“An ninh lương thực và dinh dưỡng là nền tảng của cuộc sống có chất lượng.”
Đó là lời nhấn mạnh của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Ban Ki-Moon, ngày 12-4 tại cuộc thảo luận cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc chuyên đề về biến động của giá lương thực và các thị trường hàng hóa có liên quan. Ông B. Moon phân tích rằng: Trong bối cảnh hơn 1 tỷ người trên thế giới đang phải đối mặt với giá lương thực bất ổn định, cộng đồng quốc tế cần có ý chí và hành động chung khẩn cấp để ngăn chặn sự biến động quá mức của giá lương thực, thông qua tăng cường kiểm soát, phân tích các thị trường quốc tế về lương thực và hàng hóa khác để loại trừ tình trạng đầu cơ thao túng giá lương thực trên toàn cầu. Theo cách nhìn nhận và phân tích thực trạng đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa kêu gọi cộng đồng thế giới cần tăng cường ý chí chính trị và hành động tập thể để ngăn chặn tình trạng đầu cơ trên thị trường lương thực và các hàng hóa khác nhằm kiềm chế sự biến động của giá lương thực trên toàn cầu.
|
Tình trạng công nghiệp và sự mở rộng đô thị lấn đất nông nghiệp đang đặt ra những thách thức mới, báo động an ninh lương thực toàn cầu. Con người sống phải có ăn, ít nhất là đủ ăn. Nhưng trong vài thập kỷ qua nạn đói đang tạo thêm ngày càng nhiều “khoảng tối” về an sinh xã hội, đe dọa sự tái diễn những nạn đói do thiên tai và do chính sự thiếu tính toán của con người. Báo cáo của FAO công bố vào cuối mùa mưa 2011 cho biết mưa lũ đã làm hư hại 12,5% diện tích trồng lúa tại Thái Lan, 6% ở Philippinnes, 12% ở Campuchia, 7,5% ở Lào và 0,4% tại Việt Nam. Vì thế, giữ đất nông nghiệp để tạo nguồn lương thực cho con người là nhu cầu thiết yếu. Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, cần ưu tiên sản xuất các loại lương thực có hàm lượng dinh dưỡng cao thiết yếu, cũng như đảm bảo cung cấp lương thực kịp thời cho con người. Người ta có thể dừng việc mua một chiếc ti-vi, chiếc xe máy hoặc máy lạnh cả mấy tháng cũng không sao, nhưng thiếu ăn vài bữa là nguy cho tính mạng.
Những hệ lụy do thiếu lương thực, hoặc do giá lương thực tăng quá cao đã chi phối nhiều bất lợi cho chất lượng an sinh cộng đồng xã hội. Giá lương thực không đơn thuần chỉ là sự khoanh hẹp của lương thực, mà tự thân nó là mặt hàng thiết yếu nhất, nên nó kéo theo hàng loạt mặt hàng khác cùng tăng giá. Cho nên, an ninh lương thực không những được coi là mục tiêu mấu chốt cần có chính sách kèm những biện pháp hữu hiệu giữ cho được sự cân đối cần thiết, bảo vệ nghiêm ngặt, có hàng rào an toàn, có sự đầu tư lớn cả về vốn, lao động và kỹ thuật, mà còn phải giữ cho chắc những điều kiện tạo nguồn, chế biến, dự trữ, quản lý chất lượng và giá cả lương thực.
Sự bất hợp lý kéo dài là người kinh doanh lương thực nhanh có lợi nhuận và thu nhập cao gấp mấy chục lần người nông dân sản xuất ra lương thực mà không hề có sự chia sẻ, bảo trợ. Ngoài tác động trực tiếp đến y tế, với tình trang báo động 60 nước trên thế giới mất an ninh lương thực đang là nỗi lo thường trực cho mỗi quốc gia đối với đời sống hiện tại và các thế hệ mai sau. Báo cáo của FAO và IWMI cảnh báo rằng nhiều quốc gia đang phát triển tại châu Á sẽ phải nhập khẩu gạo, ngô và lúa mì từ châu lục khác nếu họ không thay đổi cách thức sử dụng đất nông nghiệp, cách tổ chức sản xuất và áp dụng kỹ thuật thâm canh tiên tiến, nhất là môi trường và nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp.Trong khi đó, giá ngũ cốc sẽ tiếp tục tăng lên do tình trạng không ổn định trên các thị trường lương thực quốc tế. Và người ta cũng đang lãng phí lương thực vào việc biến lương thực thành một số nguyên liệu, nhiên liệu cho công nghiệp.
