Tại xã Tân Lộc, một xã vùng biển huyện Lộc Hà, đất sản xuất nông nghiệp ít, sau khi cấy hái xong người dân thường vào Nam, lên thành phố kiếm thêm việc làm.
|
Sản phẩm mây tre đan của ND Hà Tĩnh đã thâm nhập được thị trường Nhật Bản.
|
Kéo nghề về cho ND
Trước thực trạng này, Hội ND Hà Tĩnh đã về các địa phương khảo sát dạy nghề mây tre đan và khâu nối thị trường xuất khẩu cho bà con. Chỉ hơn một năm qua, tại xã Tân Lộc đã có trên 600 ND tham gia học và trực tiếp sản xuất mây tre đan xuất khẩu, mang lại nguồn thu không nhỏ. Ông Nguyễn Duy Ngụ-Chủ nhiệm HTX Mây tre đan Thành Lợi (Tân Lộc) cho biết: Sau khi Hội ND đưa nghề mây tre đan xuất khẩu về người dân Tân Lộc rất hồ hởi đón nhận. Hiện nay thu nhập của người dân trong xã từ 1,5-3 triệu đồng/người/tháng.
Địa phương triển khai quyết liệt nhất cho việc đào tạo nghề mây tre đan xuất khẩu phải kể đến huyện Nghi Xuân. Hội ND huyện đã trực tiếp xuống các xã mở các lớp dạy nghề cho người dân, riêng tại xã Xuân Viên và Xuân Phổ mỗi xã có hàng trăm hộ dân tham gia.
Ông Nguyễn Hồng Khoan -Phó Chủ tịch Hội ND huyện Nghi Xuân cho biết: Thông qua Tỉnh hội, Hội ND huyện đã đưa nghề mây tre xuất khẩu về cho ND - nghề mới nhưng giải quyết việc làm cho khá nhiều người dân mất đất, vùng tái định cư và lao động nhàn rỗi. Tỉnh Hội đã ký kết với đối tác Nhật Bản, từ nay tới cuối tháng 5 sẽ bàn giao 9.000 sản phẩm mây tre đan. Với số lượng đơn hàng lớn như vậy, ND Nghi Xuân sẽ không thiếu việc làm.
Tạo vốn cho ND
Hà Tĩnh có trên 88% dân số là ND, số lao động ở khu vực nông thôn chiếm trên 71% tổng số lao động. Qua khảo sát, ND vẫn khó tiếp cận với chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Từ thực tế đó, các chương trình hoạt động của Hội đều có mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, cụ thể hoá bằng các đề án, dự án; thực hiện các dịch vụ cung ứng vốn, giống, vật tư, phân bón, máy nông nghiệp cho bà con nông dân nhằm ổn định sản xuất, phát triển kinh tế.
Ông Dương Kim Hồng-Chủ tịch Hội ND huyện Thạch Hà cho biết: Trong nhiệm kỳ qua Hội ND huyện nhận ủy thác vốn vay của Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NNPTNT làm cầu nối cho 31 cơ sở Hội và trên 300 tổ tiết kiệm thực hiện 8 chương trình cho 10.000 lượt hội viên vay vốn, tổng dư nợ trên 207 tỷ đồng. Qua đó, hình thành nhiều tổ hợp, mô hình của hội viên làm kinh tế giỏi ở xã Thạch Hội, xã Thạch Thắng…
Anh Nguyễn Tất Trường ở thôn Hồng Thái, xã Thạch Thắng cho biết: Qua Hội ND, gia đình tôi đã tiếp cận nguồn vốn và các chính sách mở được trang trại chăn nuôi cá và lợn với diện tích 2,5ha. Mỗi năm lãi trên 600 triệu đồng từ 3 lứa lợn và 14 tấn cá.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Anh - Chủ tịch Hội ND Hà Tĩnh, hơn 3 năm qua Hội ND tỉnh đã triển khai 3 phong trào và 6 chương trình trọng tâm, trong đó chú trọng làm cầu nối với các đơn vị tổ chức doanh nghiệp để hỗ trợ ND sản xuất. Đến thời điểm giữa tháng 4.2012, tổng dư nợ các nguồn vốn do Hội phối hợp với các ngân hàng cho ND vay gần 2.000 tỷ đồng với trên 63.000 lượt hộ vay. Hội đã liên kết với các doanh nghiệp cung ứng được 345 máy cày, 35 ô tô tải nhẹ, 27 thuyền máy, 589 máy vi tính, 36.430 tấn phân bón, hơn 12.000 tấn thức ăn và các loại giống cây, con cho bà con ND.
“Hiện nay Hội ND tỉnh đang đẩy mạnh xây dựng các HTX, tổ sản xuất theo quy trình nông sản sạch. Hội đã mở một cửa hàng nông sản sạch tại TP.Hà Tĩnh để giới thiệu sản phẩm”. - Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh - Chủ tịch Hội ND Hà Tĩnh
Theo Nông thôn ngày nay
Nguồn: http://danviet.vn/84725p1c34/hoi-nong-dan-ha-tinh-doi-moi-ho-tro-nong-dan.htm