Không làm nông nghiệp vì "túi vẫn thủng"

03/05/2012

Với vị thế của nông nghiệp, Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển bền vững nếu tạo được cơ chế phù hợp. Đó là những chia sẻ của GS.VS Trần Đình Long.

Có thể sẽ quay sang đầu tư vào nông nghiệp
Theo đánh giá của các chuyên gia, khủng hoảng kinh tế vừa rồi Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều vì ta có điểm tựa là nông nghiệp?
Năm 2011, nông nghiệp của ta xuất siêu hơn 25 tỷ USD, trong đó 5 mặt hàng khoảng trên 3 tỷ USD. Theo tôi, muốn phát triển bền vững, các ngành khác chưa biết thế nào, nhưng về nông nghiệp ta rất có vị thế trên thế giới. Ta có tới 5 - 6 mặt hàng xuất khẩu đứng đầu thế giới. Nếu biết tổ chức lại, đi sâu vào chế biến, tổ chức thương mại, thương hiệu... thì giá trị còn hơn nhiều, sẽ không kém gì các nước trong khu vực.
Nhưng tại sao nông dân vẫn là những người khổ nhất?
Vấn đề là đầu tư cho nông nghiệp vẫn còn thấp. Ta xuất 7 triệu tấn gạo, thu gần 4 tỷ USD, nhưng chi phí nhiều và nông dân chỉ được 20 - 30% lợi nhuận. Nhiều nước, người ta thu được lãi thì phải quay lại đầu tư cho nông dân.
Ở Nhật Bản, mỗi cân lúa nhà nước mua với giá rất cao vì chủ trương của họ là khuyến khích nông nghiệp. Kể cả nếu phải lấy cái khác bù vào thì cũng phải bù, có thế mới khuyến khích được nông dân. 
Hiện nay, đầu tư vào bất động sản, rồi chứng khoán không còn hấp dẫn nữa, theo ông liệu đây có phải là cơ hội để người dân quay ra đầu tư vào nông nghiệp?
Trước kia người ta ngại đầu tư vào nông nghiệp vì khả năng thu hồi vốn không nhanh. Còn bây giờ, nếu các ngành khác không còn hấp dẫn nữa thì có thể người ta sẽ quay ra đầu tư vào nông nghiệp.
Hiện một số nơi đang tổ chức cánh đồng mẫu lớn, đây cũng là một dạng doanh nghiệp nông nghiệp. Ở Hải Phòng cũng đã có mô hình này, họ tập hợp 50 - 100ha lại để làm và đã thành công. Tuy nhiên, vì là tự phát nên chưa thành phong trào. Đầu tư cho nông nghiệp phải bền vững, lâu dài và phải có chính sách hỗ trợ của nhà nước. Cần xác định thể chế nông thôn hiện nay là gì? Trước đây là hợp tác xã (thời bao cấp) sau đó là hộ gia đình (khoán 10), còn hiện nay? Gia trại, trang trại, tổ hợp hay doanh nghiệp nông nghiệp?
GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam
Phải tập trung vào một nhà thôi
Doanh nghiệp nông nghiệp là mô hình mới?
Trước đây ta có hợp tác xã, sau là hộ gia đình. Sang cơ chế thị trường, kinh tế hàng hóa đòi hỏi phải là nông nghiệp chất lượng. Chất lượng có nghĩa là phải quy mô lớn, phải đưa công nghệ cao vào và như thế hộ gia đình không đảm bảo được. Hộ gia đình có thể làm ra vài sản phẩm, muốn tiêu thụ được mang tính chất hàng hóa thì phải liên kết lại nhiều hộ gia đình với nhau. Nếu là doanh nghiệp nông nghiệp thì họ sẽ có thể đầu tư tốt, mới đưa được khoa học công nghệ vào. 
Lâu nay ta nói nhiều tới việc liên kết 4 nhà, nhưng dường như cũng không mấy hiệu quả?
Ý tưởng 4 nhà là tốt. Nhưng trong 4 nhà này ai là tổng đạo diễn? Nếu coi doanh nghiệp nông nghiệp là cái chốt để đầu tư thì mọi chủ trương, chính sách, mọi đề tài, dự án đều phải xuất phát từ doanh nghiệp này. Từ doanh nghiệp thì phải có đất, có giống mới, có chính sách nhà nước về xuất nhập khẩu, thị trường... Doanh nghiệp sẽ giải quyết được mọi thứ khác, tất cả đề tài, dự án đều phải xuất phát từ doanh nghiệp này. Ví dụ, cái giống này làm ra sản phẩm bán được 800USD/tấn chứ không phải 400USD, như vậy 1 triệu tấn sẽ lãi nhiều thì người ta mới mua và khoa học công nghệ mới có đất dụng võ.
Tức là chỉ cần đầu tư vào doanh nghiệp chứ không phải dàn trải ra?
