Phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại

16/04/2012

Phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi theo hướng hiện đại hóa, tăng hiệu quả cấp nước cho sản xuất và đời sống; chủ động phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, từng bước thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu là mục tiêu lớn của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay kết cấu hạ tầng thủy lợi trên địa bàn cả nước vẫn còn nhiều bất cập.

Chú trọng hơn nữa công tác quản lý công trình thủy lợi
Kết cấu hạ tầng thủy lợi còn nhiều bất cập
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu như năm 1945 cả nước mới có 13 hệ thống công trình thuỷ lợi vừa và lớn tập trung ở các tỉnh Trung du, đồng bằng Bắc bộ, duyên hải miền Trung cùng với một số kênh lạch ở đồng bằng sông Cửu Long như đập Đáy – Hà Tây (cũ), kênh Vĩnh Tế - An Giang… thì tính đến nay, cả nước đã có hàng trăm hồ chứa nước lớn và vừa cả nước phục vụ cho sản xuất.
Cụ thể, đến nay cả nước đã hình thành 904 hệ thống thủy lợi lớn và vừa có quy mô diện tích phục vụ từ 200 ha trở lên, hơn 5.000 hồ chứa các loại, với tổng dung tích trữ nước hơn 35,34 tỷ m3; hơn 10.000 trạm bơm lớn; gần 5.000 cống tưới tiêu lớn; 5.700 km đê sông, 3.000 km đê biển, 23.000 km bờ bao ngăn lũ đầu vụ hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long và hàng trăm cây số kè; hơn 126.000 km kênh mương. Tổng năng lực thiết kế của các hệ thống bảo đảm cho khoảng 3,45 triệu ha đất canh tác.
Có thể nói, với hệ thống thủy lợi dày đặc đã và đang góp phần nền nông nghiệp bền vững và ổn định, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, phát triển thuỷ điện, cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, cải tạo môi trường, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác và đóng góp xứng đáng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp lớn đó, thì hạ tầng thủy lợi hiện còn nhiều bất cập, có nhiều hệ thống thuỷ lợi không phát huy hết năng lực so với khả năng của công trình đầu mối. Theo số liệu điều tra và báo cáo của các địa phương cho thấy, bình quân chung hiệu quả của các hệ thống thuỷ lợi trên toàn quốc còn thấp. Đặc biệt, ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nhiều kênh trục chính đã được xây dựng nhưng thiếu công trình điều tiết, hệ thống nội đồng chưa hoàn chỉnh, quản lý thiếu chặt chẽ nên không phát huy đầy đủ khả năng như dự kiến…
Hơn thế nữa, hiện nay có không ít công trình thủy lợi đang xuống cấp nhanh do không được duy tu bảo dưỡng đầy đủ, kịp thời, nhiều công trình bị lấn chiếm, bồi lấp, xói lở giảm khả năng phục vụ cho sản xuất. Theo báo cáo của các đơn vị quản lý khai thác thủy nông, mỗi năm kinh phí đầu tư cho sửa chữa, tu bổ công trình chỉ đạt 30-35% yêu cầu thực tế, do không có kinh phí nạo vét nên khả năng dẫn nước giảm sút. Đó là chưa kể đến các máy bơm lắp đặt để bơm nước phục vụ tưới tiêu, hầu hết đều là máy móc cũ kỹ, có hiệu suất thấp…
Ngoài ra, chất lượng nguồn nước do hệ thống thuỷ lợi cấp nhiều nơi không đảm bảo, có nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều vụ vi phạm hành lang xảy ra. Kết quả khảo sát đo đạc qua các năm cho thấy tình trạng ô nhiễm chất lượng nước ngày càng tăng. Ở Đồng bằng Sông Cửu Long, toàn bộ nước thải từ đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư, chất thải nông nghiệp, thuỷ sản đều đổ xuống các dòng sông và hệ thống kênh mương, mật độ giao thông thuỷ ngày càng cao nên tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng, vấn đề vi phạm hành lang bảo vệ công trình xảy ra phổ biến….
Những yếu kém trong công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi cũng là một nguyên nhân quan trọng làm giảm hiệu quả và năng lực của những hệ thống, công trình thủy lợi. Nhiều địa phương, cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý khai thác thủy lợi, đội ngũ cán bộ, công nhân thủy nông ở các cơ sở chưa được đào tạo bài bản, vai trò của người dân chưa được quan tâm đúng mức…, do đó, người dân chưa ý thực được việc phải bảo vệ những công trình thủy lợi mà mình đang được hưởng lợi…
Đẩy mạnh các giải pháp để phát triển đồng bộ hệ thống thủy lợi
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, đòi hỏi công tác thuỷ lợi phục vụ sản xuất phải được chú trọng hơn nữa. Để làm được việc này, điều quan trọng là phải nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có.
Theo đánh giá, các công trình thuỷ lợi phục vụ nông nghiệp mới khai thác được 60-65% năng lực thiết kế. Cá biệt có công trình mới khai thác được trên 30% năng lực. Để nâng cao hiệu quả cần phải đảm bảo các công trình đầu mối an toàn làm việc đủ công suất thiết kế. Do đó, một trong những giải pháp hàng đầu, đó là cần tổ chức tốt công tác quản lý và phân phối nước trên toàn hệ thống thuỷ lợi. Cùng với đó, là tiếp tục đầu tư xây dựng mới các hệ thống công trình thuỷ lợi; tập trung đầu tư công trình tạo nguồn nước, hệ thống tưới và công nghệ phù hợp cho những vùng cây trồng hiệu quả kinh tế cao, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới...
Bên cạnh đó, cần thực hiện xã hội hoá công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, trong đầu tư cho công tác phát triển thuỷ lợi cần dành tỷ lệ ưu tiên cho quản lý khai thác hệ thống thủy lợi hiện có vì đầu tư vào lĩnh vực này hiệu quả nhanh hơn, lớn hơn đầu tư xây dựng những hệ thống mới. Trong các hệ thống thủy lợi, cần kiểm tra đánh giá chất lượng từng hạng mục để có kế hoạch tu bổ, thay thế và hoàn thiện hệ thống.
Ngoài ra, tiếp tục nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công nhân trong các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi. Đây là một yêu cầu vừa cấp bách vừa lâu dài. Để làm được điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, tay nghề cho đội ngũ cán bộ. Từng bước thực hiện tiêu chuẩn hoá để đội ngũ cán bộ công nhân đủ sức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế cũng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi. Do đó, cần đẩy mạnh sự hợp tác với các nước láng giềng để khai thác và chia sẻ lợi ích trên các sông và nguồn nước quốc tế trên cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tài nguyên nước và công trình thuỷ lợi quốc gia.
Cùng với những giải pháp trên, cần tiếp tục nâng cao vai trò của cộng đồng, từng bước xã hội hoá công tác thuỷ lợi, phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.
Với vai trò quan trọng của hạ tầng thủy lợi đối với đời sống sản xuất, hiện ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh quá trình quản lý thủy lợi theo mô hình có sự tham gia của người dân. Mong rẳng với những nỗ lực không ngừng và những giải pháp thiết thực, trong thời gian tới, hạ tầng thủy lợi sớm phát triển đồng bộ, đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ cuộc sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của cả nước.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=517502


Tin khác