|
Vùng nguyên liệu của Cty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa).
|
Nhập khẩu rẻ và tiết kiệm hơn
Thông tin tại cuộc hội thảo về ngành mía đường do Bộ Công Thương tổ chức mới đây cho thấy, trong năm 2012, chỉ riêng nhu cầu của các DN lớn đã lên đến gần 300.000 tấn đường. Các DN này cho rằng, việc nhập khẩu đường hiện đang có lợi bởi giá nhập khẩu rẻ hơn so với mua trong nước, nhất là khi đang khó khăn như hiện nay, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.
Giải thích lý do xin nhập khẩu đường, ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bánh kẹo Biên Hòa (Bibica) cho rằng, nếu mua đường trong nước sẽ phải đặt tiền và khi giao hàng phải thanh toán hết, như vậy phải có một lượng tiền lớn mới mua nổi. Trong khi đó, nếu nhập khẩu đường, DN chỉ cần đặt trước 10%. Ông Chiến cho biết thêm, hàng năm Bibica tiêu thụ khoảng 6.000 tấn đường, trong đó lượng đường mua trong nước khoảng 3.000 tấn.
Còn nhớ mùa hè năm 2011, thị trường “phát sốt” khi giá đường trong nước chêch lệch với thế giới gần 10.000 đồng/kg. Đến cuối năm 2011, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đưa ra mức giá 16.500 đồng/kg nhưng khi DN liên lạc với nhà cung cấp thì không thể được giá đó. Hơn nữa, giá đường trong nước không ổn định khi chêch lệch từ đầu vụ đến cuối vụ lên tới 4.000-5.000 đồng/kg.
Ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sữa Hà Nội thừa nhận, giá đường trong nước cao hơn giá đường thế giới khiến các DN tiêu thụ ổn định với khối lượng lớn phải tìm cách nhập khẩu. Giá nhập khẩu đường về tận kho hiện đang ở mức 14.500 đồng/kg, trong khi giá thành đường trong nước là 15.000 đồng/kg trở lên.
Đường nội “ế”
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, sản lượng đường cả nước trong năm 2012 sẽ đạt 1,57 triệu tấn, trong đó các nhà máy sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn, còn lại là lượng tồn kho và nhập khẩu theo thỏa thuận gia nhập WTO. Sau khi cân đối nhu cầu thị trường và mức luân chuyển cuối năm, dự kiến ngành đường dư khoảng 70.000 tấn.
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, dù cố gắng đến mấy Hiệp hội vẫn không thể kết nối được nhà cung ứng và nhà tiêu thụ. “Đến thời điểm này, tôi vẫn chưa thể gặp trực tiếp Vinamilk, Bibica, Tribeco, Kinh Đô, Tân Hiệp Phát hay các nhà tiêu thụ lớn trong nước để đặt vấn đề cung ứng cho họ. Lượng đường tồn trong nước còn khá nhiều và tôi thừa nhận rằng ngành đường đang ế”, ông Long nói.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ngành mía đường đã bắt đầu sản xuất đạt 50% sản lượng vụ ép 2011/2012, nhưng hiện có khoảng 1/3 DN trong ngành có nguy cơ thua lỗ, nguyên nhân là do lượng đường tồn kho lớn nên các DN thiếu vốn thanh toán tiền mía cho nông dân và họ phải tự “giải phóng” bằng cách hạ giá bán xuống bằng giá thành, thậm chí dưới giá thành để duy trì sản xuất.
Tình trạng trên kéo theo việc các DN bắt buộc phải giảm giá thu mua mía, đồng nghĩa với việc có những ruộng mía không được thu hoạch hoặc thu chậm, dẫn đến tái sinh kém. Trước đây, các nhà máy thu mua mía tại ruộng với giá 1,2 triệu đồng/tấn nhưng hiện nhiều nơi chỉ còn 900.000 - 950.000 đồng/tấn.
Theo ông Phạm Ngọc Thao, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, việc giảm giá thu mua mía dễ khiến nông dân giảm diện tích trồng mía trong vụ tới. Tương lai không xa, các nhà máy sẽ đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu, y hệt những năm trước đây.
Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có văn bản đề nghị Chính phủ thực hiện chính sách tạm trữ đường với cơ chế đảm bảo đủ vốn cho một số công ty sản xuất đường vay để mua tạm trữ 200.000 tấn đường, với giá thu mua tạm trữ 16 triệu đồng/tấn. Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 3 tháng kể từ tháng 5/2012.
|
Trước nguy cơ dư thừa đường, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương cho xuất khẩu đường tiểu ngạch và có cơ chế hỗ trợ vốn, lãi suất để tạm trữ đường. Theo ông Thao, Chính phủ nên cân nhắc hỗ trợ DN lãi suất để tạm trữ 200.000 tấn đường nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng thời có cơ chế xuất, nhập khẩu đường linh hoạt, cân đối với vụ sản xuất đường chính trong nước để tránh dư thừa.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đề nghị, chậm nhất là hết tháng 4/2012, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội Mía đường Việt Nam sẽ tổ chức họp báo công bố hạn ngạch và thời điểm nhập khẩu đường.
Theo Kinh tế nông thôn