Đất đai, người dân mong gì? Giấy viết tay đánh đu với chính sách

15/03/2012

Thời điểm 2013 đang cận kề. Câu chuyện về đất đai đang sôi sùng sục khắp các miền quê. Người dân đang nghĩ gì, mong gì xung quanh chính sách lớn, ảnh hưởng tới đa số người dân?

Không tích tụ đất đai thì mãi mãi chỉ có thể làm ăn nhỏ lẻ
"Dây đến trăm, ngàn cái mồm phải tính kỹ"
Bà con trong làng, ngoài xóm kéo đến nhà Phó thông Trung mỗi lúc một đông, câu chuyện trở nên không có hồi kết. Thoắt cái, gần hai mươi năm trôi qua kể từ hồi chia đất theo Nghị quyết 03, xóa hẳn những thửa ruộng lớn thời HTX. Lần đó, chia đất công bằng giống hệt cảnh chia thịt lợn lúc bao cấp. Mỗi người treo tòng teng trên ghi đông xe đạp một sợi lạt xỏ mẩu tai, mẩu tim, mẩu lòng, mẩu thịt, khúc xương…thì mỗi hộ nông dân đều có mảnh cao, mảnh thấp, ruộng gần, ruộng xa, ruộng méo, ruộng tròn.
Cách đây mấy năm tôi từng đi thực tế chuyện cười ra nước mắt ở Vĩnh Phúc, một nông dân có cả trăm mảnh ruộng. Đất nhà ông manh mún đến nỗi có mảnh nhỏ như manh chiếu, con trâu lội xuống cày loay hoay một lúc chỉ được một vòng tròn, bốn góc còn lại người phải cật lực cuốc. Riêng mỗi việc đi thăm đồng, xem nước nôi, cỏ rả mà ông lão phải tất tả đồng trên, đồng dưới cả buổi cũng chỉ được non nửa. Thời gian bằng chuyện ở bên tây, nông dân đánh ô tô một vòng trang trại, mà diện tích ruộng nhà lão chắc chỉ bằng 1/100 ruộng của nông dân ngoại. 
Khoái Châu là huyện nông nghiệp có tiếng của Hưng Yên với những vùng chuyên canh màu, nửa lúa nửa màu và chuyên lúa. Huyện có trên 1.000 trang trại, gia trại trong đó 76 trang trại đạt tiêu chuẩn (theo tiêu chí có diện tích trên 2 ha hoặc doanh thu trên 1 tỉ/năm), 500 ha ruộng trũng chuyển đổi sang trang trại (có những xã chỉ trong một tháng chuyển được tới 70 mẫu). Thu nhập nông nghiệp của Khoái Châu khiến cho nhiều nông dân nơi khác phải chống cuốc mà phát thèm, trồng màu thu 400 triệu/ha, trồng lúa 90-100 triệu/ha, bình quân 119 triệu/ha.
Say nông nghiệp như thế nên từ nông dân đến cán bộ ngành rất quan tâm đến vấn đề hạn giao đất năm 2013 sắp hết. Chị Nguyễn Thị Lý, Trưởng Phòng Nông nghiệp, trăn trở: “Hãy cứ ổn định bằng cách giữ nguyên tình trạng rồi giao tiếp bởi gia đình người được giao ruộng có người chết đi thì cũng có người sinh ra. Nếu có lấy đất nên lấy suất của người chết, đất công điền để giao cho người sinh ra sau năm 1993. Đất thuộc trang trại đang sản xuất thì hộ được chia và chủ trại tự thỏa thuận giá thuê đất. Ở thời điểm này theo tôi nhà nước cho tích tụ ruộng đất chưa hẳn đã là tốt.
Nông dân ai sa cơ lỡ vận vẫn có sào ruộng có cái ăn. Hễ có mươi thằng dật dờ không công ăn việc làm là làng xóm tan nát. Về thời hạn giao đất nên vĩnh viễn nhưng chưa cho nông dân sở hữu được bởi nếu thế sau này nhà nước làm gì mà lấy đất ruộng, đi vận động rất tốn kém, khó khăn. Dây đến trăm cái mồm, ngàn cái mồm phải tính cho kỹ. Ruộng đất cũng nên cho quyền dồn đổi. Thực tế ở Khoái Châu, bán vĩnh viễn, đất tốt một sào phải 200 triệu như ở Dạ Trạch, Bình Minh, Đông Tảo…để trồng bưởi Diễn, cam Canh, dược liệu. Nhưng số bán lâu dài này không nhiều, chủ yếu là cho thuê với mức sản từ 1,3-1,5 tạ thóc/sào/năm. Tôi ước tính cả hai hình thức bán và cho thuê ấy chiếm khoảng 20-25%”.
Bán ruộng, trưởng thôn làm chứng là xong
Trước thời điểm 2013 cận kề, lòng anh Lê Thế San, Chỉ huy trưởng quân sự xã Dạ Trạch, lúc nào cũng như có lửa đốt. Số là trước đây anh có thầu 1, 2 mẫu đất công điền của xã trong 20 năm làm VAC. Liền kề đó là những mảnh ruộng xấu của dân, người không đủ sức lao động, người không nhu cầu sản xuất cùng gạ bán. Đất ấy thẳng thừng thầu 1 tạ/sào thậm chí còn đắt nhưng anh vẫn mua.
“Tôi không mua non, bán già, không mua rẻ, không mua của người vỡ nợ. Lúc mua, nông dân cũng nói miệng với tôi rằng nếu Nhà nước chia lại có sổ đỏ em lại gửi bác. Toàn người cùng làng, cùng xóm cả, người ta bán được là phấn khởi cười to lắm. Ai cũng nhất trí từ bố mẹ, anh em đến các con. Giấy mua bán viết tay do tôi “sáng tác” câu từ là mua lâu dài, tránh từ mua vĩnh viễn cho thuận tai. Trên 10 hộ với gần 3 mẫu ruộng đã được bán cho tôi với giấy tờ viết tay, có trưởng thôn làm chứng”, anh San cho biết. 
Nông dân mơ được có những thửa ruộng lớn
 
