Cần tạo điều kiện đồng bộ cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển

11/04/2012

Đây là khẳng định của ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, hiện là Chủ tịch Hiệp hội cà phê Việt Nam khi nói về sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO (1997-2012).

Ông Lương Văn Tự
Phóng viên (PV): Xin ông đánh giá khái quát về mặt được của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam từ khi gia nhập WTO đến nay?
Ông Lương Văn Tự: Nói một cách ngắn gọn, có thể thấy, qua 5 năm gia nhập WTO, hệ thống doanh nghiệp nước ta đã thu về một số thành tựu nổi bật, bao gồm: số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh; các doanh nghiệp đã bỏ được tư tưởng ỷ lại, chủ động phát triển, chuyển quan điểm từ trông chờ vào Nhà nước là chính sang chủ động thích nghi với cơ chế thị trường; có nhiều doanh nghiệp phát triển nhanh và đang tính mua lại các doanh nghiệp của nước ngoài đã và đang đầu tư ở Việt Nam, ví dụ: Công ty Thiên Minh mua lại cả 5 dự án liên quan tới khách sạn Victoria của nhà đầu tư nước ngoài. Cá nhân tôi cũng biết nhiều doanh nghiệp Việt Nam nữa đang mua bán lại các doanh nghiệp nước ngoài. Quá trình đó khiến chúng ta “thừa kế" sự chuyên nghiệp trong khâu quản lý cũng như thương hiệu và hạ tầng cơ sở, máy móc thiết bị của các doanh nghiệp nước ngoài. Theo tôi, đó là xu hướng tốt mà doanh nghiệp Việt Nam cần liên kết lại để sau thời gian mở cửa, học tập kinh nghiệm tạo vốn, học công nghệ, kỹ năng quản lý, sau khi phát triển, có thể xâm nhập và mua lại các doanh nghiệp trên thị trường nước ngoài
PV: Theo ông, qua 5 năm gia nhập WTO, doanh nghiệp Việt Nam còn những hạn chế và thách thức nào trong quá trình xây dựng và phát triển?
Ông Lương Văn Tự: Tôi cho rằng, chúng ta đã khá thành công trong việc phát triển và đạt mục tiêu có nửa triệu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Nhưng qua đó, chúng ta cũng thấy vẫn còn hạn chế là khâu chuẩn bị của doanh nghiệp chưa tốt. Điều này thể hiện ở trình độ của doanh nghiệp Việt còn thiếu và yếu, quy mô vốn còn nhỏ lẻ, chưa ở tầm vĩ mô và sức “đề kháng” với khủng hoảng thấp, dễ bị tác động. Hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh và mạnh về số lượng doanh nghiệp, thì cũng phải thẳng thắn thấy rằng số doanh nghiệp ngừng hoạt động, doanh nghiệp phá sản, giải thể cũng khá nhiều. Sau 5 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã hình thành nhiều doanh nghiệp lớn, nhưng tính chất bền vững thì còn nhiều điều phải bàn thảo thêm.
PV: Như ông đã nói, quy mô vốn của doanh nghiệp Việt còn nhỏ lẻ. Vậy, với việc thu hút mạnh các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tình hình vốn của chúng ta được cải thiện đến đâu, thưa ông?
Ông Lương Văn Tự: Trong tình hình hiện nay, rất dễ dàng nhận thấy doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang bị chững lại do tình hình tài chính thế giới có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại xuất hiện một “trào lưu mới”, đó là Nhật Bản và một số nước phát triển sau đang tìm đến thị trường Việt Nam rất nhiều vì họ tin đây là địa điểm đầu tư tốt. Thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO đã đạt được nhiều thành công đáng khích lệ.
Khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, rõ ràng chúng ta đang được lợi bởi họ là những người mang lại nguồn vốn lớn, kỹ năng quản lý chuyên nghiệp, hiện đại cũng như công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng không phải lúc nào chúng ta cũng tiếp thu nguồn công nghệ chuẩn, mà có thể do thấp hơn về trình độ phát triển so với họ, cộng với việc phát triển “nóng”, chúng ta cũng nhập khẩu về mình công nghệ trung bình và cả những công nghệ lạc hậu. Đối phó với tình trạng này, chúng ta rất cần sự vào cuộc tích cực của nhà nước cũng như doanh nghiệp, để tránh ăn phải “trái đắng” khi hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới.
Điều quan trọng là Việt Nam cần phải tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư cả trong nước và nước ngoài. Trong đó, cần phải khẩn trương và tích cực khắc phục ngay điểm yếu về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản dưới luật hiện nay, làm sao để tính thực thi vào cuộc sống nhanh, rút ngắn thời gian đưa chính sách tới thực tiễn.
Thực tiễn thời gian qua, nước ta cũng đã tiến hành sửa đổi, bổ sung 86 Luật phục vụ cho cải cách hành chính, đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Đó là một công việc khổng lồ. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để hệ thống quy phạm pháp luật đó nhanh đi vào cuộc sống, văn bản dưới luật hướng dẫn nhanh, kịp thời, tránh tính trạng để Luật ra phải chờ Nghị định. Như vậy mới tạo điều kiện đồng bộ để doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam phát triển nhanh và mạnh được.
PV: Trong quá trình hội nhập, không tránh khỏi việc chúng ta gặp phải một số rào cản thương mại, điển hình phải kể đến các vụ kiện chống bán phá giá đối với một số mặt hàng nông sản rất có uy tín của ta hiện nay? Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Ông Lương Văn Tự: Thực ra, việc này không hề phức tạp. Đơn giản, đối phó với các vụ kiện bán phá giá, các doanh nghiệp cần nghiên cứu sản phẩm nào chưa áp dụng thì lại phát triển thành sản phẩm mẫu để bán vào thị trường đó, hoặc vẫn với sản phẩm đó, phát triển sang thị trường khác. Đây là kinh nghiệm của nhiều quốc gia đối phó với các vụ kiện bán phá giá và có hiệu quả khá cao.
Nhưng cũng qua đó, có thể thấy đây là lời cảnh báo thiết thực cho các doanh nghiệp trong nước. Điều quan trọng là chúng ta phải đánh giá lại năng lực cạnh tranh đối với hàng hóa, sản phẩm của mình. Đối với doanh nghiệp, điều quan trọng cốt yếu là sản phẩm và muốn có sản phẩm phải xem lại chiến lược phát triển của doanh nghiệp đó. Chiến lược đó không được bó buộc trong nội địa mà còn cần phải mở rộng cả trong khu vực và thế giới. Đối với việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, không ai có thể làm thay doanh nghiệp được, tự doanh nghiệp phải bỏ tiền ra để triển khai. Có nhiều con đường, nếu tự học, tự mày mò, tiết kiệm chi phí nhưng thời gian bỏ ra rất dài; chịu khó tốn kém một chút về kinh phí nhưng trong thời gian nhanh và ngắn nhất có thể thu về hiệu quả tức thì. Do đó, các doanh nghiệp cần nghĩ tới việc mời "thầy" đến dạy, dám bỏ chi phí ra để thay đổi lại hệ thống quản trị, đào tạo nhân lực...; đồng thời liên tục cập nhật, triển khai chiến lược với sản phẩm theo thế chủ động, không được phép để tình trạng “nước đến chân mới nhảy” như trước kia nữa.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=516223


Tin khác