BHNN triển khai thế nào cho hiệu quả?: Ai cũng kêu: Khó quá!

27/03/2012

Đã có một số hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp được ký giữa doanh nghiệp bảo hiểm và nông dân. Đây có thể coi là tín hiệu đáng mừng. Nhưng nhiều địa phương đang lúng túng trong quá trình triển khai vì một số quy định chưa phù hợp với thực tế sản xuất.

Tín hiệu vui
Những hợp đồng bảo hiểm cây lúa vụ đông xuân 2012 vừa được Công ty Bảo Việt Nghệ An ký với nông dân vùng trọng điểm lúa huyện Yên Thành. Trong bối cảnh nhiều địa phương còn đang lúng túng với việc triển khai, tập huấn thì những kết quả bước đầu của Nghệ An là một nỗ lực đáng ghi nhận. Theo thống kê, đến nay đã có 3.563ha lúa vụ đông xuân ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu được bảo hiểm với 20.668 hộ tham gia (trong đó có 19.010 hộ nghèo, 1.453 hộ cận nghèo) theo phương thức bảo hiểm chỉ số năng suất tính trên đơn vị toàn xã.
Việc quy định năng suất của địa phương giảm trên 20% mới được hỗ trợ khiến nông dân e ngại.
 
Ông Phan Bá Trung, Giám đốc Công ty Bảo Việt Nghệ An cho biết, việc triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp không đơn giản bởi còn nhiều nội dung, quy tắc, điều khoản chưa hoàn thiện hoặc được hướng dẫn quá chậm nên phải vừa làm vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm. Thời điểm triển khai lại vào dịp cuối năm nên Ban chỉ đạo các cấp ở Nghệ An đã phải nỗ lực hết sức để chạy đua với lịch thời vụ. Nhiều người dân chưa hiểu hết quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp nên tâm lý còn e dè. "Từ thực tế này, chúng tôi coi công tác tuyên truyền là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Chính vì thế, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền các địa phương, các ban ngành tổ chức 155 cuộc hội thảo, tập huấn với 14.289 người tham gia. Những chính sách hỗ trợ, cơ chế tham gia bảo hiểm được tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống đài phát thanh các địa phương. Nhờ đó, bà con nông dân cũng dần hiểu lợi ích của bảo hiểm nông nghiệp", ông Trung nói.
Tuy nhiên, ông Trung cũng cho rằng, 3 năm triển khai thí điểm chưa phải là dài để đánh giá được hết hiệu quả của một chương trình còn rất mới mẻ với nông dân dù thời gian loại hình bảo hiểm này xuất hiện ở Việt Nam không hề ngắn. Chính vì vậy, nếu không có sự vào cuộc tích cực của các ban ngành chức năng, tổ chức chính trị thì sẽ rất khó thành công. "Chúng tôi triển khai chương trình bảo hiểm nông nghiệp trước mắt không tính đến lợi nhuận bởi sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chỉ mong sao nông dân hiểu được ý nghĩa, lợi ích của chương trình để tham gia nhằm bảo vệ thành quả sản xuất. Bên cạnh đó, để bảo hiểm nông nghiệp thực sự đi vào cuộc sống thì vấn đề sản xuất lớn cũng cần được tính đến", ông Trung khẳng định.
Khó từ quy định
Không phải địa phương nào cũng thực hiện ký kết hợp đồng bảo hiểm nhanh chóng như Nghệ An bởi nhiều ý kiến bày tỏ sự quan ngại về tính khả thi của chương trình. Đơn cử như ở Thanh Hóa, theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh này được chọn triển khai thí điểm bảo hiểm đối với trâu, bò và gia cầm nhưng Thông tư hướng dẫn số 47/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT lại chỉ áp dụng cho trâu, bò và lợn. Trong bối cảnh dịch bệnh xuất hiện triền miên và có những diễn biến phức tạp thì việc gia cầm không được áp dụng là một thiệt thòi với nông dân, bởi trong đợt dịch cúm gia cầm vừa qua, nông dân xứ Thanh đã phải tiêu hủy 12.000 con gia cầm trong tổng số 43.000 con nhiễm bệnh. Đó là chưa kể việc quy định điều kiện chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng để được tham gia bảo hiểm nông nghiệp cũng chưa phù hợp với địa bàn nông thôn, miền núi Thanh Hóa.
Ông Hà Văn Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy nêu một thực tế, theo quy định, hộ tham gia bảo hiểm cho gia súc, gia cầm phải áp dụng biện pháp nuôi nhốt hoặc chăn thả có kiểm soát (không áp dụng với trâu, bò thả rông) có từ một con trở lên; chuồng trại phải đảm bảo cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, tránh mưa tạt, gió lùa; cách xa sông, suối nơi thường xuyên ngập úng và có nguy cơ lũ ống, lũ quét; cách biệt với nhà ở, bếp nấu ăn, các công trình khác phục vụ sinh hoạt trong chăn nuôi hộ gia đình. Diện tích chuồng trại phải đảm bảo cho lợn ăn, ngủ và vận động tốt. "Ở vùng đồng bào dân tộc, việc yêu cầu chuồng trại phải đảm bảo như các điều khoản trên xem ra khó khả thi vì ngay cả nơi ở của họ cũng còn rất nhiều khó khăn", ông Vinh nói. 
