Hàng triệu lao động, đóng góp cả chục tỷ USD xuất khẩu mà đến khi khó khăn phá sản kêu không thấu, chẳng qua là tại nông dân không biết PR?
Cuối tuần rồi, hàng loạt người dân ở các làng nuôi nghêu ở Thái Bình trở nên điêu đứng khi nghêu chết hàng loạt. Không có thu hoạch, nợ ngân hàng đến kỳ không có trả, nợ nần vật tư, công sá đè nặng lên vai... Cả làng nghêu được một phen điên đảo vì nhưng chẳng biết kêu ai. Ngân hàng đến hạn thì thu nợ, nghêu chết do thời tiết thì địa phương cũng chỉ cử người xuống ghi nhận rồi về ngồi phòng lạnh viết báo cáo. Biết phận mình, người nông dân lại đành gạt mộ hôi, nuốt nước mắt bán tài sản, gán nhà để trả nợ... rồi lạy lục khắp nơi để tìm vốn nuôi trồng vụ mới chỉ với hy vọng trả được món nợ cũ.
Trong khi đó, hàng loạt nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên cũng đang điêu đứng vì bị nợ nần. Số là hàng loạt DN cà phê nơi đây mua cà phê rồi kinh doanh thua lỗ, không thể trả nợ cho nông dân. Thế là "đại gia" cà phê lên ô tô về Thành phố lánh mặt, bỏ lại người nông dân khốn cùng giữa nợ nần ngân hàng, nợ vật tư phân bón và cuộc sống khốn cùng vì không có tiền chi trả... Nông dân nhiều vùng cà phê Tây Nguyên đang điên đảo vì phá nợ nần và đẩy đến bước đường cùng khi không có tiền trang trải cuộc sống và nguồn sống của họ là các rãy cà phê cũng đang chết dần vì không có tiền để mua phân bón, bơm nước chăm sóc.
Trong khi đó, ở Miền Tây Nam bộ, không chỉ có Bianfishco mà hàng loạt DN thu mua và chế biến thủy sản cũng đang gặp khó khăn và các DN chọn cách dễ nhất là xù nợ của nông dân. Người ít thì vài trăm triệu, người nhiều cũng bị DN chiếm dụng vài chục tỷ tiền cá...
Nông dân bán cá có tiền tỷ tưởng là giàu có lắm nhưng đằng sau đó là một khối nợ lớn từ tiền con giống, tiền thức ăn, nhân công, vật tư chăn nuôi... có lấy tiền về, trang trải nợ nần, ngân hàng siết nợ - lãi... May mắn lắm, nông dân mới có khoản tiền lời gọi là lấy công làm lãi. Thế nhưng, nay DN phá sản và trốn nợ, nông dân không còn con đường nào khác là phá sản. DN nợ không trả cho nông dân vẫn ô tô, nhà đẹp, tài sản triệu USD... còn nông dân thì quay quắt trong nợ nần chỉ còn nước bán nhà, bán ao đầm mới thoát được cảnh ra tòa.
Một chuyên gia kinh tế đã chua chát cho biết: Những DN như cà phê, thủy sản vừa qua có phá sản thì các ông chủ chỉ mất tý tiền vốn họ đóng vào công ty cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn. Mà chừng đó chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận họ kiếm được từ trước tới nay, so với tài sản ngàn tỷ của họ. Vì thế, nên dù cho DN họ làm chủ có bị phá sản thì họ vẫn đàng hoàng nhà to, xe đẹp, tài sản triệu USD không ai dám đụng đến. Còn người nông dân cả nhà, cả cuộc sống và tương lai dồn vào đồng ruộng, ao cá hay mấy tấn cà phê... mất là mất hết, nợ không trả được thì chỉ có ra tòa. Không bán nhà trả nợ không thể sống nổi với ngân hàng và chủ nợ. Cũng là phá sản nhưng ông chủ chỉ là tai nạn còn nông dân là đòn chí mạng, tàn đời.
