Việt Nam là một nước nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt đến an ninh chính trị, kinh tế - xã hội. Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp đang chịu tác động rất lớn vào thiên nhiên. Những năm gần đây, thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tục, với mức độ ngày càng tăng, đã tác động lớn hoạt động sản xuất của nông dân.
|
Để góp phần giảm thiệt hại và hỗ trợ nông dân tái sản xuất nông nghiệp, từ những năm 1982, bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai. Tuy vậy, do nhiều lý do khác nhau, hoạt động bảo hiểm này gần như đã ngừng hoạt động. Để ổn định sản xuất nông nghiệp, giảm nhẹ thiên tai dịch bệnh, nâng cao đời sống người dân nông thôn, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X đã yêu cầu xây dựng cơ chế bảo hiểm nông sản để chủ động bù đắp thiệt hại khi bị thiên tai hoặc khi giá cả biến động bất lợi, nhất là đối với lương thực. Trong Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá X cũng yêu cầu tiến hành thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, bảo đảm mức sống tối thiểu cho cư dân nông thôn. Tuy vậy, bảo hiểm nông nghiệp là một hình thức mới, nhận thức của nông dân về bảo hiểm nông nghiệp chưa cao, nên hoạt động này dường như chưa hình thành và phát triển. Bảo hiểm nông nghiệp hầu như chưa đóng góp cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp. Tỷ trọng nông dân tham gia bảo hiểm còn thấp, hầu như các loại cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản không được bảo hiểm. Qua mỗi lần xảy ra thiên tai, dịch bệnh, Nhà nước phải hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng để nông dân khôi phục sản xuất. Tuy vậy, những khoản hỗ trợ này chỉ góp phần bù đắp những thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Để góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, Văn kiện Đại hội XI tiếp tục chỉ rõ: Phát triển các hình thức bảo hiểm phù hợp trong nông nghiệp.
Để hình thành và phát triển loại hình bảo hiểm nông nghiệp, ngày 1/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 01/10/2011, chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2013 đã chính thức được triển khai. Đã có 3 doanh nghiệp được phép triển khai hình thức bảo hiểm nông nghiệp, đó là; Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt; Tổng công ty cổ phần Bảo Minh; Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam. Cũng đã có những hợp đồng với tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng được ký kết giữa các công ty bảo hiểm với các hộ nông dân.
Thực hiện chương trình thí điểm này, Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt đã và đang tiến hành ký hợp đồng bảo hiểm cho các hộ nông dân, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp cây lúa, vật nuôi và thuỷ sản và nhiều địa phương đã tích cực triển khai thực hiện chương trình này. Thái Bình là một tỉnh thuộc diện thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Qua chuyến khảo sát thực tiễn của chúng tôi tại Thái Bình vào tháng 11/2011 cho thấy, loại hình bảo hiểm này chưa được triển khai thực hiện. Tuy vậy, trong tháng 2/2012 vừa qua, Thái Bình rất tích cực triển khai thực hiện loại hình bảo hiểm này. Thái Bình đã lựa 3 huyện đã được chọn để thí điểm triển khai bảo hiểm cây lúa là Tiền Hải, Thái Thụy và Vũ Thư. Để hình thức bảo hiểm này triển khai có hiệu quả cao, Thái Bình đã mở nhiều lớp tập huấn về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp do UBND huyện và Công ty Bảo Việt Thái Bình tổ chức. Tham gia buổi tập huấn là các chủ tịch xã, kế toán ngân sách xã, chủ nhiệm và kế toán trưởng các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, các trưởng thôn, trưởng khu của các xã, thị trấn và một số ban, ngành khác trong các xã, thị trấn. Mới đây nhất, đầu tháng 3/2012, Công ty Bảo Việt Nghệ An đã tổ chức ký hợp đồng bảo hiểm cây lúa vụ đông xuân 2012 cho hơn 22.000 hộ nông dân trồng lúa tại huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu của Nghệ An với tổng giá trị sản xuất bảo hiểm lên tới gần 160 tỷ đồng. Hiện nay, toàn huyện Yên Thành có 7.328 hộ nông dân tham gia với tổng diện tích tham gia bảo hiểm là 15.537 ha…. Theo phản ánh của nhiều phương tiện thông tin đại chúng, nông dân ở huyện Diễn Châu rất khấn khởi sau khi nhận được giấy chứng nhận bảo hiểm. Người nông dân an tâm hơn trong quá trình chăm lo sản xuất và mong muốn có được chỗ dựa trong sản xuất nông nghiệp.
Theo thông tin từ Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh, doanh nghiệp này cũng đã tiến hành triển khai sản phẩm bảo hiểm gián đoạn kinh doanh nông nghiệp theo chỉ số (thí điểm đối với rủi ro hạn hán) cho người trồng cà phê tại tỉnh Đắc Lắk. Để triển khai hoạt động này, Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh đã phối hợp với nhóm tư vấn thuộc Quỹ Ford Foundation do Công ty GlobalAgRisk (Hoa Kỳ) chủ trì để phát triển sản phẩm bảo hiểm cho cây cà phê. Loại hình bảo hiểm này được thực hiện theo hình thức ký hợp đồng bảo hiểm với mỗi nông hộ được dựa vào việc đo lường tổng lượng mưa tại trạm đo mưa được chỉ định cho từng vùng được bảo hiểm. Nếu tổng lượng mưa trong suốt thời hạn bảo hiểm đo được tại trạm đo mưa xuống thấp hơn một ngưỡng nhất định được thống nhất từ trước, Bảo Minh sẽ trả tiền bồi thường cho người nông dân. Thời hạn bảo hiểm được tính từ ngày 31/3 hàng năm đến ngày 10/5 của cùng năm đó.
Nhìn chung, loại hình bảo hiểm nông nghiệp bước đầu đã hình thành và phát triển ở một số địa phương, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế trên là do: mức phí bảo hiểm cao, không hấp dẫn người dân. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi phí bồi thường, chi phí quản lý, chi giám định tổn thất, chi bán bảo hiểm cao,... dẫn đến các doanh nghiệp bảo hiểm ít có động lực triển khai. Do quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, kỹ thuật canh tác lạc hậu, thu nhập thấp, người nông dân sẵn sàng chấp nhận rủi ro và chưa có ý thức tham gia bảo hiểm hoặc chỉ mua bảo hiểm khi rủi ro chắc chắn xảy ra. Đây là rào cản lớn cho việc triển khai. Thiếu sự phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và nông dân trong tuyên truyền, khai thác bảo hiểm, giám định và bồi thường thiệt hại...
Có thể thấy, bảo hiểm nông nghiệp là công cụ tài chính quan trọng và hiệu quả trong việc bù đắp cho nông dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất. Những thành công bước đầu trong việc hình thành và phát triển loại hình bảo hiểm nông nghiệp ở một số địa phương hiện nay là điều kiện tiền đề quan trọng để nhân rộng loại hình bảo hiểm này và cũng là những kinh nghiệm để các cấp, các ngành, các doanh nghiệp,... đẩy mạnh việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp ở nước ta, góp phần duy trì sự phát triển ổn định sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội nông thôn.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Nguồn:http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=511879