|
Công ty mía đường Lam Sơn thành công với mô hình góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất để trồng mía.
|
Hai nhà không tán thành
Nhằm thu hút vốn của ND vào sản xuất có hiệu quả, Công ty Mía đường Lam Sơn đã thành lập một công ty cổ phần là công ty con trực thuộc nhằm xây dựng vùng nguyên liệu mía cho công ty mẹ. ND góp vốn bằng giá trị QSDĐ với thời hạn 20 năm, hết thời hạn này, đất lại thuộc về họ. Hàng năm, công ty bỏ vốn tổ chức sản xuất, ND vẫn canh tác trên ruộng của họ, nhưng không phải lo đầu tư giống, vốn, kỹ thuật, lại được tính thêm tiền công lao động và được chia 30% số tiền từ doanh thu bán mía cho công ty mẹ. Thực tế là trung bình mỗi hecta, bà con được trả 18 triệu đồng/năm, công ty dành 10% lợi nhuận để xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất.
Sau thời gian thực hiện, mô hình này giúp DN có vùng nguyên liệu mía ổn định, có điều kiện để xây dựng hệ thống hạ tầng, thúc đẩy cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công ty rất khó kiểm soát chất lượng sản phẩm, trong khi rủi ro cũng sẽ đến với ND khi công ty có thể sử dụng QSDĐ để thế chấp vay vốn.
Mặc dù đây được coi là cách làm ăn mới, song theo TS. Lê Đức Thịnh, Trưởng bộ môn Thể chế (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn – Ipsard), từ năm 2005 đến năm 2010, cả nước có trên 0,5 triệu hecta đất thu hồi nhưng chỉ có 2 dự án (có tính thử nghiệm) thực hiện góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất còn tồn tại là của Công ty Mía đường Lam Sơn và Công ty Cao su Sơn La. Nguyên nhân là do ND và DN đều lo bị thiệt, do đó họ không tán thành cách làm này.
Đối với ND, khi được đền bù bằng tiền mặt, họ sẽ có nhiều lựa chọn cho tương lai hơn như chuyển nghề kinh doanh hoặc có thể làm bất cứ việc gì phù hợp, tuy nhiên, giá trị QSDĐ của mỗi hộ bị thu hồi góp vào DN không đáng kể, vì vậy lợi nhuận được chia không nhiều. Đó là chưa kể tới việc do năng lực, trình độ không có nên hầu như ND không được tham gia vào quản lý tại DN.
Một lý do khác cũng cần bàn đến là ND vẫn sợ sẽ mất vĩnh viễn đất nếu phải làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng, bởi khung pháp lý đảm bảo giá trị cổ phần trong công ty của người ND hiện chưa rõ ràng.
Còn về phía DN, họ cũng không mặn mà với hình thức này bởi đa phần các DN khi đầu tư đều lựa chọn mô hình công ty TNHH thay vì lập công ty cổ phần, khi làm ăn với ND, họ cũng e ngại bà con với tâm lý tiểu nông sẽ gây ra nhiều phức tạp.
“Có thể nói, mô hình góp vốn bằng đất trong các dự án phi nông nghiệp đã thất bại. Giải pháp này không khả thi trong điều kiện cả DN và ND đều không quan tâm”, ông Thịnh cho hay.
|
TS. Lê Đức Thịnh |
Cần chính sách riêng
Hiện, tổng giá trị đất canh tác nông nghiệp ở nước ta có thể được định giá 300-500 tỷ USD, thậm chí lên đến 1.200 tỷ USD, song tiềm năng giá trị vốn đất hầu như chưa được khai thác. Với ND, đất là tư liệu sản xuất và là tài sản giá trị bậc nhất, nhưng thực tế là diện tích đất canh tác bình quân ở mỗi hộ quá thấp (0,4 ha/hộ) nên quy mô sản xuất rất nhỏ, manh mún. Trong khi đó, nhiều DN trong lĩnh vực nông nghiệp vừa thiếu vốn, vừa không có đất để tổ chức sản xuất, căng thẳng về vùng nguyên liệu, do vậy việc “góp gạo thổi cơm chung” sẽ giải quyết được nhiều hạn chế.
TS. Thịnh nhấn mạnh, góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty, qua đó góp phần tạo điều kiện để tổ chức sản xuất tốt hơn, song vẫn không làm thay đổi sở hữu đất của ND. Vấn đề này đã được pháp luật nước ta công nhận (Điều 109 của Luật Đất đai năm 2003; Điều 727 của Luật Dân sự năm 2005 và Điều 30 của Luật Doanh nghiệp năm 2005), song vẫn chưa đủ mạnh để có thể giúp ND và DN tìm được tiếng nói chung.
“Vì thế, Nhà nước cần phải chú ý tới vấn đề tạo sinh kế mới cho ND thông qua nhiều giải pháp khác như đào tạo nghề, bố trí đất dịch vụ khi thu hồi đất, xây dựng hạ tầng; hạn chế tối đa việc thu hồi đất canh tác của người dân và đặc biệt là cần hạn chế sự khác biệt về giá đền bù giữa các dự án. Riêng với các dự án nông nghiệp, việc góp vốn này sẽ chỉ khiến cho tình trạng gia tăng sự phụ thuộc của ND vào DN, do đó, các dự án chỉ khả thi khi khung pháp lý được nghiên cứu, ban hành theo hướng xác định đúng giá trị QSDĐ của ND. Họ phải được pháp luật bảo hộ đủ mức, tránh đẩy vào thế bất lợi do không có khả năng tham gia quản lý DN”, ông Thịnh nói.
Các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra khuyến nghị, Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng mô hình, thể chế riêng cho loại công ty cổ phần mà cổ đông góp vốn bằng quyền sử dụng đất, vì thực chất đây là giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu chế biến, khắc phục sự manh mún của sản xuất, gắn sản xuất với chế biến, mang lại lợi ích lớn cho cả DN và ND. Cần có giải pháp hỗ trợ người dân, người nghèo trong giai đoạn kiến thiết cơ bản đối với loại cây trồng lâu năm như cao su, càphê, chè…
Theo Kinh tế nông thôn
Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/3/33111.html