Học đi đôi với hành
Được chọn làm lớp thí điểm thực hiện nghề trồng nấm cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ, năm 2010 Trung tâm Dạy nghề huyện Gia Bình (Bắc Ninh) đã tổ chức 2 lớp nghề trồng nấm cho 60 học viên chủ yếu là các cựu chiến binh trong huyện.
|
Ông Trần Đình Tập kiểm tra độ ẩm cho nấm Linh Chi.
|
Lớp học nghề đầu tiên được mở ở xã Thái Bảo. Ông Trần Đình Tập - một học viên cho biết: “Là cán bộ cựu chiến binh xã, tôi tham gia lớp học nghề trồng nấm để vừa có thêm thu nhập, vừa tranh thủ được thời gian nông nhàn. Lần đầu đi học làm nấm bài bản, chúng tôi rất hào hứng”.
Học tới đâu, các học viên được thực hành ngay tới đấy và họ nhận ra Thái Bảo có lợi thế là khí hậu rất thích hợp với cây nấm nên nghề nấm đang rất có tiềm năng phát triển, đầu ra lại dễ dàng. Tuy nhiên, trước đây do sản xuất manh mún nhỏ lẻ, thêm nữa là dây chuyền sản xuất công nghệ như đóng bịch, lò sấy chưa được đầu tư đúng mức nên hiệu quả vẫn chưa đạt được tối đa.
Ông Nguyễn Văn Chức, một học viên khác chia sẻ: “Thấy được nhu cầu về thị trường tiêu thụ nấm tại địa phương rất lớn, trong khi đó phụ phẩm nông nghiệp lại dư thừa nên sau 3 tháng học nghề, có kiến thức bài bản trong tay, anh em chúng tôi tập hợp nhau thành lập hợp tác xã nuôi trồng nấm với mong muốn không chỉ sản xuất cho địa phương mà có thể đem sản phẩm đi các tỉnh lân cận”.
Thế là HTX Nuôi trồng nấm CCB Thái Bảo ra đời (tháng 10.2010), gồm 10 thành viên. Ngoài việc phát triển sản xuất, HTX cũng tổ chức giao lưu, mở rộng mô hình cho các hộ, nhóm muốn phát triển nghề. Ông Tập, ông Chức được bầu làm Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm HTX.
Thiết thực mà hiệu quả
Từ lớp học nghề trồng nấm đầu tiên với các thành viên của Hội CCB Thái Bảo, đến nay mô hình đã nhân rộng và thu hút thêm 30 hộ gia đình tham gia, với việc tận dụng những phụ phẩm trong nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa… để ủ giống, vừa tiết kiệm, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Khi thực hành nghề bài bản, giảm rủi ro và những chi phí lãng phí, bà con nơi đây nhận thấy nghề trồng nấm đem lại nguồn thu nhập cao gấp đôi so với sản xuất lúa. Với 1 tấn rơm, rạ có thể ủ giống và cho thu hoạch từ 4 – 5 tấn nấm, bình quân 1kg nấm tươi khi đưa ra thị trường có giá từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, riêng nấm Linh Chi được dùng làm thuốc có giá trên 1 triệu đồng/kg.
“Trong một năm, nông dân chúng tôi chỉ cần bỏ ra 76 ngày công, khoảng thời gian nông nhàn giữa hai vụ lúa để trồng nấm thì cho thu nhập 270 triệu đồng/năm”- ông Tập khẳng định.
Anh Phùng Văn Vịnh, thôn Huề Đông, xã Đại Lai - một trong những gia đình đã tự xây dựng được lò hấp để phục vụ cho việc sản xuất nấm. Anh bày tỏ: “Sau khi tham gia lớp trồng nấm và bước đầu thử nghiệm trồng mang lại hiệu quả kinh tế, gần 1 năm nay gia đình tôi đã tập trung chủ yếu vào nghề trồng nấm các loại: Nấm hương, nấm sò, nấm mỡ… để cung ứng cho thị trường. Đến vụ thu hoạch, lái buôn từ các chợ trên địa bàn huyện về tận nơi để thu mua nấm”.
Bà Đoàn Thị Lịch – Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Gia Bình cho biết: “Hiện chúng tôi đang nhân rộng mô hình này, góp phần giải quyết cái khó trong việc thực hành nghề và tạo việc làm để nghề được dạy không chỉ dừng lại ở lý thuyết”.
Theo Nông thôn ngày nay