Ba nhà cùng lo tiêu thụ nông sản

13/04/2012

Giá bán nông sản tăng gấp rưỡi, người sản xuất không phải lo đầu ra, đó là cái được của mô hình “Nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp” và “Nông dân - hộ kinh doanh - doanh nghiệp" ở Bắc Giang.

Giá bán tăng gấp rưỡi
Anh Nguyễn Văn Hiếu (thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế) là một trong những hộ tham gia mô hình “Nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp” do Sở Công Thương phối hợp với Hội ND Bắc Giang triển khai. Anh Hiếu phấn khởi cho biết: "Sau 1 năm tham gia mô hình, đàn gà của gia đình tôi đã tăng gấp đôi so với năm 2010. Tham gia mô hình, tôi được hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phát hiện bệnh nên gà không bị chết như trước nữa. Năm 2011, trừ chi phí, tôi lãi 300 triệu đồng".
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa (thứ ba bên trái) thăm mô hình chế biến nông sản của Công ty cổ phần Chế biến xuất khẩu GOC.
 
Anh Hiếu cho biết thêm, khi tham gia mô hình này, anh không phải lo về giá cả, không bị thương lái ép giá, bởi đã có doanh nghiệp thu mua theo hợp đồng đã ký kết. Nếu giá của thị trường tăng cao, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá tăng để nông dân (ND) không bị thiệt.
Nói về hiệu quả của 2 mô hình này, ông Mạnh Quân Đông-Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu rau quả Phương Đông, khẳng định: Hai mô hình đang đánh trúng vào "điểm yếu" của sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay là được mùa mất giá, mất mùa được giá; khắc phục được tình trạng khi hàng hóa đến doanh nghiệp phải qua quá nhiều khâu trung gian và nông dân bị tư thương, doanh nghiệp ép giá khi đến mùa thu hoạch.
Minh chứng cho điều này, ông Đông cho biết: "Vụ dưa chuột năm 2011, khi thị trường giá chỉ 2.700 - 3.000 đồng/kg, công ty vẫn thu mua cho các hộ đã ký kết hợp đồng 5.000 đồng/kg. Việc kiểm tra chất lượng rau, quả cũng được kiểm soát chặt, dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp nên không có tình trạng thừa dư lượng thuốc BVTV, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm”.
Chính sách cần đồng bộ
Ông Đào Xuân Cường - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, cho biết: "Sau 1 năm thực hiện 2 mô hình đã có 400 hộ ND tham gia. Dự án đã tổ chức 9 lớp tập huấn cho ND tham gia mô hình, 3 lớp đào tạo kỹ thuật sản xuất, luật pháp… Nhờ đó, các hộ này đã tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng thu nhập".
Tuy nhiên, theo ông Cường, việc tiêu thụ nông sản của ND trên địa bàn tỉnh qua nhiều kênh phân phối (chợ, thương lái…). Chỉ khoảng 5% sản lượng rau quả bán trực tiếp cho các nhà máy, doanh nghiệp; lượng tiêu thụ rau quả ở thị trường ngoài tỉnh không nhiều.
Ông Cường cho hay, các cơ quan chức năng trong tỉnh đang kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết chặt chẽ với nhau để đưa nông sản của ND ra thị trường trong nước và thế giới, xây dựng thương hiệu cho các nông sản thế mạnh của tỉnh. Song điểm yếu hiện nay là các nhà máy thiếu nguyên liệu và hoạt động chưa hết công suất, chất lượng một số nông sản kém, công nghệ và cơ sở vật chất phục vụ sau thu hoạch còn lạc hậu, hạn chế nhiều đến hiệu quả kinh tế.
"Để nâng cao hiệu quả của 2 mô hình này, tỉnh Bắc Giang cần nhanh chóng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu nông sản, đồng thời có những chính sách hỗ trợ ND sản xuất hàng hóa...". - Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa
Về vấn đề này, ông Phan Văn Thường- Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến xuất khẩu GOC cho biết: “Chúng tôi ký hợp đồng với 1.000 hộ ND huyện Lạng Giang trồng dưa chuột bao tử và cà chua bi. Trung bình mỗi năm, công ty thu mua hơn 5.000 tấn dưa chuột, cà chua để chế biến xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản... Tuy nhiên, sản phẩm của một số hộ không đảm bảo chất lượng; khi giá thị trường cao, nhiều hộ không bán sản phẩm cho công ty.
Theo ông Thường, công suất chế biến của công ty ông là 2 tấn rau, quả/giờ, nhưng nguyên liệu chỉ đáp ứng được 40%. Tương tự, ông Đông cho biết, mỗi năm công ty của ông chỉ hoạt động 2 tháng, vì thiếu nguyên liệu.
Theo Nông thôn ngày nay

Tin khác