Ai được lợi từ mua tạm trữ lúa?

17/04/2012

Các doanh nghiệp đã gần hoàn thành chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn (quy gạo), nhằm đảm bảo nông dân trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long có lãi từ 30% trở lên. Thực tế, nông dân kêu không có lời, trong khi Chính phủ hàng năm vẫn chi nhiều tỷ đồng hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp mua tạm trữ. Vậy ai được lợi trong thương vụ này?

Không biết chương trình hỗ trợ
Nông dân sản xuất giỏi Đỗ Quí Nhang ngụ tại xã Mỹ Hiệp Sơn (Hòn Đất, Kiên Giang), người đang sở hữu 30 ha đất trồng lúa cho biết: “Đầu tháng 3-2012 tôi đồng loạt thu hoạch được tổng cộng 220 tấn lúa. Trong đó có 130 tấn lúa giống IR50404, bán ngay tại ruộng, giá 4.200đồng/kg, còn 90 tấn giống lúa dài xuất khẩu (5451) đang chờ tăng giá mới bán. Lúa gieo sạ đồng loạt thì phải thu hoạch đồng loạt. Thu hoạch cùng lúc mấy trăm tấn lúa nông dân lấy nhà kho đâu mà chứa, vì thế phải bán ngay tại ruộng. Thương lái cho giá sao mình bán vậy. Tôi thu hoạch và bán hơn cả tháng nay rồi.
Nông dân ĐBSCL thường xuyên trong tình trạng được mùa, rớt giá
 