Một số vấn đề về công bố loại dịch bệnh cũng khiến nhiều người băn khoăn, bởi theo quy định của thông tư hướng dẫn, Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công bố và xác nhận loại thiên tai, dịch bệnh thì cơ quan bảo hiểm mới thực hiện việc tính bảo hiểm cho nông dân. Nhưng trên thực tế, việc công bố dịch không đơn giản vì phải xem xét đến tính chất, mức độ, quy mô. Trong trường hợp đó, nếu chỉ có vài con gia súc, gia cầm chết thì tính như thế nào?
Và ngay trong một vấn đề nhỏ như thế này nhưng đã có những ý kiến trái chiều khi đại diện Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Thanh Hóa, đơn vị tham gia bảo hiểm nông nghiệp khẳng định: "Chỉ được tính bảo hiểm khi có quyết định công bố dịch của Chủ tịch UBND tỉnh; nếu trâu, bò, lợn có chết hàng trăm con mà chưa có quyết định công bố dịch thì vẫn không được bảo hiểm chi trả".
Để bảo hiểm nông nghiệp thực sự đi vào cuộc sống thì vấn đề sản xuất lớn cũng cần được tính đến.
Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), từ năm 2006 đến năm 2010, doanh thu bảo hiểm nông nghiệp tăng gần 3,5 lần.
Năm 2006 doanh thu từ bảo hiểm nông nghiệp là 737 triệu đồng, năm 2010 là 2,45 tỉ đồng, trong khi số tiền bồi thường bảo hiểm nông nghiệp chỉ tăng chưa đến 1,5 lần, từ 535 triệu đồng (năm 2006) lên 719 triệu đồng (năm 2010).
Như vậy, có thể khẳng định, các công ty bảo hiểm được hưởng lợi từ bảo hiểm nông nghiệp vì số tiền bồi thường chỉ chiếm chưa đến 30% doanh thu từ các hợp đồng.
Đủ thứ khó
Mức thu phí bảo hiểm, cách thức hỗ trợ cũng đang là băn khoăn của nông dân một số địa phương thí điểm bảo hiểm trên cây lúa như Thái Bình, Nam Định. Theo quy định, căn cứ để hỗ trợ bảo hiểm cây lúa cho nông dân dựa vào năng suất chung của toàn xã. Nếu năng suất của địa phương giảm 20% trở lên thì nông dân mới được hỗ trợ. Còn đối với trường hợp nông dân mất mùa riêng, có tham gia đóng bảo hiểm nhưng nếu năng suất chung của cả xã không bị thiệt hại trên 20% thì cũng không được hỗ trợ. Điều này sẽ càng thêm khó khăn khi triển khai bảo hiểm nông nghiệp, nhất là tâm lý của nông dân có phần chủ quan do liên tiếp nhiều vụ lúa gần đây được mùa, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh không đáng kể.
Tại Bạc Liêu, việc triển khai thí điểm trên con tôm cũng khá gian nan khi cả người nuôi tôm và doanh nghiệp chưa mặn mà. Nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất của nông dân còn quá nhỏ lẻ, trong khi mức độ rủi ro lại cao.
Trên thực tế, loại hình bảo hiểm nông nghiệp đã từng được triển khai ở địa phương này nhưng rất ít người tham gia; đến khi gặp rủi ro thì thiệt hại thường rất lớn (4 hộ đã lên đến gần nửa tỷ đồng) khiến nhà đầu tư không dám triển khai tiếp.
Trong khi đó, nông dân lại băn khoăn, nghi ngờ việc bồi thường nếu có rủi ro, cách thẩm định rủi ro như thế nào, ai đứng ra thẩm định và có đảm bảo quyền lợi cho người nuôi hay không? Về vấn đề này, ông Trần Thanh Lạc, Giám đốc Công ty Bảo Việt Bạc Liêu cho biết, hiện đơn vị đang phối hợp với các ngành chức năng triển khai tập huấn cho các hộ nông dân, đại lý để chậm nhất đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 ký hợp đồng với người nuôi tôm tại ba địa phương là TP. Bạc Liêu, Hòa Bình và Đông Hải. "Mặc dù có thuận lợi lớn là được Nhà nước hỗ trợ một phần phí bảo hiểm nhưng để đưa bảo hiểm nông nghiệp vào cuộc sống còn rất nhiều khó khăn bởi bà con thường sản xuất theo kinh nghiệm, phong trào, quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ. Đơn cử như việc thả nuôi, mặc dù đã có khuyến cáo về khung thời vụ của ngành chức năng nhưng có khi người dân vẫn xuống giống theo thói quen từ bao đời nay là chọn ngày đẹp để thả. Ngoài việc được Nhà nước hỗ trợ thì số tiền phí đóng một lần ban đầu cũng không hề nhỏ nên nông dân còn e ngại. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất lúc này là thực hiện thật tốt công tác tuyên truyền để bà con hiểu được lợi ích của việc bảo hiểm, đồng thời từng bước thay đổi phương cách sản xuất", ông Lạc nói.
Vẫn còn quá sớm để nói về tính khả thi của chương trình khi nó mới chỉ dừng lại ở bước khởi động. Nhưng từ "vết xe đổ" của những lần triển khai trước có thể thấy, nếu không có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự chia sẻ rủi ro của doanh nghiệp trên cơ sở hài hòa lợi ích thì sẽ khó thành công.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2012/3/33067.html


Tin khác