Nông sản chỉ chạy theo giá rẻ sẽ thất bại!

12/03/2012

Các chuyên gia cho rằng, cần đổi hướng sản xuất nông sản từ trọng số lượng sang trọng chất lượng, và đầu tư mạnh vào các sản phẩm đặc thù.

TS Đặng Kim Sơn
Cần sản xuất trọng chất hơn lượng
Theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ NN&PTNT), những năm cuối thập kỷ 1980, Việt Nam rất đói và là nước nhập khẩu hầu hết các nông sản chính. Không ai ngờ, 10 năm sau, Việt Nam vươn lên hàng đầu thế giới về xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Sự thần kỳ này diễn ra cùng sự quyết tâm đổi mới của Đảng, Nhà nước, sự cải cách về chính sách, thể chế và sự nỗ lực của toàn dân.
Đặc biệt, từ cuối năm 2010 đến nay, nông nghiệp Việt Nam đang trở thành điểm sáng như một tấm gương của những nước đang phát triển. Vì cơ sở hạ tầng yếu, khoa học công nghệ kém, đầu tư ít, nhưng Việt Nam không chỉ giải quyết được vấn đề an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo mà nông nghiệp còn là ngành xuất siêu với kỷ lục 25 tỷ USD/năm.
Tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2012, Việt Nam là 1 trong 5 nước trên thế giới báo cáo như những điển hình khiến các nước rất ngạc nhiên về một cách thức phối hợp của một nền nông nghiệp nhỏ như Việt Nam nhưng tiếp cận trực tiếp với các công ty xuyên quốc gia.
Nông sản Việt Nam lâu nay vẫn sa đà chạy theo số lượng, coi nhẹ chất lượng
 
Tuy nhiên, lâu nay, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu sản xuất truyền thống dựa trên lợi thế có đất, nước, và nguồn lao động dồi dào và thành quả sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu hướng đến thị trường giá rẻ, số lượng nhiều.
Ông Vũ Quan Tuấn, Công ty Nestle Việt Nam, đơn vị thường xuyên hợp tác với nông dân để phát triển ngành hàng cà phê, cho rằng, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, ít áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, ít cơ giới hóa trên ruộng đồng nên khó xây dựng nền nông sản hàng hóa.
Nền sản xuất này vẫn đang cho ra nhiều sản phẩm nhưng rất bấp bênh, lúc được mùa thì rớt giá, được giá thì mất mùa. Bệnh dịch cũng gây thiệt hại rất nhiều. Nông sản Việt Nam còn ngày càng đối mặt xu thế chung của thị trường thế giới với những đòi hỏi ngày càng khắt khe người tiêu dùng ngày càng khó tính, đặc biệt là sự xâm lấn chiếm thị phần của nông sản ngoại.
Với những thách thức hiện hữu, nếu nông nghiệp Việt Nam vẫn đi theo cách cũ sẽ không thể giữ được kỷ lục như hiện nay, thậm chí thị trường trong nước sẽ bị hàng nông sản ngoại ngày càng xâm nhập và đánh bại.
TS Đặng Kim Sơn cho rằng, chúng ta không thể làm theo cách cũ (thiên về nền sản xuất hướng đến số lượng) nữa, thay vào đó phải nỗ lực tiến đến nền sản xuất hàng hóa trọng chất lượng trên cơ sở chuyển từ khai thác tài nguyên sang huy động chất xám, đồng thời tăng cường khả năng tổ chức và quản lý hệ thống phân phối.
Cách làm mới sẽ giúp nông sản Việt Nam không chỉ đứng vững trên thị trường trong nước và các thị trường thế giới cả dễ tính lẫn khó tính mà còn là cơ hội để Việt Nam đi vào chuỗi giá trị toàn cầu với chất lượng cao.
Phát huy sản phẩm đặc thù
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cần kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phát triển những nông sản có giá trị và có tính đặc thù.
Táo mèo Sa Pa, Lào Cai
 
Bà Hằng lấy ví dụ qua trường hợp cây táo mèo ở Sa Pa, Lào Cai. Bản thân bà Hằng trước đây thường lên Sa Pa là mua táo mèo, vì loại quả đặc thù này ở đó rất ngon. Nhưng nay, bà Hằng không dám mua vì được biết có tình trạng táo nước ngoài trà trộn vào và không đảm bảo ATVSTP. Như vậy, táo mèo Sa Pa dần mất vị thế. “Vấn đề đặt ra là tại sao không có doanh nghiệp nào đầu tư vào đó để phát triển cây táo mèo?”- bà Hằng nhấn mạnh.
Ví dụ của bà Hằng chỉ là một phần thực tế trong số không ít sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có giá trị nhưng không biết cách đầu tư phát huy nên lãng phí nguồn lợi giá trị từ nó.
Đồng quan điểm này, ông Đào Đức Huấn, Trung tâm Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, Việt Nam cần lựa chọn các sản phẩm có lợi thế đặc thù của địa phương để đầu tư xây dựng thương hiệu riêng, làm chỉ dẫn địa lý… Bởi vì đó sẽ là những sản phẩm không ai có thể sử dụng, không thể tranh chấp và thể mua bán được.
TS Đặng Kim Sơn cũng cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, Việt Nam muốn phát triển, trước hết phải bắt đầu từ lợi thế của mình. Nông nghiệp đang là một lợi thế. Nhưng lợi thế này cần được phát huy theo chiều sâu. Trước hết, cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư khoa học công nghệ, tạo ra động lực để người dân bỏ công sức, trí tuệ vào mảnh đất của mình. Đặc biệt là Nhà nước cũng cần phải tạo ra cơ chế làm động lực để những người có của, có trí trở về đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, trong đó có đầu tư nâng cao giá trị nông sản.
Đây sẽ là một bước thay đổi về chính sách cũng như chiến lược mới trong tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, ông Sơn cũng thẳng thắn: “Làm được điều này hay không, phụ thuộc vào Chính phủ phải có đủ quyết tâm chính trị để tạo nên sự đổi mới thể chế, chính sách quyết liệt. Nhân dân phải đủ tinh thần và nghị lực để phát huy nội lực làm chủ nền sản xuất và nền kinh doanh của mình để đưa nền sản xuất sang một giai đoạn mới”./.
Theo VOV online

 


Tin khác