Thị trường phân bón: Nỗi lo kép

03/05/2012

Hiện các tỉnh phía Bắc đang bước vào thời kỳ chăm sóc lúa đông xuân nên nhu cầu sử dụng phân bón của nông dân tăng lên đáng kể, kéo theo đó là tình trạng giá phân bón đột ngột tăng sau một thời gian giảm. Bên cạnh nỗi lo tăng chi phí sản xuất, nông dân còn đối mặt với tình trạng phân bón giả.

Nông dân sản xuất nông nghiệp với nhiều nỗi lo.
Đến hẹn lại lo
So với thời điểm đầu năm, giá phân bón hiệu Đầu trâu của Công ty Phân bón Bình Điền đã tăng 500 đồng/kg, tương đương 11.025.000 đồng/tấn. Nếu giữa tháng 2/2012, phân urê Phú Mỹ từ đại lý cấp 1 giá 480.000 - 490.000 đồng/bao (50kg), đưa hàng về đại lý cấp 2 giá 500.000 - 510.000 đồng/bao thì trong tuần qua đã tăng thêm 30.000 -35.000 đồng/bao, lên 530.000 - 535.000 đồng/bao. Tương tự, phân urê của Trung Quốc cũng “ăn theo”, tăng lên 490.000 - 500.000 đồng/bao.
Bà Phạm Thị Thái ở xã Song Phượng (Đan Phượng - Hà Nội) than thở: “Giá lúa thì thấp mà giá phân đạm thì cứ tăng ầm ầm. Cứ đà này, làm ruộng lỗ là cái chắc”.
Nói về nguyên nhân khiến giá phân bón tăng hơn so với các tháng đầu năm, nhiều ý kiến cho rằng do giá xăng dầu, than tăng. Tuy nhiên, theo bà Trương Kim Hồng, chuyên gia phân tích thị trường của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, sản xuất phân bón là ngành được hỗ trợ rất mạnh, do đó giá nguyên liệu đầu vào cơ bản được duy trì ổn định và tăng có lộ trình. Thực tế, giá khí đốt (chiếm 73% tổng chi phí sản xuất) năm 2011 chỉ tăng 33% nhưng mức tăng giá bán phân đạm tại cổng nhà máy là 106%.
Ngoài ra, các nhà sản xuất phân bón nội địa đang được hưởng lợi rất lớn từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm mục tiêu đưa phân bón giá rẻ tới tay nông dân.
Không yên với nạn phân bón giả
Có thể nói, nông dân đang phải gánh nỗi lo “kép”, bởi phân bón không những tăng giá mà tình trạng phân bón giả, kém chất lượng cũng vô cùng nhức nhối. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc sản xuất của bà con mà còn gây thiệt hại cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Điều đáng lo là, không chỉ bị mua nhầm, nhiều nông dân còn “cố tình” mua phân bón trôi nổi, không rõ nguồn gốc bởi giá của sản phẩm này rẻ hơn so với hàng được sản xuất bởi những doanh nghiệp có uy tín. Theo ông Lê Quốc Phong, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, gần đây còn xảy ra tình trạng tuồn phân bón nhập lậu từ phía Bắc có giá rẻ hơn 1-2 triệu đồng/tấn so với giá nhập khẩu chính ngạch vào Đồng bằng sông Cửu Long với số lượng lớn.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng phân bón kém chất lượng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng cũng như năng suất cây trồng, gây thiệt hại cho người sản xuất. Thực trạng này đã xảy ra nhiều năm, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế phân bón kém chất lượng, phân bón không có trong danh mục vào sản xuất, song xem ra vấn đề này rất khó giải quyết tận gốc.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) thừa nhận: “Đã là thị trường thì chuyện phân bón kém chất lượng, phân bón không có trong danh mục, dù có làm chặt chẽ đến đâu cũng khó có thể triệt tiêu hết. Vì vậy, mục tiêu của chúng ta là làm sao có thể giảm và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho nông dân”.
Để giúp bà con sử dụng hiệu quả phân bón trong sản xuất, Cục Trồng trọt đã phối hợp với các đơn vị như Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Vụ Khoa học công nghệ… tổ chức đào tạo, hướng dẫn và định hướng cho nông dân sử dụng phân bón theo phương pháp “4 đúng”; hướng dẫn bà con phân biệt được đâu là phân bón kém chất lượng…
Về lâu dài, Nhà nước cần phải coi phân bón là mặt hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện và phải được quản lý theo nhóm 2 (tức là nhóm phải quản lý theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia). Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Nghị định 15 về xử phạt hành chính trong sản xuất kinh doanh phân bón.
“Với mức xử phạt chỉ từ 40-50 triệu đồng/vụ vi phạm như hiện nay thì chưa đủ mạnh. Bởi vậy, Nhà nước cần nâng cao chế tài xử phạt để tăng tính răn đe như thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/5/33901.html


Tin khác