Bước phát triển mới của ngành nông nghiệp Ninh Bình

23/04/2012

Tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển (1/4/1992-1/4/2012). Nhìn lại chặng đường này, nét nổi bật là sự chuyển dịch tương đối toàn diện của cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực.

Sau nhiều năm phấn đấu thực hiện giải quyết vấn đề lương thực, đến nay ngành nông nghiệp đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Những năm gần đây nhiều loại giống lúa mới có năng suất , chất lượng cao đã được đưa vào sản xuất. Đáng chú ý, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm đầu tư dự án sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao và dự án đã thành công, cung cấp giống lúa thuần chất lượng cao, ổn định với giá thành phù hợp không những cho địa bàn, mà còn cung cấp cho các tỉnh khác. Ninh Bình đã thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, xây dựng vùng nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Theo thống kê của tỉnh Ninh Bình, sản lượng lương thực có hạt toàn tỉnh năm 2011 đạt gần 514,2 nghìn tấn, gấp hơn 2,6 lần so với sản lượng năm 1991 tăng hơn 320 ngàn tấn so với năm 1991 là năm trước khi tỉnh Ninh Bình được tái lập (trung bình mỗi năm tăng 16 nghìn tấn). Do sản lượng lương thực tăng nhanh nên hơn 20 năm qua dân số toàn tỉnh tăng gần 105,2 ngàn người nhưng sản lương lương thực có hạt bình quân đầu người vẫn tăng mạnh từ 241,9 kg năm 1991 lên 566,4 kg trong năm 2011. Lương thực sản xuất được hàng năm không những phục vụ đủ cho người dân tiêu dùng trong tỉnh mà còn là nguồn cung cấp cho thị trường bên ngoài mỗi năm hàng chục vạn tấn gạo.
Sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt mức khá cao và lưu thông thuận tiện đã tạo điều kiện cho từng vùng, từng địa phương trong tỉnh lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng và lợi thế so sánh của mình theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Ngoài cây lúa, diện tích và sản lượng cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh liên tục tăng qua các năm. Đến năm 2011, diện tích đạt gần 16,5 nghìn ha, gấp 2,8 lần năm 1991. Sản phẩm thu từ diện tích gieo trồng cây công nghiệp là nguồn nguyên liệu đầu vào phong phú cho công nghiệp chế biến và tiểu thủ công nghiệp phát triển. Ngoài ra, các sản phẩm như lạc, chè … đã trở thành những mặt hàng nông sản xuất khẩu góp phần tăng kim ngạch và đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu của tỉnh.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng phát triển với tốc độ nhanh theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo nhu cầu thực phẩm tiêu dùng cho nhân dân trên địa bàn tình và cung cấp cho các tỉnh lân cận. Hoạt động chăn nuôi không chỉ được mở rộng quy mô sản xuất mà còn đa dạng hóa con nuôi, nhất là các vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: Nhím, dê, hươu, thỏ, rắn, ong…. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2011 đạt gần 540,4 tỷ đồng, tăng gấp 3,3 lần năm 1992, tốc độ tăng trưởng thời kỳ 1992 - 2011 đạt 6,4% (Năm 2011 toàn tỉnh có hơn 30.700 con bò; 392.000 con lợn, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt gần 43.700 tấn; đàn dê 21.700 con, đàn hươu đạt 1.300 con…).
Sau 20 năm nỗ lực phấn đấu, ngành thủy sản tỉnh Ninh Bình cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ. Cùng với việc mở rộng quy mô sản xuất theo hướng công nghiệp, ngành đã tập trung đầu tư vào phát triển các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: tôm sú, cua, ngao …các hộ nuôi trồng và khai thác thủy sản đã tập trung vào cải tạo ao, đầm và mua sắm trang thiết bị, phương tiện đánh bắt thủy sản.
Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2011 cả tỉnh đạt hơn 9.564 ha, tăng 6.315 ha so với năm 1992, bình quân hàng năm tăng 5,5%. Trong đó: diện tích nuôi trồng nước mặn, lợ là 2.301 ha, diện tích nuôi trồng nước ngọt 7.263 ha. Do áp dụng khoa học công nghệ và đầu tư trang thiết bị cho hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản nên tổng sản lượng thủy sản năm 2011 đạt 32,2 nghìn tấn (tăng gần 30,6 nghìn tấn, gấp 19,6 lần năm 1992). Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt hơn 26,9 nghìn tấn (gấp 33,8 lần năm 1992); sản lượng khai thác thủy sản đạt 5.259 tấn (gấp 6,2 lần năm 1992).
Sau 20 năm đổi mới tỉnh Ninh Bình đã thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp và phát triển toàn diện theo định hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh, có năng suất, có chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp được xây dựng, củng cố vững chắc hơn, các chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện có hiệu quả. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Trong thời gian tới, để phát triển nông nghiệp, nông thôn, Ninh Bình đã lên kế hoạch huy động mọi nguồn lực, tập trung từng bước xây dựng nông thôn mới, hoàn thành xây dựng 25 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí quốc gia. Tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Coi phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân, tạo tiền đề và môi trường thúc đẩy công nghiêp, dịch vụ phát triển.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình sẽ theo hướng phát triển mạnh chăn nuôi và thủy sản gắn với an toàn dịch bệnh; tăng giá trị, hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu quả các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nông nghiệp, nông thôn Ninh Bình đang phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2015: Năng suất lao động đạt xấp xỉ 22 triệu đồng/người, thu nhập cho nông dân đạt 25 triệu đồng/người, tỷ trọng của toàn ngành trong cơ cấu GDP giảm xuống còn 10%.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=518929


Tin khác