện nay các doanh nghiệp trong nước không có được những thông tin chuyên nghiệp nên khó có chiến lược kinh doanh tốt, hoạt động thu mua phải qua nhiều khâu trung gian. 
Bên cạnh đó, phần lớn nguồn vốn thu mua cà phê của các doanh nghiệp trong nước đều phải vay ngân hàng, trong khi hệ thống ngân hàng chưa hiểu được phương thức kinh doanh thị trường của ngành hàng cà phê. Khi cà phê có cơ hội đầu tư lãi cao, thì các ngân hàng cũng không tăng cường rót vốn cho doanh nghiệp. 
Cơ chế cho vay vốn hiện nay cũng không hợp lý, ngân hàng luôn đòi hỏi doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu thì mới cho vay. Dẫn đến, các doanh nghiệp buộc phải ký hợp đồng giao sau, giao xa rồi vay vốn ngân hàng mới có tiền để thu mua cà phê. 
Với cơ chế này, doanh nghiệp lâm vào tình thế “một cổ 2 tròng”: vay ngân hàng thì phải trả lãi, đối tác mua hàng đã chốt giá trước nên doanh nghiệp xuất khẩu chịu rủi ro rất lớn. 
Bà Trần Thị Quỳnh Chi
Theo bà Trần Thị Quỳnh Chi (Q.GĐ Trung tâm Thông tin NNPTNT AGROINFO thuộc Viện IPSARD), hiện có 561 nghìn hộ (2,6 triệu lao động) đang trồng cà phê tại Tây Nguyên, trong đó 90% số hộ có quy mô canh tác nhỏ hơn 1 ha. Do sản xuất riêng lẻ nên chất lượng sản phẩm, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, khả năng mặc cả đều kém, chi phí sản xuất cao. 
Hệ thống tiêu thụ bao gồm hàng nghìn nhà buôn nhỏ, công ty sơ chế, tuy họ thu mua trực tiếp và linh hoạt nhưng do lợi nhuận thấp nên thường xuyên bóp méo thị trường. Vicofa là tổ chức lớn nhất đại diện cho ngành hàng cà phê, nhưng lại không có đại diện là nông dân. 
Hiện nay, Viện Ipsard và Cục Trồng trọt đang phối hợp xây dựng chiến lược quốc gia cho ngành hàng cà phê Việt Nam. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Chiến lược phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam hướng tới 8 nhóm giải pháp chính: phát triển thể chế, sản xuất bền vững, cải thiện các hoạt động nghiên cứu thị trường, marketing tiêu thụ nội địa, giám sát cung cầu, hỗ trợ xã hội, cải thiện tiếp cận tài chính. 
Theo Cục trưởng Ngọc, cần phải thống nhất tổ chức điều phối ngành hàng cà phê, kết nối các hiệp hội, tổ chức nông dân có liên quan nhằm thống nhất các kế hoạch đầu tư, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn ngành. Bên cạnh Vicofa cần có thêm Hiệp hội thương lái và Hiệp hội các nhà chế biến rang xay cà phê để cải thiện các dịch vụ và liên kết thị trường. 
Các hiệp hội này phải cung cấp thông tin cho các thành viên về kế hoạch mua hàng, điều kiện mua hàng; tổ chức đại lý nhằm đầu tư và thu mua cà phê; chỉ đạo sản xuất cà phê theo phương thức bền vững.
Theo VnEconomy

 


Tin khác