Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã gây tác động xấu đến hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) của nhiều doanh nghiệp (DN). Trước thực trạng này, mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức gặp mặt các DN trên địa bàn nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.
|
DN chế biến đá granite XK Bình Định hiện đang gặp khó về nguồn nguyên liệu.
|
Trăm cái khó
Theo phản ánh của đại diện các DN và hiệp hội ngành nghề, hiện các DN trong tỉnh Bình Định đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, trong đó việc thiếu vốn cho SXKD là một trong những vấn đề bức xúc nhất. Dù Nhà nước đã có quy định giảm trần lãi suất huy động vốn xuống còn 13%/năm, rồi mới đây là 12%/năm, theo đó lãi suất vay vốn cũng giảm tương ứng, song rất ít DN tiếp cận được nguồn vốn vay, nếu vay được thì lãi suất cũng ở mức cao. Ngoài ra, các chi phí sản xuất khác như xăng dầu, nguyên - vật liệu, cước phí vận tải… cũng tăng mạnh, đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao, trong khi giá đầu ra không tăng. Theo tính toán của các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chi phí đầu vào hiện đã tăng từ 20-30% so với thời điểm đầu năm 2010, nhưng đầu ra không tăng nên nhiều đơn hàng bị lỗ.
Theo dự báo, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, dư âm khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ còn tác động xấu đến nền kinh tế trong nước. Ngoài ra, 2012 là năm nước ta đẩy mạnh thực hiện các hiệp định thương mại để hoàn thành đúng lộ trình đã cam kết (hoàn thiện vào năm 2015) khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kéo theo đó là thuế suất hàng hóa đi vào các nước thấp hơn; nhiều ưu đãi, cam kết bắt đầu có hiệu lực, đồng nghĩa với việc chủ nghĩa bảo hộ tăng lên… nên các DN xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn.
Tìm cách tháo gỡ
Theo kiến nghị của các DN, trước mắt, các bộ, ngành chức năng cần bỏ trần lãi suất tiền gửi, chuyển sang khống chế trần lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước cần tạo điều kiện và cơ chế chính sách để các ngân hàng thương mại huy động vốn trên thị trường, bảo đảm chính sách cho vay, chọn lọc cho vay đúng đối tượng, ưu tiên nơi hoạt động SXKD có hiệu quả để giảm áp lực lạm phát. Đồng thời, phải có phương thức và lộ trình tích cực để hạ nhanh lãi suất chứ không thể theo lộ trình tuần tự chậm chạp (mỗi quý giảm 1% lãi suất), vừa không cứu được DN, vừa gây ra những kỳ vọng không phù hợp về lãi suất. Chính phủ cần xem xét việc tiếp tục giãn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN với một số đối tượng. Về lâu dài, cần sửa Luật Thuế thu nhập DN để giảm dần tỉ lệ huy động; khuyến khích đầu tư, tái đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết: Thời gian tới, ngành Công Thương Bình Định sẽ phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương cùng DN tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế về cơ sở hạ tầng, nguyên vật liệu, lao động… Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ hỗ trợ các DN xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Đối với thương hiệu đã có uy tín, cần có chiến lược phát triển lâu dài trên cơ sở mở rộng sản xuất, giữ vững và phát triển thị phần, nâng cao chất lượng sản phẩm...
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc khẳng định: Tới đây, UBND tỉnh Bình Định sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh giải quyết dứt điểm những kiến nghị của DN; kiến nghị Chính phủ yêu cầu các ngân hàng thương mại ưu tiên vốn tín dụng cho các DN; có phương án giảm lãi suất tín dụng ở mức hợp lý; tiếp tục có chính sách bình ổn giá nhằm giúp các DN giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai các giải pháp phát triển thị trường, chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước.
“Tuy nhiên, đề nghị các DN trên địa bàn tỉnh cần chủ động có giải pháp ổn định SXKD bằng cách “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm triệt để mọi chi phí không cần thiết và hạn chế những khoản đầu tư không mang lại hiệu quả; đồng thời, tích cực tìm hiểu, nắm bắt cơ hội để khi có đủ điều kiện là đầu tư mở rộng SXKD. Các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành nghề cần phát huy vai trò liên kết, chủ động phối hợp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn như đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu...”, ông Lộc nhấn mạnh.
Theo Kinh tế nông thôn