Không chỉ “bén duyên” để tạo nên thương hiệu hoa thơm trái ngọt nổi tiếng khắp vùng, cây hồng xiêm còn giúp người dân xã Lô Giang (Đông Hưng - Thái Bình) có công ăn, việc làm, thu nhập ổn định.
|
Bà Cưu giới thiệu về cây hồng xiêm "tổ" của làng.
|
Thấy quả lạ không dám ăn
Để tìm hiểu ngọn ngành câu chuyện cây hồng xiêm “bén duyên” và trở thành cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao ở Lô Giang, chúng tôi tìm đến gia đình bà Đinh Thị Cưu, 65 tuổi, ở thôn Hoàng Nông, nơi được coi là phát tích “cây hồng xiêm tổ” của làng. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà xây khang trang, bà Cưu cho biết: “Khi tôi lớn lên đã thấy cây hồng xiêm cổ thụ ngay trước cửa nhà. Mẹ tôi kể rằng, đó là cây do ông nội tôi - cụ Đinh Văn Sách, trồng cách đây hơn trăm năm. Khi đó, ông còn trẻ, nhân một chuyến đi làm ăn ở Xiêm (Thái Lan – PV), thấy loại cây lạ nên cất công đem một cây về trồng thử. Cây lớn nhanh và cho quả ngay từ vụ đầu tiên. Ông tôi đã hái quả và đi khắp làng trên, xóm dưới để giới thiệu về giống hồng xiêm của mình. Thế nhưng, do chưa biết là quả gì nên không ai dám ăn. Thấy vậy, ông nội tôi bổ ra ăn thử, 3 ngày sau thấy ông vẫn khỏe mạnh bình thường, mọi người mới dám ăn”.
Từ cây hồng xiêm ban đầu, ông Sách cho chiết cành và trồng thêm 4 cây xung quanh nhà. Dân làng cũng dần bị hương vị của loại quả này mê hoặc, mọi người rủ nhau đến xin ông cây giống về trồng rồi dần dần hồng xiêm lan ra khắp làng trên, xóm dưới. Đưa chúng tôi đi thăm cây hồng xiêm “tổ”, bà Cưu cho biết thêm: “Dù đã hơn trăm tuổi, nhưng cây vẫn giữ được những phẩm chất tốt nhất như quả to, vị ngọt, quả đều nhau, trung bình 8 – 10 quả/kg. Chất lượng đường cũng ở mức tốt nhất”.
Nguồn sống của làng
Đến nay, hồng xiêm đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực ở Lô Giang. Trên thực tế, đã có nhiều gia đình thoát nghèo, làm giàu nhờ hồng xiêm. Không chỉ cung cấp một lượng quả lớn cho thị trường, nơi đây còn xuất hiện thêm một nghề mới là ghép, chiết và nhân giống hồng xiêm.
Trong số những hộ trồng hồng xiêm hiệu quả có ông Lương Văn Hiến. Giới thiệu mô hình kinh tế của mình, ông Hiến cho biết: “Trước đây, gia đình tôi có truyền thống buôn hoa quả. Trong số những loại hoa quả bán chạy nhất và được ưa thích nhất có hồng xiêm Lô Giang nên hơn ai hết tôi là người hiểu rõ giá trị và thị trường tiêu thụ của loại quả này. Chính vì vậy, tôi đã dành toàn bộ vườn quanh nhà để trồng 110 cây hồng xiêm, hàng năm đến mùa quả chín, tôi lại sắm sửa xe thồ đem hồng đi bán”.
Không như ông Hiến, chị Lương Thị Chiến ở thôn Phú Nông lại có cách làm khác. Từ 50 cây trong vườn, chị đã lập một vườn ươm để cung cấp giống hồng xiêm mang thương hiệu Lô Giang cho người dân trong vùng. Với khả năng ươm chiết trên 3.000 cành mỗi năm, bán với giá 20.000 đồng/cành, gia đình chị thu lãi hàng chục triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Tín, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Lô Giang tự hào nói: “Nhờ trồng hồng xiêm mà những năm gần đây, đời sống người dân đã được nâng cao. Ngày càng có nhiều nông dân và hội viên HLV vươn lên làm kinh tế giỏi từ loại cây này. Hiện, niềm mong ước lớn nhất của chúng tôi là làm thế nào xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho hồng xiêm Lô Giang, giúp đặc sản này vươn xa, đến được với người tiêu dùng trong và ngoài nước”.
Theo Kinh tế nông thôn
Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/4/33823.html