Phải tập trung vào một nhà thôi. Chứ cứ đầu tư hết đề tài này, dự án kia, nhưng kết quả thì xếp vào ngăn kéo, rồi không ai chịu trách nhiệm cả. Còn nếu đầu tư cho doanh nghiệp thì khác. Doanh nghiệp có thể trả lương cho nhà khoa học tới  2.000USD/tháng hoặc cao hơn, nhưng với điều kiện ông phải làm ra trên 3.000USD. Như thế là Nhà nước không phải lo lương cho nhà khoa học nữa, nhưng phải tạo cơ chế để doanh nghiệp tận dụng được các công nghệ mới của các  nhà khoa học. 
Coi khoa học chỉ như cái bình hoa
Còn như hiện nay, tuy chúng ta rất coi trọng khoa học, nhưng lại chưa tạo được điều kiện nhà khoa học làm việc?
Dù biết khoa học công nghệ là động lực phát triển kinh tế đấy nhưng ta lại coi nó chỉ như cái bình hoa, để trang trí thôi. Nghị quyết thì rất hay, nhưng để biến thành hiện thực phải đi từ thực tế. Thực tế thì sao? Nhà khoa học làm ra giống lúa mới, nhưng không bán được cho nông dân vì họ làm gì có tiền mà mua bản quyền giống, nhưng doanh nghiệp thì có thể mua được. 
Với doanh nghiệp nông nghiệp này, các vấn đề như đưa nhà khoa học về nông thôn, tạo việc làm cho nông dân... sẽ được giải quyết?
Đúng vậy. Có thể chế này thì người ta sẽ tự lo lương trả cho nhà khoa học, cho nông dân, lo lương hưu, bảo hiểm... Chứ như hiện nay, làm nông nghiệp rủi ro như thế nhưng bảo hiểm nông nghiệp làm mãi chưa xong, lương hưu cho nông dân cũng chưa có. Thế nên nông nghiệp của ta hiện nay ai là lực lượng sản xuất chính? Là bà già, là phụ nữ, còn thanh niên trai tráng đi hết cả vì không có cái gì tập hợp người ta lại. Nếu có doanh nghiệp nông nghiệp sẽ thu hút đầu tư, nhân công vào đây. Các nhà khoa học sẽ quay lại nông thôn vì tôi làm thì tôi phải nhìn thấy tương lai. Nếu làm mà túi vẫn thủng thì không ai làm cả. Khoa học sẽ gắn với doanh nghiệp một cách tự giác và hữu cơ chứ không phải là hình thức nữa.
Nếu làm được thì có thể coi đây như là khoán 10? Và liệu có những người dũng cảm khởi đầu như Bí thư Kim Ngọc?
Chắc chắn sẽ có người đứng lên làm cái này. Và cũng phải thử nghiệm, cũng phải trả giá. Các nơi đang làm đấy. Nhưng tốt nhất là ở dưới làm, trên cùng hợp sức thì sẽ nhanh hơn. Còn nếu trên áp đặt thì chưa chắc người ta đã làm. Dưới làm mà không ai hỗ trợ thì loay hoay. Cứ tự làm thì một doanh nghiệp nhỏ còn được chứ lớn thì không được. Bắt đầu là từ dân, nhưng phải thảo luận và phải công khai, rồi đưa ra thành chủ trương, chính sách để hỗ trợ.
Bản chất của doanh nghiệp nông nghiệp là tích tụ ruộng đất. Một doanh nghiệp nông nghiệp có thể cần tới 1.000ha. Số đất này được gom lại bằng cách nông dân góp vào như ta góp cổ phần vậy, nhưng chỉ góp đất thôi còn sổ đỏ họ vẫn giữ. Như vậy là ở đây có liên quan tới vấn đề sở hữu đất. Sở hữu đất đai của ta là sở hữu toàn dân, mà sở hữu toàn dân tức là không ai có quyền sở hữu. Vì vậy, muốn làm được thì phải sửa luật.
Hay như thế, nhưng tại sao trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới không nói tới?
Tôi nghĩ tiêu chí xây dựng nông thôn mới phải tập trung vào xây dựng thể chế này. Chứ nếu chỉ đầu tư nào là trường, chợ, đường... thì chỉ là bề nổi trước mắt thôi. Không phải xây cái nhà đẹp lên là xong, mà vấn đề là làm thế nào để những người sống trong đó phát triển kinh tế bền vững... Và khi kinh tế đã phát triển thì những mặt khác sẽ phát triển theo, muốn xây nhà văn hóa, xây trường, xây đường thì xây. Đấy mới gọi là xây dựng nông thôn mới. Chứ nếu cứ áp 19 chỉ tiêu vào mà làm thì nhà nước nào làm nổi. Làm điển hình một vài xã thì còn được, chứ tất cả mà dập theo thì không phải. Đó là duy ý chí và không xuất phát từ thực tế.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!
Theo Bee.net

Tin khác