Việt Nam bước vào thị trường xuất khẩu gạo thơm

13/03/2012

Vụ đông xuân đang thu hoạch rộ với 70% diện tích là lúa thường IR 50404, nhưng doanh nghiệp lại chỉ săn mua lúa thơm. Lý do là giá gạo thơm xuất khẩu đang gần gấp đôi gạo thường.

Gạo xuất khẩu tại công ty chế biến lương thực xuất khẩu Sông Hậu. khu công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) được Chính phủ hỗ trợ tiền vay không lãi suất để mua hết loại gạo thường trữ lại trong vòng ba tháng.
Gạo thơm không đủ bán
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo công bố kế hoạch mua lúa gạo tạm trữ mới đây, ông Phạm Văn Bảy, phó chủ tịch VFA, có đến bốn năm lần lặp đi lặp lại: “Doanh nghiệp sẽ mua gạo thơm trước, còn gạo thường phải mua từ từ”. Và ông mong “nông dân hãy thông cảm” vì “giai đoạn này, thị trường không có nhu cầu gạo cấp thấp”.
VFA cũng cho biết, nhu cầu về gạo thơm thể hiện rất rõ trong sản lượng xuất khẩu hai tháng đầu năm nay. Trong số trên 627.000 tấn gạo xuất khẩu các loại, trị giá xấp xỉ 319 triệu USD, chỉ có 6,45% gạo thường, còn lại là gạo thơm, gạo đồ và nếp. Hong Kong và Trung Quốc là hai thị trường nhập khẩu lớn nhất gạo thơm Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Ông Trần Ngọc Trung, tổng giám đốc công ty gạo Vinh Phát, nói rằng ông vừa dẫn một đoàn doanh nhân Hong Kong xuống các vùng trồng lúa thơm ở An Giang, Cần Thơ và đi thăm nhà máy chế biến gạo của công ty ở An Giang. Tuy chỉ trải nghiệm mấy ngày nhưng những ông chủ doanh nghiệp Hong Kong khá hứng thú với quy trình trồng lúa thơm cũng như phương pháp chế biến gạo của doanh nghiệp Việt Nam.
Thực tế, không phải đầu năm nay mà ngay từ 2011, sản lượng gạo thơm của Việt Nam đã chiếm 30% (135.000 tấn) trong tổng số lượng gạo thơm nhập khẩu của Hong Kong. Tháng 1 và tháng 2 năm nay, doanh nghiệp đang bán gạo thơm sang Hong Kong với giá 600 – 700 USD/tấn, cao gần gấp đôi so với gạo cấp thấp (15 – 25% tấm). Điều này cho thấy vì sao doanh nghiệp đang săn lùng lúa thơm (jasmine, VD20…) với giá mua vào trên 7.000 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng so với lúa thường.
Ông Huỳnh Minh Huệ, tổng thư ký VFA, thông tin: Trung Quốc có nhu cầu mua 200.000 tấn gạo thơm mà doanh nghiệp không có để bán…
Cơ hội thị trường
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng khẳng định “Việt Nam chưa bao giờ là nước có tên trong danh sách có nguồn gạo thơm bán ra thế giới”. Vậy tại sao vài năm gần đây chúng ta lại chen chân vào được phân khúc thị trường gạo thơm? Tháng 7 năm ngoái, gạo Thái Lan, trong đó có loại gạo thơm, đã mất dần ưu thế về giá khi Chính phủ nước này đưa ra chính sách trợ giá lúa cho nông dân. Nhiều khách hàng Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu, Nam Mỹ… vốn là mối ruột nhập gạo thơm của Thái Lan phải từ bỏ gạo Thái có mức giá gần 1.000 USD/tấn để quay sang mua của Việt Nam, rẻ hơn tới 30%. Chính ông Kenneth Chan, chủ tịch hiệp hội Các thương nhân kinh doanh gạo Hong Kong, thừa nhận: giá gạo thơm Việt Nam hấp dẫn hơn gạo Thái Lan. Đây là vấn đề quan trọng, theo ông, sẽ quyết định sự đổi hướng tìm kiếm nguồn cung sang Việt Nam đối với nhà nhập khẩu Hong Kong.
Ông Huỳnh Minh Huệ, tổng thư ký VFA, cũng thừa nhận: thị trường gạo thơm chỉ đến khi Thái Lan trực tiếp trao cơ hội cho Việt Nam. Trong trường hợp gạo thơm Thái quay trở về mức không trợ giá như trước đây, tức 700 – 800 USD/tấn, thì chưa chắc trong năm 2011, Việt Nam đã bán được hơn 400.000 tấn gạo thơm. Bởi theo như lời ông Kenneth Chan, so với gạo Thái Lan thì chất lượng gạo Việt Nam còn thấp hơn. Do đó, nếu muốn nâng cao sản lượng gạo xuất khẩu vào thị trường Hong Kong, theo ông Kenneth Chan, gạo thơm Việt Nam phải nâng cao chất lượng.
Liệu có lâu dài?
Ông Huỳnh Minh Huệ khẳng định Trung Quốc là thị trường tiềm năng và có triển vọng thành một trong những thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam.
Ông Lê Văn Bảnh, viện trưởng viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long cho rằng rất khó để gia tăng thêm diện tích lúa thơm tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cơ cấu gieo sạ 15 – 20% diện tích lúa thường, 10 – 15% lúa thơm, còn lại là lúa cho gạo cấp cao (gạo 5 – 10% tấm) là phù hợp với nhu cầu thị trường. Giống lúa cho gạo cấp cao cần duy trì diện tích lớn vì thị trường có nhu cầu nhiều nhất, như Indonesia, Malaysia, Philippines... Nếu không tính toán kỹ, trồng ồ ạt lúa thơm, đến một lúc nào đó, chắc chắn lại xảy ra tình trạng ế ẩm như lúa thường hiện nay. Vấn đề là cần định hướng sản xuất cho nông dân.
Ngay trong tháng 3 này, VFA chính thức thành lập trung tâm xúc tiến xuất khẩu gạo cấp cao sang thị trường Trung Quốc. Ông Huỳnh Minh Huệ, tổng thư ký VFA làm giám đốc trung tâm. Vị giám đốc mới được bổ nhiệm này giải thích: việc thành lập cơ quan chuyên phụ trách bán gạo sang Trung Quốc là cần thiết, bởi thị trường hơn 1 tỉ dân, đang có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh này luôn có nhu cầu gạo cấp cao. Và Việt Nam với lợi thế vận chuyển gần hơn, hoàn toàn có lợi thế trở thành nhà cung cấp thay thế Thái Lan, Ấn Độ hay Mỹ.
“Từ đầu năm đến nay, nếu không có nhu cầu ở thị trường Trung Quốc, chắc chắn giá lúa gạo nội địa khó đứng vững như hiện nay”, ông Huệ thông tin.
Theo Sài Gòn tiếp thị

Tin khác