“Góp vốn bằng đất” thất bại vì “2 nhà” cùng sợ!

12/03/2012

Dự án góp vốn bằng đất nông nghiệp thất bại do cả nông dân và doanh nghiệp đều không mặn mà, sợ thiệt hại cho bản thân.

TS Lê Đức Thịnh (Ảnh: Agroinfo)
Theo TS Lê Đức Thịnh, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), mô hình “góp vốn bằng đất” thực hiện dựa vào công ty cổ phần cùng cổ đông là nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất với mục đích ban đầu nhằm hợp sức giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra sự đổi thay đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Song, đến thời điểm này, sự thất bại của mô hình đã nhãn tiền trên diện rộng.
Nông dân sợ mất đất
Lâu nay, nông dân Việt Nam vẫn chủ yếu sản xuất nông nghiệp trên các thửa ruộng nhỏ (bình quân 0,4 ha/hộ), manh mún, lại thiếu vốn nên khó đầu tư được khoa học kỹ thuật và khó cơ giới hóa vào đồng ruộng. Trong khi đó, các doanh nghiệp nông nghiệp lại thiếu đất để tổ chức sản xuất. Điều này gây khó cho quá trình hướng đến nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa.
Các thửa ruộng nhỏ lẻ sẽ khó cơ giới hóa trong sản xuất
 
Những tưởng khi thực hiện mô hình “góp vốn bằng đất nông nghiệp” thì tình trạng trên sẽ được khắc phục. Trái lại, người nông dân vốn khát vốn, mong được hợp tác với doanh nghiệp, nhưng khi doanh nghiệp “nhảy vào” đầu tư thì nông dân lại… dè chừng.
Theo TS Lê Đức Thịnh, lý do vì “nếu thúc đẩy tích tụ đất đai để sản xuất quy mô lớn, phát triển cơ giới hóa, sẽ dẫn đến nhiều bộ phận nông dân khác mất đất canh tác”. Cho nên, khi Viện IPSARD nghiên cứu về mô hình này tại 4 tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc cho thấy, tất cả nông dân và doanh nghiệp đều không tán thành cách làm này.
Vì thực tế, nếu nông dân nhượng quyền sử dụng đất hoặc giao đất cho doanh nghiệp, nhận đền bù bằng tiền mặt, họ sẽ có nhiều lựa chọn, có tiền để chuyển đổi nghề kinh doanh. Trong khi nếu góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, giá trị đất đó được các doanh nghiệp định giá rất thấp.
Đồng thời, “doanh nghiệp có thể mang đến những ngành nghề lạ mà con em nông dân không thể trở thành lao động công nhân cho doanh nghiệp đã lấy đi ruộng đất của họ”- TS Thịnh nhấn mạnh.
Hơn nữa, nếu chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang cho công ty, nông dân có thể trở thành cổ đông, nhưng họ không thể tham gia vào quản lý công ty vì họ không có kỹ năng, lượng vốn nhỏ không có đáp ứng tỷ lệ vốn của đại cổ đông.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp khi nhận đất góp của nông dân rồi nhiều năm báo lỗ và khoản lỗ này nông dân phải cùng gánh chịu. Hậu quả là chỉ sau vài năm, nhiều nông dân đã “mất cả chì lẫn chài”.
TS Thịnh đưa ra ví dụ về sự rủi ro rõ ràng cho nông dân trồng cao su. Ở đây, nông dân được hưởng 40% giá trị mủ cao su và gỗ khai thác. Nhưng trong thời gian 7- 8 năm trồng chờ được khai thác mủ, nông dân không được hỗ trợ tiền để sống.
Và, giá trị quyền sử dụng đất được công ty định giá để góp vốn quá thấp, chỉ 10 triệu đồng/ha, nên cổ tức sẽ rất thấp. Tỷ lệ ăn chia mà nông dân được hưởng rất thấp, chỉ 40% trong khi nếu nông dân tự trồng cao su và bán mủ cho nhà máy sẽ được hưởng 100% lợi nhuận.
Doanh nghiệp sợ nhiều cổ đông là nông dân
Theo TS Thịnh, trên 80% các nhà đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chọn hình thức công ty TNHH chứ không lập công ty cổ phần. Bởi vì, nếu nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cũng sẽ không giải quyết được tình trạng thiếu vốn của doanh nghiệp nhưng lại có quá nhiều cổ đông là nông dân tham gia vào doanh nghiệp, tạo ra sự phức tạp trong hoạt động của hội đồng cổ đông.
Theo nghiên cứu của Viện IPSARD, hiện cả nước đang có 2 mô hình công ty cổ phần mà nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất là Công ty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) và Công ty Cao su Sơn La.
Tại Cty Mía đường Lam Sơn, người trồng được chia 30% doanh thu lợi nhuận
 