Tôi không biết có chương trình thu mua hỗ trợ giá lúa cho nông dân, cũng chẳng có ông doanh nghiệp xuất khẩu nào vào đây mua lúa của tôi. Nhưng nói giá lúa 5.000đồng/kg mà đảm bảo cho nông dân lời 30% là không có cơ sở. So với chi phí sản xuất hiện nay, phải 6.000đồng/kg nông dân mới lời mức đó. Nói chung sản xuất lớn như tôi còn có lời, còn nhỏ lẻ một vài hecta hay đi thuê ruộng làm thì chỉ có từ hòa đến lỗ vốn”.
Theo ông Nhang thì hỗ trợ đâu không thấy, nhưng giá lúa hiện tại đang thấp hơn khoảng một ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, lúa tươi mua tại ruộng năm ngoái là 4.900đồng/kg, nay 4.000 - 4.200đồng; lúa khô 6.000đồng/kg. Còn vụ hè thu lúa tươi lên đến 6.200đồng/kg, lúa khô có thời điểm 8.000đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Bảy ở xã Mỹ Lâm (Hòn Đất, Kiên Giang) có hai hecta đất trồng lúa cho biết: “Chi phí tiền công trong vụ thu hoạch lúa vụ đông xuân vừa qua tăng gần gấp đôi năm ngoái, với khoảng một triệu đồng/công. Riêng khâu gặt đập đã mất 500 ngàn đồng/công, còn lại là chi phí vận chuyển, phơi sấy, đóng bao. Tính giá lúa 5.000đồng/kg là huề vốn”.
Ai được hưởng lợi?
Nhiều ý kiến cho rằng việc thu mua một triệu tấn gạo tạm trữ đã không tác động bao nhiêu đến giá cả thị trường. Thực chất nó là hoạt động mua bán thông thường, không mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, nhưng doanh nghiệp lại có được nguồn vốn ưu đãi không lãi suất. Giá lúa gần đây có nhích lên nhưng nguyên nhân là do tác động từ các hợp đồng xuất khẩu với Trung Quốc và một số nước khác.
Theo TS Lê Văn Bảnh – Viện trưởng viện lúa ĐBSCL thì việc mua tạm trữ lúa gạo như hiện nay không hiệu quả, nên điệp khúc được mùa rớt giá đã diễn ra từ nhiều năm qua. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo cả mấy chục năm nay nhưng không chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, kho tàng, không hợp đồng mua lúa với nông dân.
Việc mua gạo tạm trữ là do Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đề xuất với Chính phủ, đối tượng được quyền cầm tiền thu mua cũng do họ phân phối chỉ tiêu. VFA còn khống chế giá mua lúa của nông dân và quyết định giá sàn xuất khẩu. “Khi được Chính phủ chấp thuận hỗ trợ cho mua tạm trữ, họ (các DN thuộc VFA) thường không mua ào ạt, mà mua cầm chừng. Cho đến khi dân bán hết lúa với giá thấp, tiền hỗ trợ của Nhà nước mới đưa xuống, thì chỉ có DN được hưởng, cuối cùng thực chất nông dân chẳng được hưởng lợi gì”, ông Bảnh nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng phát biểu tại một hội nghị về “lúa gạo và nông dân” mới đây đã ngậm ngùi: “Thành tựu của ngành trồng lúa ở Việt Nam đã được thế giới khen ngợi, thế nhưng chúng ta vẫn day dứt vì những nông dân trồng lúa là những người nghèo nhất”.
Đúng ra là họ - những người nông dân, chịu thiệt thòi nhất. Nông dân bị chèn ép ngay trên cánh đồng của mình, bị ép giá từ khâu cày xới do giá dầu tăng cao; đến giá phân bón, thuốc trừ sâu. Có rất nhiều loại phân bón, thuốc trừ sâu được các công ty đến tiếp thị với dạng: hội thảo đầu bờ, khuyến mãi, cho mua thiếu... nhưng thực chất các nhà sản xuất đã có lợi nhuận, đôi khi nông dân còn gặp phải đồ dỏm. Khi lúa chín đồng loạt lại phát sinh tăng tiền thu hoạch, vận chuyển…
Ông Phạm Võ Bền – một doanh nhân từng cung ứng gạo cho các Cty xuất khẩu nói: “Không có doanh nghiệp xuất khẩu gạo nào trực tiếp đi thu mua lúa cho nông dân. Tất cả đều thông qua hàng xáo. Chính hàng xáo là những người với phương tiện nhỏ lẻ đã luồn lách vào những vùng sâu xa nhất để mua lúa cho nông dân.
Tuy nhiên, họ cũng mua với giá đặt hàng của các nhà máy xay xát, đương nhiên phải có lợi nhuận. Các nhà máy xay xát sau khi tính hiệu quả kinh doanh của mình, có lời mới bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Tại cửa này giá lúa mới được tính theo giá hỗ trợ của Chính phủ, giá 5.000đồng/kg”.
Với cách mua tạm trữ như hiện nay, chỉ các thành viên VFA và thương lái được lợi (trong ảnh: Một bãi tập kết lúa ở Châu Đốc, An Giang).
Thực tế cho thấy có những thời điểm giá gạo các doanh nghiệp thu mua chỉ 7.000-8.000 đồng/kg, nhưng giá xuất khẩu gấp đôi. Năm 2008, VFA thu mua lúa gạo tạm trữ cho dân giá chỉ 4.000đồng/kg, nếu quy ra gạo khoảng 420 USD/tấn. Nhưng bình quân xuất khẩu gạo năm 2008 của VFA đạt bình quân 610 USD/tấn, cao hơn giá thu mua lúa của nông dân gần 200 USD/tấn. Đặc biệt có những hợp đồng xuất khẩu vào giữa năm 2008, VFA đã bán được 975 USD/tấn.
Những năm tiếp theo, các hợp đồng xuất khẩu gạo do VFA điều hành vẫn mang về lợi nhuận cao ngất ngưởng cho những đơn vị tham gia xuất khẩu gạo. Riêng hai đơn vị: Tổng Công ty Lương thực Vinafood 1 và Vinafood 2 mỗi năm lợi nhuận từ xuất khẩu gạo từ 3.000-5.000 tỷ đồng. Lợi nhuận khổng lồ như vậy nhưng họ chưa bao giờ chia sẻ lợi ích cho nông dân. Và cứ đến mùa vụ VFA lại kêu Chính phủ chi tiền cho họ để mua lúa tạm trữ, kiếm lời
Xây dựng Quy chế mua tạm trữ lúa, gạo
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, kiểm tra chặt chẽ và kiên quyết rút giấy chứng nhận đối với thương nhân không duy trì đúng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định. Về xây dựng hệ thống dự trữ 4 triệu tấn lúa tại ĐBSCL, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT rà soát lại Quy hoạch hệ thống kho, đôn đốc các doanh nghiệp, đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây kho dự trữ lúa, gạo và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6-2012.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì, tổng kết, đánh giá, trong đó tập trung phân tích rõ những mặt được, hạn chế của chủ trương mua tạm trữ lúa, gạo vụ Đông Xuân năm 2011-2012 đồng thời nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ việc xây dựng Quy chế mua tạm trữ lúa, gạo để có sự chủ động trong việc can thiệp thị trường gạo khi cần thiết.
 
Theo Tiền phong

Nguồn:http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/573702/Ai-duoc-loi-tu-mua-tam-tru-lua-tpp.html


Tin khác