Đất đai, nông dân mong gì? Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra

21/03/2012

Lâu nay, miền núi vẫn được tiếng là đất rộng người thưa. Điều đó chỉ đúng với thời gian cách nay 20 năm về trước. Còn hiện nay, trừ những nơi "khỉ ho, cò gáy", còn lại hầu như đất nơi nào cũng đã có chủ. Một nghịch lý đang diễn ra ở khắp các tỉnh miền núi phía Bắc: Người thì quá nhiều đất, người không một thước đất cắm dùi.

Người dân chuẩn bị cây giống trồng rừng
Sự phân hoá giàu nghèo vùng nông thôn miền núi phía Bắc cách đây vài chục năm được tính bằng số lượng trâu bò, dê, ngựa, bạc trắng…thì nay người giàu, kẻ nghèo được tính bằng diện tích đất rừng, ruộng nương. Gia đình nào có 2-3 mẫu ruộng, vài chục ha đồi rừng trồng keo, quế, bồ đề… thì gia đình đó thuộc loại khá giả, chẳng phải lo chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi. Nếu chịu khó làm ăn và khéo tính toán con cái không sa vào những tệ nạn xã hội thì những gia đình đó giàu có chẳng mấy chốc.
Việc tích tụ đất rừng của các hộ ở tỉnh Yên Bái có hai hình thức tiêu biểu: Nhận đất trống đồi trọc trồng rừng, chuyển đổi diện tích nương rẫy sang trồng cây nguyên liệu giấy, cây đặc sản. Tiêu biểu cho hình thức thứ nhất là ông Đỗ Thập, GĐ Doanh nghiệp dịch vụ sản xuất trồng rừng 327.
Ông Đỗ Thập xuất thân từ một cán bộ lâm nghiệp khi về hưu sống tại thị trấn Yên Bình. Với hai bàn tay trắng, nếu chỉ trông vào mấy đồng lương hưu thì cái đói luôn chực chờ trước cửa. Vợ chồng ông phát những mảnh đồi hoang trồng ngô, sắn để lấy lương thực nuôi con cái ăn học. Sau đó ông trồng keo, bồ đề, bạch đàn bán cho nhà máy giấy Bãi Bằng. Trồng hết đồi này ông chuyển sang đồi khác, màu xanh của rừng dưới bàn tay ông cứ loang rộng ra mãi. Hồi đó vùng đảo hồ Thác Bà người dân đua nhau ra phát rừng trồng các loại cây lương thực, sau vài năm đất chai cứng vì bạc màu, cả vùng hồ với hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ đều bị cạo trọc lốc, một vùng đất hoang hoá đến rợn người.
Ông Đỗ Thập là một trong số những người đầu tiên xin ra vùng đảo hồ nhận đất trồng rừng, thổi bùng phong trào trồng rừng ở huyện Yên Bình sau đó lan rộng sang các địa phương khác. Ông mang tất cả vốn liếng rồi vay vốn ngân hàng để mở rộng diện tích trồng rừng, liên kết với cả ngàn hộ nông dân giúp họ vốn trồng rừng và tiêu thụ sản phẩm. DN 327 tiêu biểu cho mô hình trồng rừng hiệu quả nhất Việt Nam. Ông Đỗ Thập hiện có 514 ha đất trồng rừng ở 3 huyện Yên Bình, Trấn Yên và Văn Chấn.
Không chỉ ông Đỗ Thập, tỉnh Yên Bái hiện có vài trăm hộ gia đình có diện tích rừng và đất rừng quy mô từ 20-25 ha. Tiêu biểu cho hình thức tích tụ đất rừng bằng việc chuyển đổi đất nương rẫy sang trồng rừng và cây đặc sản, trong đó phải kể tới gia đình các ông Hoàng Văn An, thôn I, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên. Gia đình ông An có khoảng 100 ha quế, mỗi năm gia đình ông thu hàng chục tấn quế, nhờ tiền bán quế các con ông đều xây được nhà, trị giá vài ba tỷ, rộng cả trăm mét vuông. Ông Nguyễn Tấn Tuyển- thị trấn Yên Bình có gần 70 ha rừng cây nguyên liệu giấy… 
Vợ ông Nguyễn Tấn Tuyển trước cánh rừng trồng
Đó chỉ là vài ví dụ tiêu biểu trong số những hộ có diện tích rừng và đất rừng lớn của Yên Bái. Để có được khối tài sản lớn như vậy họ đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt, khác với một số DN chỉ vài động tác "vẽ voi" ra những dự án trồng rừng là được giao hàng trăm ha, sau khi nhận được đất thì họ bỏ hoang, trong khi đó dân không có đất SX.
Tháng 3/2007 Yên Bái hoàn thành việc rà soát 3 loại rừng, lẽ ra người dân đã bao đời nay sống bảo vệ rừng thì họ phải được ưu tiên giao rừng và đất rừng, nhưng tỉnh Yên Bái lại thực hiện "quy trình ngược", giao và cho thuê rừng và đất rừng cho các DN trước khi giao cho người dân. Ngày 18/10/2007 UBND tỉnh Yên Bái cho Cty CP Bảo Minh thuê 774,03 ha đất trồng rừng tại hai xã: Cẩm Ân, Bảo Ái huyện Yên Bình, ngày 1/11/2007 cho Cty TNHH XD Tân Thành An thuê 600,7 ha đất trồng rừng tại xã Xuân Long, huyện Yên Bình, ngày 30/6/2008 cho Cty CP Dịch vụ SX và Kinh doanh lâm nghiệp Hà Nội, thuê 950,85 ha đất rừng tự nhiên SX để trồng rừng tại xã Xuân Long, huyện Yên Bình, ngày 1/12/2010 cho Cty CP Minh Tiến Phú Thọ, thuê 905,93 ha đất trồng rừng tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn…