Người ta đang vì những cái lợi trước mắt mà chặt dần đi những điều kiện nuôi sống nhân loại. Khu công nghiệp, sự mở ra những đô thị mới, khu du lịch, dịch vụ, cả sân gôn không thể đem lại hứa hẹn gì cho tương lai. Trái lại, những lợi nhuận thu được trước mắt cũng không đem lại nhiều giá trị hiện hữu và càng không có khả năng sinh lợi, khi nguồn lương thực bị hạn hẹp dần, bị tước đoạt những điều kiện mở mang, khi giá lương thực bị đẩy lên cao. Có lương thực thì có thể xây được nhà máy, nhưng khi hết lương thực thì không thể đem nhà máy chế biên thành những món ăn nuôi sống con người. Do đó, điều cần quan tâm là cộng đồng quốc tế phải đưa ra được những kế sách mang tính bền vững nhằm thực hiện khẩn cấp những chính sách hợp lý; đồng thời cần phối hợp chặt chẽ khi tiến hành những kế hoạch bảo đảm an ninh lương thực, kết hợp đồng bộ với phát triển kinh tế-xã hội.
|
Thách thức lớn nhất hiện nay là sự hao hụt lao động nông nghiệp, đất nông nghiệp màu mỡ bồi đắp, tích tụ bằng mồ hôi, nước mắt từ nhiều đời, nay bị lãng phí do quy hoạch, dự án và bị công nghiệp “xâm lấn”, kèm theo đó là sự gia tăng giá nhiên liệu, giá cả những mặt hàng, vật tư chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, gây khốn đốn và bế tắc cho nhà nông. Khi giá lương thực luôn biến động bất thường, sức mua của người tiêu dùng sẽ có nguy cơ sụt giảm, khiến họ không thể tiếp cận được lượng lương thực cần thiết cho nhu cầu dinh dưỡng, đặc biệt là cho phụ nữ và trẻ em.
Trong những năm gần đây, thị trường toàn cầu đang trải qua biến động bất thường do giá lương thực và nhiên liệu, khiến cho mỗi năm tăng thêm hàng chục triệu người bị đói. Năm 2009, con số này là 156 triệu, đến năm 2011 đã tăng lên 192 triệu người phải cứu tế lương thực. Trong khi đó, hơn 937 triệu người nghèo khác đang bị thiếu ăn cách bữa hoặc nguy cơ đói dài vào mùa giáp hạt. Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) và Viện quản lý nước quốc tế (IWMI) cùng tiến hành nghiên cứu về tình trạng thiếu lương thực ở châu Á.
Ông Colin Chartres, Tổng giám đốc IWMI, phát biểu: “Lương thực của châu Á sẽ tăng gấp đôi trước năm 2050. Các chính phủ chỉ có thể dựa vào ngoại thương để đem về những loại ngũ cốc mà họ cần. Nhưng nhập khẩu quá nhiều lương thực sẽ tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển. Nhưng dự kiến của ông Colin Chartres là theo tốc đọ và dung lượng phát triển thuần túy. Với thực trạng như mấy thập niên gần đây, đến năm 2050 lương thực chấu Á sẽ khó mà tăng được gấp đôi.
Các chuyên gia kinh tế thế giới tham dự cuộc thảo luận tại Đại hội đồng Liên hợp quốc cho rằng, giá lương thực tăng quá mức đã trở thành thảm họa nhân đạo đối với nhân loại, tác động khủng khiếp đến những người nghèo và dễ bị tổn thương cho sự phát triển của nhân loại hiện tại và cả trong tương lai.
Tại cuộc thảo luận, các nước thành viên Liên hợp quốc đã đạt được thỏa thuận chung là cộng đồng quốc tế cần một đường lối toàn diện cùng những nỗ lực mới để tăng cường đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ở các nước đang phát triển, từ đó giải quyết tận gốc nguyên nhân và hậu quả của biến động giá lương thực và tình trạng mất an ninh lương thực.
Tuy nhiên, đây không phải một vài lần Liên hiệp quốc đưa nội dung này thành chương trình nghị sự chính yếu, coi như một sự cấp bách, mà từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước cả thế giới đã bị báo động đỏ về khủng hoảng lương thực. Nhưng các quốc gia hầu như chỉ hô hào về phát triển công nghiệp hiện đại, công nghệ tiên tiến, chạy theo các cuộc cạnh tranh kinh doanh, thu lợi nhuận từ các nguồn phi nông nghiệp.
Ngay cả kinh doanh tiền tệ cũng là vì lợi nhuận của các tập đoàn, các nhóm lợi ích mà đang dẫn tới sự trái ngược các nguyên lý kinh tế, đem đổ đồng tiền-hàng, biến đồng tiền thành thứ hàng hóa đặc biệt, đã kìm hãm sản xuất nông nghiệp, kinh doanh nông sản, tác động không nhỏ đến việc đẩy gía lương thực tăng vọt. Nông nghiệp bị xem nhẹ và thậm chí bị bỏ rơi. Như vậy, chính con người đang buộc thòng lọng vào cổ mình. Chê là nông nghiệp cho lợi nhuận ít, chậm thu hồi vốn, lãi thấp, nhiều công đoạn, đầu tư khó tin cậy, không và buông lơi, bỏ mặc cho nó phải tự bơi trong cơ chế thị trường hiện nay khác nào là tự sát?
Bùi Văn Bồng 4/2012