Tại Công ty Mía đường Lam Sơn, nông dân góp vốn bằng đất với thời hạn 20 năm, hết thời hạn này đất lại thuộc về nông dân. Công ty bỏ vốn hằng năm tổ chức sản xuất, nông dân vẫn canh tác trên ruộng mía của họ, nhưng không phải lo đầu tư giống, vốn, kỹ thuật, lại được tính thêm tiền công lao động.
Nông dân được chia 30% số tiền từ doanh thu bán mía cho công ty mẹ, trung bình được trả 18 triệu đồng/năm/ha. Công ty dành 10% lợi nhuận để xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất. Mô hình này đã tạo ra thuận lợi: doanh nghiệp có vùng nguyên liệu mía ổn định, có điều kiện để xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ kỹ thuật.
Tuy nhiên, ông Vũ Quốc Tuấn, Công ty Nestle Việt Nam khẳng định, đầu tư cho nông nghiệp rất tốn kém cho nên ít công ty dám đứng ra làm riêng lẻ, thậm chí đứng ra cũng không làm nổi. Hiện tại, mô hình hợp tác công – tư đang thực hiện tại Bộ NN&PTNT đều là các nhóm doanh nghiệp chứ không phải các doanh nghiệp đơn lẻ.
Vì thế, nếu hợp tác để nông dân có được đầu ra ổn định, không lo vốn đầu tư sản xuất, thì công ty cổ phần sẽ gặp nhiều rủi ro, khó kiểm soát chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, các công ty cổ phần thành viên vừa phải đáp ứng yêu cầu của nông dân vừa bị lệ thuộc bởi các “công ty mẹ”. Do đó, người bỏ cuộc đầu tiên thường là các công ty cổ phần thành viên.
Mặt khác, rủi ro cũng sẽ đến khi công ty cổ phần sử dụng quyền sử dụng ruộng đất để thế chấp vay vốn thì vướng vào chính sách ruộng đất (với những nghi vấn về  ngưỡng năm 2013 có chia lại ruộng đất hay không) lâu nay vẫn chưa được giải thích rõ ràng.
Quản lý đất đai còn yếu…
TS Lê Đức Thịnh nhận định, hiện công tác quản lý đất đai ở ta còn yếu, đặc biệt là việc xác định chủ sở hữu đất tại vùng cao. Ví dụ, các doanh nghiệp khi đầu tư trồng cao su gặp nhiều khó khăn và tốn kém rất nhiều tiền của cho việc khảo sát xác định mốc giới và chủ đất.
Mặc dù đất đai được đánh giá là tài sản có giá trị rất lớn. Nhưng hiện nay khả năng khai thác còn thấp nên vốn từ đất này đang ở dạng “tài sản chết”. Thực tế cũng cho thấy, “chuyện nông dân góp vốn bằng đất vào các dự án phi nông nghiệp là không tưởng”. TS Thịnh nhận định như vậy và khuyến cáo: Nhà nước cần có cơ chế pháp lý đủ mạnh để giúp người nông dân nhận được khoản tiền đền bù khi bị thu hồi đất xứng đáng với giá trị thực của đất họ có. Sau đó, việc sử dụng vốn đó như thế nào là quyền của nông dân.
Trong các dự án hợp tác để sản xuất nông nghiệp, Nhà nước cần giải quyết được vấn đề về đất đai và làm trọng tài đảm bảo lợi ích hợp lý cho cả doanh nghiệp lẫn nông dân./.
Theo VOV online

Nguồn:http://vov.vn/Home/Gop-von-bang-dat-that-bai-vi-2-nha-cung-so/20123/202708.vov


Tin khác