Đắc Sở: Làm giàu từ cây phật thủ

20/03/2012

Phật thủ đang là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân xã Đắc Sở (Hoài Đức - Hà Nội).

Không mấy khó khăn khi chúng tôi tìm về Đắc Sở, nơi được mệnh danh là “vựa phật thủ” của huyện Hoài Đức. Nhờ nhạy bén với thị trường, nông dân nơi đây có thể sống khỏe và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Nhớ lại những năm tháng “bôn ba” khắp các chợ vì cuộc mưu sinh, anh Nguyễn Văn Dũng, người dân thôn Đông Hạ kể: “Do thu nhập từ làm ruộng bấp bênh nên vợ chồng tôi phải đi buôn trái cây và thấy quả phật thủ được nhiều người tìm mua. Tìm hiểu thêm, tôi được biết, việc trồng phật thủ không khó nên vợ chồng thôi chạy chợ, vay vốn thuê hơn 2 mẫu đất trồng loại cây này”.
Theo đánh giá của nông dân Đắc Sở, bình quân mỗi hecta phật thủ từ năm thứ ba cho thu nhập không dưới 500 triệu đồng. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật thì sau một năm trồng, cây sẽ cho quả.
Anh Nguyễn Văn Hiền chia sẻ: “So với cam Canh, bưởi Diễn, phật thủ dễ tính hơn, cho thu hoạch quanh năm”. Thấy được hiệu quả của cây trồng này, nhiều người đã mạnh dạn thuê đất với giá 2,5 triệu đồng/sào để trồng phật thủ. Ở Đắc Sở, hiện hộ trồng ít cũng 3-4 sào, hộ nhiều lên tới 5 mẫu.
Người dân nơi đây bảo rằng, phật thủ có thể bán lúc nào cũng được, những quả mẫu mã xấu có thể tận thu làm thuốc. Theo Đông y, phật thủ có vị đắng, chua, tính ấm, giúp chống nôn, đau dạ dày. Hiện, phật thủ tươi có giá 30.000 – 50.000 đồng/kg, vào dịp lễ, Tết, quả đẹp được bán với giá 100.000 – 200.000 đồng. Cây phật thủ sinh trưởng và phát triển nhanh, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, có bộ rễ chùm, không chịu được úng nhưng lại là cây ưa ẩm.
Với đồng đất không nhiều, mỗi khẩu chỉ được chia chưa đầy 300m2 nên người dân phải đi buôn bán khắp nơi. Nhưng từ khi tìm được hướng đi mới cho riêng mình, hộ nào ở Đắc Sở cũng gắn bó với đồng ruộng. Những vườn phật thủ ngày càng được mở rộng, đến nỗi đất bãi cũng không còn, người dân phải đi thuê đất của Yên Sở và các xã lân cận.
Bà Nguyễn Thị Hường, Phó chủ tịch UBND xã Đắc Sở cho biết: “Trước đây, chỉ có thôn Đông Hạ trồng phật thủ, giờ phật thủ đã lan rộng ra 6 thôn với diện tích lên tới 75ha, chiếm hơn 70% diện tích đất canh tác. Quả tươi hay sấy khô đều được thương lái về tận xã thu mua nên phật thủ chưa bao giờ ế. Năm vừa qua, xã có 8 gia đình đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố, hàng chục gia đình thu nhập 300 – 400 triệu đồng/năm”.
Phật thủ là giống cây bản địa của Trung Quốc, Nhật Bản, được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Phật thủ còn có tên gọi khác là thanh yên, thuộc họ Cam. Tên gọi này xuất phát từ hình dáng của quả giống bàn tay Phật đang chắp tay cầu nguyện. Quả phật thủ thường có mặt trên mâm ngũ quả ngày Tết của người Việt ở miền Bắc.
Ông Nguyễn Quang Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây phật thủ sang các xã lân cận, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân. Hoài Đức coi phật thủ là loại cây đặc biệt, bởi ngoài giá trị kinh tế còn có ý nghĩa tâm linh, mang lại an lành, phúc lộc cho mọi nhà.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác