Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) cho biết: Thời gian qua, các lô hàng thủy sản xuất khẩu của VN có tồn dư hóa chất kháng sinh vi phạm quy định của nước nhập khẩu chủ yếu và bị trả về có nguyên nhân cả về chủ quan và khách quan.
|
Gần đây, nhiều lô hàng thủy sản của VN bị nước ngoài trả lại vì nhiễm kháng sinh.
|
Cụ thể, hiện Ủy ban Luật Thực phẩm quốc tế (CODEX) chưa ban hành đầy đủ các quy định về hóa chất, kháng sinh cấm; hóa chất, kháng sinh được phép sử dụng nhưng phải đảm bảo mức tồn dư tối đa cho phép. Do vậy, các quốc gia đang có những quy định rất khác nhau. Mặt khác, việc khai thác, nuôi trồng thủy sản ở nước ta vẫn là quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết giữa các hộ nhỏ lẻ với nhau, thiếu sự gắn kết với đại lý thu gom, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu...
Thời gian qua, tình trạng vi phạm tồn dư kháng sinh trong các lô hàng thủy sản ngày càng xuất hiện nhiều. Ở đây, liệu có yếu tố doanh nghiệp cố tình vi phạm không, thưa ông?
- Đúng là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chưa thực sự gắn kết, đồng hành, hỗ trợ ngư dân, nông dân nuôi trồng thuỷ sản, đại lý nguyên liệu trong việc không lạm dụng hóa chất kháng sinh vì chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình là không những phải đảm bảo ATTP trong nhà máy của mình, mà còn có trách nhiệm trong thu mua nguyên liệu thủy sản an toàn để chế biến thực phẩm.
Trong khi đó, lực lượng quản lý thủy sản, thú y, khuyến ngư còn mỏng và chưa tập trung đúng mức vào việc hướng dẫn, vận động ngư dân, nông dân nuôi trồng thuỷ sản trong việc không lạm dụng hóa chất kháng sinh bằng cách áp dụng giải pháp thay thế như sử dụng chế phẩm sinh học hoặc cải tiến quy trình nuôi, đảm bảo thời gian cách ly khi phải dùng thuốc...
Để các mặt hàng tôm của nước ta không bị nhiễm kháng sinh và mất ATTP, các cơ sở, doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến sản xuất, xuất khẩu của VN cần làm những gì?
- Đối với các cơ sở khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, đại lý thu gom nguyên liệu phải tuyệt đối không lạm dụng chất cấm để phòng, trị bệnh trong nuôi thủy sản, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong diệt tạp, xử lý ao nuôi. Không sử dụng thuốc chứa hóa chất kháng sinh để phòng bệnh và trị bệnh do virus; trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng thuốc trị bệnh, phải sử dụng thuốc có số lưu hành và đảm bảo thời gian cách ly do nhà sản xuất hoặc cán bộ khuyến ngư, cán bộ quản lý chất lượng khuyến cáo. Đặc biệt, không được sử dụng chất cấm như chloramphenicol, urea... để bảo quản thủy sản khai thác.
Để các mặt hàng nông sản của VN giữ vững được thị trường truyền thống và phát triển thêm các thị trường mới, cần có những chính sách gì?
- VN là một trong những nước dẫn đầu về sản xuất và xuất khẩu thủy sản. Khi thủy sản của chúng ta sang một số thị trường khó tính với sản lượng và giá trị lớn và ngày càng tăng, chắc chắn các thị trường này ngày càng kiểm soát chặt chẽ. Để giữ vững được thị trường truyền thống và phát triển thêm các thị trường mới, theo tôi, các cơ quan thẩm quyền nhà nước chủ động đàm phán với các đối tác thương mại nước nhập khẩu yêu cầu họ sửa đổi các quy định chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế, thiếu cơ sở khoa học. Kết hợp hiệu quả hơn đàm phán tiếp cận thị trường trong xuất khẩu với nhập khẩu nông, lâm, thủy sản.
Theo Nông thôn ngày nay