Một số DN sau khi nhận đất đã tiến hành trồng rừng, họ thuê lại chính người dân ở khu vực đó trồng rừng, nhiều hộ dân bức xúc: Chúng tôi bỗng chốc trở thành người làm thuê trên mảnh đất mà bấy lâu nay chúng tôi đã bảo vệ, luôn hy vọng được Nhà nước giao để SX ổn định cuộc sống… Ông Phạm Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh huyện Văn Chấn ngán ngẩm: Tỉnh cho Cty Minh Tiến thuê hơn 900 ha từ năm 2010, nhưng đến nay họ chưa có một động thái gì biểu hiện việc trồng rừng, trong khi đó người dân thì liên tục làm đơn xin đất trồng rừng, xã chẳng biết trả lời họ thế nào… 
Chế biến gỗ rừng trồng
Không chỉ đất trồng rừng, đất trồng cây hàng năm, đất chè, đất trồng cây ăn quả…cũng đang rơi vào tay những người giàu có. Điển hình là Cty chè Báo Đáp sau nhiều lần sắp xếp, chuyển đổi DN, cuối cùng gần 100 ha chè rơi vào tay một ông lãnh đạo tỉnh nay đã nghỉ hưu. Nếu ông này còn tại vị, liệu có một dự án ma tại đây, hàng trăm tỷ đền bù sẽ trôi tuột vào túi ông ta? Hoặc như dự án trồng dứa Cayen, vùng dứa nguyên liệu 5 xã phía Bắc huyện Văn Yên với tổng diện tích được qui hoạch là 2.400 ha, trong đó Nhà máy chế biến hoa quả xuất khẩu thuộc Cty Vật tư tổng hợp Vinashin quản lý 1.500 ha, nông dân tự trồng 900 ha. Dự án triển khai được mấy năm thì tắc tị, dứa không bán được, nhà máy không có vốn xây dựng, đẩy công ty vào sự thua lỗ triền miên, nợ đầm đìa hàng chục tỷ đồng. Gần 500 ha đất giao cho Cty trồng dứa bỏ hoang, dân đổ xô vào mượn tạm trồng sắn… Còn các Cty lâm nghiệp được giao hàng ngàn ha rừng và đất rừng, nhiều Cty không có vốn trồng rừng phải liên kết với các hộ gia đình, sản phẩm ăn chia. Một kiểu phát canh thu tô mới.
Hàng ngàn hộ nghèo ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái đang chờ đợi được giao đất. Tỉnh Yên Bái đã hoàn thành việc Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, trong đó có việc giao và cho thuê đất rừng sau khi chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang rừng kinh tế. Một câu hỏi mà nông dân đang chờ đợi là những hộ nghèo và các hộ có nhu cầu sử dụng đất rừng sẽ được ưu tiên giao và thuê như thế nào, để không còn cảnh người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra?
Trong tháng 12/2011 hàng chục người dân xã Vũ Linh vài lần kéo nhau lên cổng UBND tỉnh Yên Bái khiếu kiện về việc huyện Yên Bình cho ông Nguyễn Văn Mạnh và ông Nông Văn Chạn thuê hơn 60 ha đất rừng tự nhiên nghèo kiệt với giá 39,2đ/m2/năm, với thời gian 50 năm. Ngày 6/12/2011 hàng chục người dân xã Y Can, huyện Trấn Yên đã tấn công bảo vệ của DN 327 và công an xã khiến 6 người phải nhập viện. Nguyên nhân của cuộc ẩu đả do UBND tỉnh Yên Bái cho DN 327 thuê 43,8 ha đất rừng ở đây, khiến người dân bức xúc, nhiều hộ "nhảy dù" vào diện tích DN 327 đã thuê để trồng quế, từ đó nảy sinh việc tranh chấp đất đai. 
Nạo vỏ quế xuất khẩu
Ông Dương Kim Vượng, Bí thư Đảng bộ xã Y Can cho biết: Khu vực Minh An hiện còn 111 hộ đồng bào Dao thuộc diện nghèo, trong đó có 9 hộ thiếu đất có đất SX trầm trọng, như các gia đình: Triệu Thị Phú, Triệu Thị Bình, Dương Thị Bình, Triệu Đức Hợp…Theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất sản xuất, đất sở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thì: "Mức giao đất sản xuất tối thiểu một hộ là 0,5ha đất nương, rẫy hoặc 0,25 ha đất ruộng lúa nước một vụ hoặc 0,15 ha đất ruộng lúa nước 2 vụ". Trong khi các hộ nghèo ở đây chưa được giao đất, thì tỉnh lại cho DN thuê đất, khiến nảy sinh mâu thuẫn là điều dễ hiểu. Tỉnh đang chỉ đạo huyện và xã thực hiện việc giao đất cho các hộ nghèo tại đây, nhiều vấn đề phức tạp đã nảy sinh, không thể giải quyết ngay được…
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Tin khác