Mặc dù Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) công bố đã thu mua tạm trữ được 700.000 tấn gạo, song thực tế, đến thời điểm này, giá lúa gạo tại ĐBSCL vẫn giảm, nhiều nơi nông dân vẫn không thể bán được lúa.
Cho đến ngày hôm qua (10.4), giá lúa tại khu vực ĐBSCL mới tăng trở lại… 100 đồng/kg sau 10 ngày liên tục rớt giá. Song giá lúa vẫn thấp hơn cả thời điểm… trước thu mua tạm trữ, ngay cả giá lúa hạt dài mới đạt 5.100 - 5.200 đồng/kg.
|
Lượng lúa tồn trong dân hiện rất lớn.
|
Ông Lý Khoa -chủ một doanh nghiệp tư nhân xay xát, chế biến gạo ở Sóc Trăng cho biết: “Hiện tại, các doanh nghiệp lúa gạo không dám thu mua lúa IR 50404. Còn lúa hạt dài, có thu mua, cũng chỉ mua được 5.100 đồng/kg”.
Nguyên nhân, theo ông Khoa là do tâm lý chung các doanh nghiệp tư nhân cung ứng gạo nguyên liệu (cho các đơn vị xuất khẩu) đều rất dè dặt, không dám mở kho thu mua lúa ở những thời điểm giá lúa quá cao như hồi đầu năm (khoảng 6.000 đồng/kg). Đến khi giá lúa xuống tới mức 5.400 đồng/kg, các doanh nghiệp đều bắt đầu tổ chức thu mua, dự trữ.
Tuy nhiên, một bất ngờ lớn đã xảy ra đối với các doanh nghiệp cung ứng gạo nguyên liệu là, sản lượng lưu kho của họ ngày càng lớn, trong khi các giao dịch đầu ra hầu như không có. Chính vì vậy, khi giá lúa giảm xuống mức như hiện tại, thậm chí thấp hơn nữa, dù có muốn mua thêm doanh nghiệp cũng chịu, vì đã hết vốn, kho đã chứa đầy gạo.
Ông Phạm Văn Bên - chủ Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp), cho biết: “Trước đây, giá lúa thấp càng có lợi cho doanh nghiệp, nhưng vụ lúa đông xuân năm nay đó lại là khó khăn lớn. Một phần do chất lượng lúa giảm (bị đổ ngã do mưa, bão...), tỷ lệ gạo gãy cao trong quá trình xay xát, không đáp ứng yêu cầu chế biến gạo cấp cao. Từ đó, doanh nghiệp không dám mua ồ ạt”.
Trái với tuyên bố của VFA là lượng lúa tồn trong dân hiện chỉ còn 1,5 triệu tấn, song theo thông báo của các tỉnh ĐBSCL, lượng lúa tồn trong dân đang lên tới 5 triệu tấn. Theo nhận xét của một số chuyên gia, khi công bố sản lượng mua tạm trữ, phải chăng VFA không tính toán kỹ, bởi trong những tháng qua nông dân vùng ĐBSCL đã ào ạt tăng diện tích lúa vì hấp lực giá. Như vậy, sản lượng mua tạm trữ thấp hơn nhiều so lượng lúa gạo thực tế, đây chính là điều khiến giá lúa ở ĐBSCL không thể “nhích” lên được.
TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng: “Chủ trương thu mua tạm trữ trong điều kiện lúa xuống thấp là đúng. Tuy nhiên, việc thu mua tạm trữ trong nhiều năm qua vẫn chưa đem lại lợi ích cho người trồng lúa, bởi rất nhiều doanh nghiệp chưa có đủ hệ thống kho tàng để thu mua tạm trữ. Khi tiến hành mua tạm trữ, họ không mua ồ ạt mà chỉ mua cầm chừng. Trong khi đó, chỉ trong vòng vài tháng là ở ĐBSCL nông dân lại thu hoạch vụ mới. Vì vậy, việc hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ thực tế chỉ mang lợi ích đến tay doanh nghiệp”.
Giá lúa tăng không như mong muốn
Ông Đoàn Xuân Hòa- Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) nhận định như vậy. Theo ông Hòa, trong đợt thu mua tạm trữ này, giá lúa gạo trung bình chỉ tăng khoảng 200-300 đồng/kg. Trong đó, lúa khô IR50404 có lúc giá thu mua từ 5.200-5.300 đồng/kg (trước đó, lúa này tụt xuống ở mức 4.800-4.900 đồng/kg). Ông Hòa thừa nhận: “Đúng là giá lúa đã không tăng cao như mong đợi, một phần nguyên nhân là do... 3 ngày nghỉ lễ giỗ Tổ vừa qua, các doanh nghiệp không thu mua được nhiều lúa gạo. Ngoài ra, những ngày qua, các doanh nghiệp cũng lo đóng container để xuất khẩu”.
|
Theo Nông thôn ngày nay
Nguồn:http://danviet.vn/83807p1c25/vfa-tinh-sai-san-luong-thuc-te.htm