Đợt đầu anh San mua ruộng với giá 60 triệu/sào, đợt cuối 70 triệu đồng/sào và hiện là người mua nhiều đất ruộng nhất xã. Toàn là dạng đất chiêm khê, mùa thối được vượt lên trồng nhãn, trồng cây ăn quả, đào ao thả cá.
Anh tâm sự: “Tôi tích tụ đất không phải khi lợi nhuận là bán hay chờ Nhà nước giải phóng mặt bằng lấy lãi mà để sản xuất, lấy công ăn việc làm lâu dài nên rất sợ việc xáo trộn, nhất là khi một số người bán đất cho tôi đã chết. Tôi không sợ nông dân lật lọng bởi họ tính nếu cho thầu 1 tạ thóc/sào/năm được 700.000đ đằng này bán cho tôi 70 triệu/sào nhân với lãi suất ngân hàng 1,2% hàng tháng đã được 840.000đ, một năm là trên 1 tấn thóc, gấp chục lần ai mà chẳng thích?”.
Về vấn đề hạn điền, theo anh San nên tích tụ lớn bởi cây ăn quả phải 2 mẫu trở lên mới hiệu quả, trồng lúa phải 10 mẫu. Thực tế trồng lúa giờ nông dân nhiều người đang chán, nhưng mỗi khẩu chỉ một sào ruộng chạy dài, múc lên trồng cây không được, chênh vênh giữa đồng muốn chuyển đổi rất khó. Về thời hạn giao, trồng cây mười năm mới có hiệu quả, cả quá trình cải tạo làm trang trại ít nhất 20 năm mới bõ đầu tư nên theo anh San giao càng lâu càng tốt. Làm một phép tính mua 70 triệu một sào mà thời hạn giao ruộng mới 20 năm là không có hiệu quả. 20 năm ấy mà thầu mỗi năm chỉ cho 1 tạ thóc tức chỉ mất 2 tấn thóc/sào tương đương 14 triệu.
“Tôi mua đất như thế quả thực là giá cao, nhất là thời hạn giao đất đã ngấp nghé. Nhiều người bảo sao ông liều thế? Ngay vợ chồng tôi cãi nhau suốt ngày cũng vì chuyện mua đất. Tôi bảo mua đất làm trang trại lấy công ăn việc làm, muốn làm ông chủ, bà chủ phải có diện tích lớn, đầu tư lớn. Còn vợ tôi phản đối kịch liệt: “Tôi không cần trồng nhãn, không cần thả cá mà tháng nào cũng thu nhãn, thu cá. Này nhé, như ông mua 7 sào đất mất 490 triệu, đào ao mất 150 triệu vậy số đó đem gửi ngân hàng tháng nào cũng thu được 8 triệu lãi, 20 năm là lãi được 2 tỉ trong khi số gốc vẫn còn. Nếu mà tính hết 3 mẫu thì phải lãi gấp ba, gấp bốn lần số đó mà chẳng lo thiên tai, địch họa, mưa chắng đến mặt, nắng chẳng đến đầu”.
Rất thực tế, rất lô - gic nên anh San phải lấy quyền phủ quyết của người chồng để quyết. Có đứa con đang xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc gửi về bao nhiêu tiền anh đầu tư hết vào mua đất. Năm kia vợ chồng anh định xây nhà, gạch ngói, cửa rả đã mua hết đến lúc dồn tiền mua đất lại bỏ đấy. Năm ngoái họ vừa chớm có ý định xây lại mua tiếp 7 sào nên thôi: “Làm trang trại ban đầu vay lãi ngân hàng 2,5%/tháng đến năm thứ 7, thứ 8 mới bắt đầu hòa rồi lãi được mỗi năm tiếp theo vài chục triệu. Thực tế trang trại mười người lao vào chín người gian nan nay chính sách mà thay đổi thì nhiều chủ trại muốn vào trại, muốn tự vẫn chết quá”.
5h30 sáng, chưa tỏ mặt người, vẫn tê tái rét nhưng ông Tường Duy Trung, Phó thôn Cẩm Khê (Liên Khê, Khoái Châu, Hưng Yên) đã tung chăn dậy ngồi đốt thuốc lào. Mồi lửa lập lòe, khói bay mù mịt, bóng người chập chờn, mờ tỏ vách tường. Lúc sau, chị Chi hội trưởng phụ nữ thôn te tái tới hỏi dồn dập: “Sắp tới có chia lại ruộng không? Nông dân được giao đất bao nhiêu năm đấy hả ông Trung?”.
Trang trại lớn nhất Dạ Trạch có diện tích 10 mẫu thuộc về ba anh em Nguyễn Văn Hiển. Họ thuê đất 7 mẫu công điền từ năm 2000 và 3 mẫu đất ruộng của gần 20 hộ dân với thỏa thuận sau năm 2013 sẽ đàm phán tiếp giá cả. Họ dựng lên một khu chăn nuôi 70 lợn nái, 400 lợn thịt và khu trồng trọt chuyên canh bưởi Diễn. Anh Hiển bảo thời hạn 2013 sắp đến nên đất thuê của dân không dám đầu tư xây dựng mà chỉ trồng cây xanh lấy bóng mát. Trên 50 mô hình trang trại của Dạ Trạch là trên 50 nỗi lo canh cánh mỗi ngày.
Theo Nông nghiệp Việt Nam

 


Tin khác