Doanh nghiệp cà phê vỡ nợ hàng loạt

25/04/2012

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2012 đến nay có hơn 100 doanh nghiệp, đại lý, hộ kinh doanh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên đã và đang vỡ nợ hàng nghìn tỷ đồng. Thiệt hại vẫn thuộc về người dân, bởi hầu hết khi ký gửi cà phê, cho vay tiền mặt họ chỉ có giấy nợ viết tay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, nông dân trồng cà phê hay tin hàng loạt doanh nghiệp vỡ nợ đã kéo nhau tới các đại lý để đòi tiền nợ ký gửi cà phê. 
Tại huyện Đắk Mil, ngày 15-16/4, hàng chục người dân đã xông vào đại lý mua bán cà phê, phân bón Lan Thông xiết hàng tấn phân bón có trong kho của đại lý này. Chủ đại lý hiện nợ 22 tấn cà phê nhân và 1,2 tỉ đồng nhưng do thua lỗ nên không có tiền để trả. 
Trước đó vài ngày, hàng chục người dân đã vây kín đại lý Lan Diệu để đòi nợ vì sợ chủ đại lý sẽ bỏ trốn, nhiều người còn yêu cầu công an cho họ xông vào đại lý xiết bất cứ tài sản nào để vớt vát. Chủ đại lý Lan Diệu thừa nhận hiện nợ 2 tỷ đồng ở ngân hàng và 80 tấn cà phê nhân nông dân ký gửi.
Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Mil đã có buổi đối thoại với các đại lý đang nằm trong “nghi vấn vỡ nợ” và đưa ra giải pháp là nếu đại lý đã hứa trả nợ thì người dân nếu không quá khó khăn cũng cần chia sẻ để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng. 
Mới đây, vụ việc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Minh An phải tính chuyện bán thương hiệu cà phê Đức Lập để tồn tại chỉ là một trong nhiều trường hợp thua lỗ. Hợp tác xã Minh An sở hữu 2 thương hiệu nổi tiếng “Coffee Đức Lập Minh An” và “Coffee Đức Lập Dakmil”, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ và cũng đã được đăng ký bảo hộ ở Trung Quốc và Mỹ. Từ đầu năm 2010 đến nay, hợp tác xã này làm ăn thua lỗ, nợ chồng chất, hiện nợ người dân 18 tỷ đồng, không có khả năng thanh toán. 
Để thoát khỏi khó khăn, Hợp tác xã Minh An đã xin được bán 2 nhãn hiệu nói trên cho một doanh nghiệp Trung Quốc. Đây chính là công ty ở Quảng Đông đã từng "lấy cắp" thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. 
Bởi vậy, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đề nghị Hợp tác xã Minh An không được chuyển nhượng nhãn hiệu cà phê cho doanh nghiệp nước ngoài, thay vào đó chuyển giao chỉ dẫn “Đức Lập” cho địa phương để xây dựng thương hiệu cà phê chung cho tỉnh Đắk Nông. 
Theo thống kê của Sở Công Thương Đắk Lắk, riêng địa bàn này đã có 43 doanh nghiệp, đại lý kinh doanh cà phê vỡ nợ, mất khả năng thanh toán khoảng 300 tỷ đồng và nợ nông dân 3.000 tấn cà phê nhân ký gửi. Hơn một nghìn nông dân ở Đắk Lắk cũng đang có nguy cơ mất trắng tài sản vì đã ký gửi cà phê cho các đại lý thu mua. 
Mới đây, Tập đoàn Thái Hòa (THV) đã phát hành 30,25 triệu cổ phiếu để huy động vốn, thế nhưng chỉ chào bán được 60 cổ phần. Từ đây, những vấn đề nghiêm trọng của tập đoàn này bắt đầu hé lộ. Công ty đã báo cáo mức lỗ ròng cả năm 2011 lên tới 198 tỉ đồng, cao gấp 6 lần so với mức lãi 34,8 tỉ đồng của năm 2010. Đây là 1 trong 4 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu  Việt Nam xuất 60% sản lượng xuất khẩu cà phê arabica cả nước trong năm 2009. 
Theo ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Tập đoàn THV, lỗ lớn là do chi phí tài chính cao bất thường. Tình trạng khó khăn cũng xảy ra tại tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột) từng  được Hiệp hội Cà phê thế giới xếp hạng công ty xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất toàn cầu. Theo ban Giám đốc Vinacafe Buôn Ma Thuột, mặc dù tài sản cố định, bất động sản của công ty còn nhiều, nhưng hiện số nợ quá hạn đã lên đến 1.620 tỉ đồng. 
Ông Đoàn Triệu Nhạn, cố vấn cao cấp của Hiệp hội Cà phê (VICOFA) cho biết, về lý thuyết thì lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đạt 25%/năm, nhưng do trả lãi vay hết 21-22% trong năm 2011, trừ đi nhiều khoản chi phí khác, thực tế các doanh nghiệp chỉ thu lãi 0,35% trên tổng doanh thu. 
Chính vì vậy, gần 80% doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê đã thua lỗ trong năm vừa qua, càng xuất nhiều thì càng lỗ lớn. Phương thức ký hợp đồng xuất khẩu giao sau, giao xa vẫn còn rất phổ biến. Doanh nghiệp thường ký hợp đồng với đối tác khi chưa có hàng trong tay, thời gian giao hàng thường sau khi ký hợp đồng từ 2-3 tháng, giá bán thường thỏa thuận theo nguyên tắc căn cứ giá trên sàn London vào thời điểm giao hàng rồi trừ lùi đi 30-70 USD/tấn. 
Phương thức ký hợp đồng này đã tạo điền kiện cho đối tác “bắt nạt”. Đối tác thường nhằm vào những thời điểm có nhiều hợp đồng giao hàng nhất, sẽ đẩy giá trên sàn London xuống, để rồi trả giá thấp. Phương thức giao sau, giao xa thường xuyên bị các chuyên gia phê phán rằng doanh nghiệp Việt Nam thiếu kinh nghiệm. Nhưng thực tế không phải doanh nghiệp không biết điều này, mà vấn đề nằm ở chỗ ngân hàng đặt ra điều kiện: doanh nghiệp phải có hợp đồng ký kết sẵn thì mới được vay vốn. Vì vậy, buộc các doanh nghiệp phải ký hợp đồng trước, rồi mới làm được thủ tục vay vốn để thu mua cà phê, đương nhiên phải hợp đồng giao sau, giao xa khi chưa có hàng.
Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam luôn ở tình thế “một cổ 2 tròng”: bị đối tác mua hàng “xỏ dây vào mũi” đồng thời vừa phải gồng mình trả lãi vay ngân hàng với mức “lãi suất cắt cổ” . Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch VICOFA bày tỏ: Chúng tôi tha thiết kiến nghị Chính phủ đã ưu tiên vốn cho nông nghiệp, nhưng đề nghị phải giảm lãi suất. Với lãi suất 17% hiện nay thì các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu cà phê đều không chịu đựng được.
Theo VnEconomy

Nguồn: http://vneconomy.vn/2012042410202503P0C19/doanh-nghiep-ca-phe-vo-no-hang-loat.htm


Tin khác