Hỗ trợ DNNVV: Đâu là giải pháp đột phá?

15/03/2012

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) luôn là đối tượng dành được nhiều quan tâm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nội lực của khối DN này yếu nên họ đang gặp vô vàn khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng.

DNNVV cần xây dựng các phương án vay vốn khả thi để có thể tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng.
Thiếu vốn, không chỉ do ngân hàng
Hiện, số vốn mà DNNVV vay các ngân hàng thương mại (NHTM) chiếm 40% tổng dư nợ. Theo đại diện của các NHTM, đây là tỉ lệ khá cao, thậm chí có những ngân hàng, tỉ lệ cho vay DNNVV lên đến 50-60% tổng dư nợ như VietinBank. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều DN, việc tiếp cận vốn hiện vẫn còn khó khăn.
Tìm hiểu nguyên nhân được biết, nhiều khi khó khăn này do chính bản thân DN, cụ thể là trình độ quản lý chưa cao, cơ sở vật chất nghèo nàn, sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh của các DN này dễ gặp rủi ro do thiếu thông tin, chưa kể chế độ báo cáo, thống kê, kiểm toán chưa đúng chuẩn mực, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng khi thẩm định dự án, phương án vay vốn.
Theo thống kê, có tới 55% chủ DNNVV có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, rất ít người được đào tạo về kiến thức kinh tế và quản trị DN. Về trình độ sử dụng công nghệ, chỉ có 8% DN đạt trình độ công nghệ tiên tiến nhưng lại là các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy số DN có sử dụng máy vi tính lên đến hơn 60% nhưng chỉ có gần 12% sử dụng mạng nội bộ, số DN có website rất thấp.
Chính những bất cập này khiến DNNVV khó tiếp cận nguồn vốn. Ông Đỗ Lam Điền, Phó tổng giám đốc MaritimeBank ví von, nếu bạn là người có tiền và một ai đó hỏi vay tiền thì bạn có cho vay không khi không biết người đó là ai? Ngân hàng là người luôn muốn cho vay, DN luôn muốn đi vay nhưng lại không gặp nhau. Ông Điền cho biết thêm, nhiều DNNVV cầm phương án vay vốn đến ngân hàng với những con số về dòng tiền rất tốt nhưng khi ngân hàng hỏi DN dựa trên cơ sở thực tế nào để đưa ra dữ liệu đó thì người lập dự án không trả lời được.
Đồng ý như vậy, song ông Phạm Như Bách, Giám đốc Công ty cổ phần Mai Lan kiến nghị, ngân hàng cũng phải dám chịu rủi ro. Thường khi xét hồ sơ, ngân hàng luôn đòi hỏi phương án kinh doanh của DN phải có lãi. Để chắc chắn có lãi là điều DN rất muốn nhưng cái này còn tùy thuộc một phần vào thị trường, nếu DN chấp nhận hòa vốn và trả nợ ngân hàng đầy đủ thì ngân hàng cũng nên cho vay.
Ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách DN
Năm nay, nền kinh tế nước ta vừa phải khắc phục hậu quả của năm 2011, vừa bắt đầu tái cơ cấu kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới. Theo nhận định của các chuyên gia, kinh tế Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015 phụ thuộc lớn vào 2 vấn đề là ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách DN.
Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại, những thành tựu kinh tế của năm 2011 rất đáng trân trọng, nhưng so với các nước như Indonesia, Malaysia thì nước ta đối phó với biến động kinh tế thế giới kém hiệu quả hơn, cụ thể là chậm đổi mới mô hình tăng trưởng, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, năng lực cạnh tranh quốc gia, DN và sản phẩm còn kém.
Ở một góc nhìn khác, theo nhận định của chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới), kinh tế năm 2011 của Việt Nam đã bị che phủ bởi “nhiều mây đen và bão táp” với khủng hoảng nợ công, thâm hụt ngân sách và thất nghiệp tại nhiều châu lục. Tuy nhiên, cũng có thể đây là cơ hội nếu chúng ta điều hành đúng lúc và kịp thời.
“Cơ hội là các dòng vốn đầu tư đang rút khỏi những nền kinh tế rối loạn để tìm nơi đầu tư ổn định và có lợi, trong đó có Việt Nam. Nếu sớm ổn định kinh tế vĩ mô thì chúng ta sẽ thu hút đầu tư nước ngoài rất lớn. Bằng chứng là khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), FDI cả nước đã đạt mức 70 tỷ USD”, ông Lược phân tích.
Theo ông Mại, tùy thuộc vào tình hình kinh tế thế giới diễn biến theo chiều hướng nào mà nước ta chủ động ứng phó, chủ yếu tùy thuộc vào 5 yếu tố. Thứ nhất, đổi mới đồng bộ, nhanh chóng thể chế chính trị, kinh tế, chính sách kinh tế vĩ mô trên cơ sở tư duy mới, thích ứng với mô hình tăng trưởng theo lý thuyết phát triển hiện đại, tái cấu trúc nền kinh tế mà trước hết là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đầu tư công, DN Nhà nước. Thứ hai, nâng cao hiệu năng quản lý Nhà nước, giải quyết có hiệu quả các điểm nghẽn tăng trưởng, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư với hành lang pháp lý hấp dẫn. Thứ ba, các DN cần có ý chí, chiến lược kinh doanh, tích tụ vốn và nhân lực để từng bước vươn ra thế giới. Thứ tư, khôi phục lòng tin của nhân dân bằng môi trường dân chủ thực chất; khôi phục lòng tin của DN đối với triển vọng phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Cuối cùng là thực hiện nghiêm túc, có kết quả Nghị quyết của Trung ương IV về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, trong đó có xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương , đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/dndn/2012/3/33105.html


Tin khác