Sẽ tăng tỷ lệ hộ nghèo được vay vốn ưu đãi

09/05/2012

Phóng viên NTNN đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Lý- Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH xung quanh những nội dung về Chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH đến năm 2020.

Ông Lý cho biết, sau 9 năm hoạt động (2003-2011), đến nay quy mô vốn của 18 chương trình tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng CSXH đạt 115.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD) với tổng số 11,4 triệu lượt hộ được vay vốn và hiện có 6,9 triệu hộ nghèo và đối tượng chính sách khác đang là khách hàng có dư nợ tín dụng...
Giải ngân vốn hộ nghèo tại xã Đông Phong huyện Cao Phong (Hoà Bình).
Dự thảo chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH đến năm 2020, trong đó có một nội dung quan trọng là tái cơ cấu ngân hàng nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi, tiếp tục khẳng định vai trò là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong việc góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Thưa ông, tại buổi làm việc tháng 3 với Ngân hàng CSXH và kết luận về buổi làm việc Văn phòng Chính phủ thông báo ngày 11.4 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá thế nào về kết quả 9 năm hoạt động của Ngân hàng CSXH?
- Chính phủ đánh giá Ngân hàng CSXH như một trong những công cụ quan trọng nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về xoá đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Tác động của tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH ngày càng lớn và lan rộng.
Sau 9 năm hoạt động, tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã giúp 2,5 triệu hộ thoát nghèo; 2,5 triệu hộ tạo được việc làm nhờ vay vốn; khoảng 2,8 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn đi học và hàng trăm ngàn ngôi nhà, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường được xây dựng...
Những nội dung quan trọng của Dự thảo chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH đến năm 2020, đặc biệt là tái cơ cấu Ngân hàng là gì, thưa ông?
- Đó là củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng nhằm tiếp tục khẳng định Ngân hàng CSXH là một trong những công cụ quan trọng để Đảng, Nhà nước thực hiện chủ trương, chính sách xoá đói giảm nghèo và góp phần đảm bảo an sinh xã hội; tái cơ cấu nguồn vốn và cơ chế tài chính; hoàn thiện công tác quản trị và điều hành.
Nội dung quan trọng trong chiến lược là thực hiện Đề án tái cơ cấu Ngân hàng CSXH. Đối với Ngân hàng CSXH, tái cơ cấu không phải là cải tổ, cấu trúc lại mà tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, bởi về mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Ngân hàng CSXH được khẳng định là đúng hướng và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn...
Ông có thể nói rõ hơn về việc điều chỉnh đối tượng vay vốn cũng như tính chất ưu đãi tín dụng trong dự thảo chiến lược?
- Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh quán triệt tinh thần chính sách tín dụng ưu đãi cần được tập trung để phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống của người dân, ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở các vùng khó khăn, gắn tín dụng với việc thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Phấn đấu, tăng tỷ lệ hộ nghèo được tiếp cận vốn Ngân hàng CSXH. Hình thức và mức độ ưu đãi được thiết kế cho phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đối tượng khó khăn nhiều được ưu đãi nhiều, đối tượng khó khăn ít hưởng mức ưu đãi thấp hơn. Vốn tín dụng cũng sẽ tăng ưu đãi về thủ tục, xử lý rủi ro, cách thức phục vụ...
“Trong số 115.000 tỷ đồng của Ngân hàng CSXH hiện nay thì nguồn vốn ổn định chỉ chiếm 20%. Đề án tái cơ cấu Ngân hàng CSXH hướng tới nâng nguồn vốn ổn định lên 60%, còn lại là các nguồn vốn khác như vốn ưu đãi ODA...”. - Ông Nguyễn Văn Lý
Khó khăn lớn nhất của tín dụng ưu đãi là nguồn vốn. Vậy, Dự thảo chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH tới năm 2020 giải quyết khó khăn này thế nào?
- Với Ngân hàng CSXH, nguồn vốn chủ yếu vẫn do Chính phủ cấp trực tiếp bằng ngân sách hoặc gián tiếp thông qua ưu tiên bố trí tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi ODA, lãi suất thấp. Chính phủ yêu cầu các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng cổ phần thương mại do Nhà nước chi phối gửi vào Ngân hàng CSXH 2% số tiền huy động được. Nguồn này sẽ được Chính phủ cấp bù lãi suất...
Xin cảm ơn ông!
Theo Nông thôn ngày nay

Tin khác