Chuyện phá sản trong thời buổi khó khăn nghe ra đã quá nhàm. Ai cũng đứng trước nguy cơ phá sản: Ngân hàng cũng có đến chục ông nguy cơ đỗ vỡ, BĐS thì hàng loạt DN đứng trên bờ vực phá sản vì không bán được hàng, các DN kinh doanh khác khốn khó vì thiếu vốn - khó bán hàng... Khó thì phải kêu và đã rất nhiều tiếng kêu được đáp ứng.
Ngân hàng khó khăn, nhà nước đảm bảo không đổ vỡ, được hỗ trợ để cấp cứu, thậm chí chấp nhận chưa thể giãm lãi suất để lo cho thanh khoản của các ngân hàng. BĐS khó khăn, khó bán hàng... kêu nhiều rồi cũng dần được gỡ. Tín dụng mở ra, đến nay không chỉ dành cho một vài đối tượng mà mở cho cả đầu tư, đầu cơ và cho những dự án hoàn thành sau năm 2012... với mục địch rõ ràng, kích thích để cứu BĐS nhằm gỡ khó cho ngân hàng và các DN.
Sau động thái của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức đã bơm vốn hàng ngàn tỷ đồng để cứu BĐS, thêm vốn cho các DN. Thậm chí, ngân hàng còn giúp DN bằng cách cơ cấu lại nợ, hỗ trợ trả nợ quá hạn... Tất nhiên, trong mối quan hệ đó, mọi thứ đều phải được đảm bảo bằng tài sản và cả hai cùng có lợi nên ai cùng sốt sắng. Vì cứu BĐS là cứu ngân hàng.
Còn nông dân, cứu làm sao khi họ chỉ có tài sản duy nhất là sổ đỏ và căn nhà thì đã cầm cố để vay nợ. Nợ không trả được thì chỉ có nước siết nhà. Hết tài sản thì chẳng có gì để có thể làm tin mà vay vốn làm ăn tiếp. Hết tài sản thì chẳng ngân hàng nào dại mà dây dưa với nông dân đã khánh kiệt. Đã khó khăn lại càng thêm bĩ cực.
Chỉ có điều, trong khi những khó khăn và đỉnh điểm là thảm cảnh điêu đứng và phá sản của nhiều nông dân ở ngay tại những vùng sản xuất và xuất khẩu nông sản lớn nhất đang diễn ra ngày càng nhiều thì cho đến nay từ các địa phương, cho đến các bộ ngành quản lý vẫn chưa có mấy ai lên tiếng về những kế hoạch trợ giúp và phục hồi cho nông dân. Có chăng cũng chỉ là những ghi nhận, báo cáo và sớn nhất là những đề xuất cứu DN rồi từ đó mới có hy vọng cứu nông dân. Với thứ tự ưu tiên như vậy xem ra quá xa vời, vì cứ nhìn Bianfishco thì thấy, dù có được quan tâm nhưng còn lâu nông dân mới được trả hết nợ. Còn dân trồng cà phê thì chưa thấy một lời hứa hay phương hướng nào đề thoát cảnh khốn cùng.
So sánh thì thật là khó, hãy nhìn vào BĐS hay cả ngân hàng, cả một năm qua, trước những khó khăn họ đã kêu ca, vận động rất nhiều mới có được ngày mở cửa, thoát khỏi nguy cơ đổ vỡ, phá sản. BĐS từ phi sản xuất, cấm cho vay rồi được mở dần những nhóm đối tượng nhỏ, sau đó chuyển qua không khuyến khích và cuối cùng là mở cửa cho cả đầu tư và đầu cơ... thế coi như là thoát. Ngân hàng khó khăn, thiếu thanh khoản thì được hỗ trợ, quản trị kém thì được theo dõi chấn chỉnh... cả một lộ trình như thế xem ra nông dân làm sao mà theo được.
Kêu không thấu thì không ai biết, xem ra nông dân cũng nên trách mình trước?!. Cả hàng triệu nông dân, chiếm số đông lao động xã hội với vai trò lớn trong an sinh xã hội, mỗi năm còn đóng góp hàng chục tỷ USD xuất khẩu nông sản mà không biết kêu, không được giúp cũng chỉ tại cái tội không biết PR.
Theo Diễn đanh Kinh tế Việt Nam
Nguồn:http://vef.vn/2012-04-22-nong-dan-pha-san-keu-chang-thau-vi-khong-biet-pr