Tại hội thảo do T.Ư Hội NDVN và Hội ND châu Á vì sự phát triển bền vững (AFA) phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 8.5, các đại biểu nhận định, nông nghiệp hữu cơ chậm phát triển do nhiều nguyên nhân, đó là trình độ, tay nghề của người sản xuất; nhận thức, hiểu biết của xã hội còn hạn chế, Nhà nước chưa có cơ chế cụ thể khuyến khích, hỗ trợ phát triển...
|
Cà chua trồng theo phương pháp hữu cơ tại Lương Sơn (Hoà Bình).
|
Cần có chính sách tầm quốc gia
Chị Nguyễn Thị Nhung - trưởng nhóm ND làm rau hữu cơ thôn Bái Thượng, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn (Hà Nội) chia sẻ: “Tuy chi phí đầu tư bằng rau thâm canh thông thường, nhưng làm rau hữu cơ tốn rất nhiều công sức. Do không dùng phân bón, thuốc BVTV hoá học nên rau hữu cơ thường xấu mã, năng suất thấp, nhưng giá bán bằng, thậm chí thấp hơn rau thâm canh. Sở dĩ nhóm gắng gượng duy trì sản xuất vì tiếc công sức bỏ ra 4 năm trời để xây dựng mô hình và còn có niềm tin vào thị trường tương lai...”.
Đó là tình trạng phổ biến của các nhóm ND sản xuất rau hữu cơ ở Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hoà Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc...
Bà Nguyễn Thị Loan - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ND (T.Ư Hội NDVN) cho biết, phần lớn các điểm trồng rau hữu cơ trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận được hình thành thông qua dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức ADDA (Đan Mạch) tài trợ. Thông qua các hoạt động truyền thông, quảng bá sản phẩm, người tiêu dùng thủ đô đã biết tới các loại rau hữu cơ. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, trong đó có rau hữu cơ cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển ở tầm quốc gia.
Ông Trương Minh Hoàng - phụ trách marketing dự án chia sẻ: “Ngoài chứng nhận GPS dành cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ do ADDA cấp trong khuôn khổ dự án, hiện nay ở Việt Nam chưa có cơ quan quản lý nào cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Điều này cũng góp phần không nhỏ khiến rau hữu cơ chưa phát triển và nhân rộng”.
Phải hình thành chuỗi cung hợp lý
Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với phương thức canh tác cổ truyền đã tồn tại hàng ngàn năm nay, nhưng nông nghiệp hữu cơ mới manh nha phát triển ở Việt Nam vào cuối những năm 1990. Trong một nghiên cứu, bà Phí Thị Diễm Hồng (ĐH Nông nghiệp Hà Nội) đã chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân nội tại khiến rau hữu cơ chưa phát triển ở Việt Nam là do chưa hình thành được chuỗi liên kết dọc hài hoà, hợp lý giữa người sản xuất, doanh nghiệp thu mua và người tiêu dùng.
Theo bà Phí Thị Diễm Hồng, để phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng như hình thành chuỗi cung hợp lý phải có sự tác động của chính sách nhà nước. Chính sách hỗ trợ, khuyến khích càng cụ thể thì việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, hình thành thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ càng rõ ràng.
|
Điều bà Hồng chỉ ra được minh chứng qua nhóm sản xuất rau hữu cơ của chị Nguyễn Thị Nhung (Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội). Chị Nhung cho biết: “Doanh nghiệp mua rau của chúng tôi chỉ 12.000 đồng/kg, bán lẻ tại cửa hàng tới 25.000-28.000 đồng/kg. Doanh nghiệp nói phải chi phí rất nhiều cho quảng bá, đóng gói bao bì...”.
Để giải quyết được lợi ích hài hoà giữa các bên trong chuỗi giá trị rau hữu cơ, bà Hồng dẫn chứng 2 mô hình liên kết dọc đang vận hành hiệu quả ở Thái Lan, Trung Quốc. “Khác với Việt Nam, chuỗi giá trị rau hữu cơ ở Thái Lan, Trung Quốc có cấu trúc đa dạng với nhiều công ty tư nhân, thương lái, đơn vị bán lẻ, bán buôn, siêu thị, khách sạn, nhà hàng... Chính vì có sự đa dạng của các đơn vị tham gia nên lợi ích giữa các bên, trong đó có ND tương đối hài hoà, hợp lý” - bà Hồng nói.
Theo Nông thôn ngày nay
Nguồn:http://danviet.vn/87357p1c34/nong-nghiep-huu-co-cham-phat-trien.htm