Hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh cà phê tại Đắk Lắk, Đắk Nông đã và đang lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần, thậm chí phá sản. Đã có trên 40 doanh nghiệp - đại lý mua cà phê phải đóng cửa.
Vụ HTX dịch vụ nông nghiệp Minh An phải tính đến chuyện bán thương hiệu cà phê Đức Lập để tồn tại chỉ là một trong nhiều trường hợp thua lỗ.
Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, đến thời điểm hiện tại đã có trên 40 doanh nghiệp - đại lý mua cà phê phải đóng cửa. Trong khi đó tại Đắk Nông, nông dân đứng ngồi không yên với tin hàng loạt doanh nghiệp cà phê làm ăn thua lỗ và có thể mất khả năng trả nợ.
|
Trót ký gửi 4 tấn cà phê với giá trị gần 200 triệu đồng cho đại lý Lan Diệu, vợ chồng ông Lộ Văn Quận và bà Huỳnh Thị Yến (Thuận Thành, Thuận An, Đắk Mil, Đắk Nông) như đang ngồi trên lửa vì đại lý vỡ nợ. Ngôi nhà của vợ chồng ông bà cũng đã thế chấp ngân hàng để vay vốn đầu tư sản xuất.
|
Lâm nợ vì mua đắt bán rẻ
Tại huyện Đắk Mil (Đắk Nông) những ngày gần đây, hàng trăm hộ nông dân đã đứng ngồi không yên trước thông tin các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh cà phê tại đây có nguy cơ vỡ nợ. Mới đây nhất, ngày 15 và 16-4 hàng chục người dân đã xông vào đại lý mua bán cà phê, phân bón Lan Thông xiết hàng tấn phân bón có trong kho của đại lý này. Trước đó vài ngày, hàng chục người dân đã vây kín đại lý Lan Diệu (thôn Thuận Thành, xã Thuận An) để đòi nợ vì nghi chủ đại lý ôm tiền bỏ trốn. Nhiều người còn yêu cầu công an cho họ xông vào đại lý xiết bất cứ tài sản nào để vớt vát.
Ông Trác Nhơn Diệu, chủ đại lý Lan Diệu, thừa nhận hiện tổng số nợ của doanh nghiệp này khoảng 2 tỉ đồng ở ngân hàng và 80 tấn cà phê nhân trong dân nhưng vẫn có chỗ khác nợ của doanh nghiệp khoảng 30 tấn cà phê nhân. Tương tự, bà Lê Thị Kiều Nga (có tên khác là Lan), chủ đại lý Lan Thông, cho biết tổng số nợ là 22 tấn cà phê nhân và 1,2 tỉ đồng.
Giải thích về nguyên nhân lâm vào cảnh nợ nần hiện nay, ông Trác Nhơn Diệu cho biết: “Chúng tôi nhận cà phê chốt giá của nông dân và cứ nghĩ giá cà phê sẽ lên cao nữa nên tiếp tục vay vốn ngân hàng với lãi suất cao để tích hàng. Thế nhưng, đột ngột giá cà phê giảm liên tục khi kỳ hạn trả nợ ngân hàng đã đến. Chúng tôi buộc phải bán hết số cà phê có trong kho với giá thấp hơn khi mua (gồm cả cà phê ký gửi của người dân chưa bán) để trả nợ ngân hàng và chấp nhận bù lỗ.
Tuy nhiên khi bán hàng, tài sản để trả nợ thì các ngân hàng thắt chặt tín dụng, không cho vay nữa nên lâm vào bế tắc”. Tương tự, ông Nguyễn Văn Toàn, trưởng ban quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp Minh An, cho biết do thấy cà phê đang giá thấp nên dùng hết vốn liếng tích trữ 350 tấn cà phê để mong giá lên sẽ có một khoản lãi lớn. Thế nhưng không ngờ giá cà phê liên tục hạ khiến HTX phải bán hết số cà phê trong kho để trả nợ ngân hàng nhưng sau đó không vay lại được nên mất vốn kinh doanh.
Ngoài cú “ngã ngựa” do không lường trước được việc cà phê rớt giá, ông Toàn còn thừa nhận do thấy thị trường cà phê đang lên giá nên đã vay rất nhiều tiền từ ngân hàng, người dân để đầu tư vào xây dựng nhà xưởng, kho bãi và một nhà máy chế biến cà phê bột. Thế nhưng đến nay do mất vốn, nhà xưởng bỏ không, nhà máy chế biến cà phê bột thì sản xuất cầm chừng... Tương tự, ông Trác Nhơn Diệu cũng dùng cà phê ký gửi, tiền vay lãi của người dân đầu tư vào nhà đất, kinh doanh khác nên khi làm ăn thua lỗ lại không bán được tài sản khiến công việc kinh doanh bị khủng hoảng...
Tình trạng khó khăn cũng xảy ra tại những công ty xuất nhập khẩu lớn như tại Vinacafe Buôn Ma Thuột. Theo ban giám đốc Vinacafe Buôn Ma Thuột, tài sản cố định, bất động sản của công ty còn rất nhiều nhưng số nợ quá hạn cũng rất lớn, lên đến 2.900 tỉ đồng vào cuối năm 2010 và hiện nay là 1.620 tỉ đồng...
Nông dân lãnh đủ
Mới đây, ông Phan Hồng Giang và vợ là bà Nguyễn Thị Kim Huệ phải bán căn nhà cạnh quốc lộ 14, đoạn qua trạm thu phí thị xã Buôn Hồ (phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) để trả ngân hàng do trước đó đã vay cho bà Hà Thị Vui (phường Thiện An) mượn để kinh doanh cà phê, rồi bà Vui tuyên bố vỡ nợ. “Tòa xử 3-4 lần nhưng bà Vui vắng mặt, giờ số tiền 150 triệu đồng không biết đến bao giờ mới lấy lại nên tôi đành phải bán nhà” - ông Giang bức xúc.
Đề xuất khoanh, giãn nợ
Ngày 18-4, ông Hoàng Công Thắng - chủ tịch UBND huyện Đắk Mil (Đắk Nông) - cho biết UBND đã có buổi đối thoại với các đại lý đang nằm trong “nghi vấn vỡ nợ” và nhiều đại lý hứa cam kết trả nợ cho nông dân. Quan điểm của UBND huyện là nếu đại lý đã hứa trả nợ thì người dân nếu không quá khó khăn cũng cần chia sẻ để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Các đại lý chưa kịp giải quyết cho người dân thì UBND huyện có biện pháp hỗ trợ hoặc đề xuất ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, cho vay vốn ưu đãi...
|
Cùng chung tình cảnh với ông Giang, hàng chục người dân khác cũng đã ký gửi cà phê và tiền mặt cho đại lý của bà Hà Thị Vui và giờ cũng đối diện với nguy cơ mất trắng. Không chỉ đại lý của bà Hà Thị Vui mà liên tiếp trong thời gian qua nhiều công ty, đại lý cà phê tại thị xã Buôn Hồ cũng lâm vào cảnh vỡ nợ như Công ty TNHH Chung Đào, Công ty cà phê Tân Trường Nguyên, cơ sở Nguyễn Thị Lan, cơ sở Phạm Thị Loan... khiến khoảng 600 người dân có nguy cơ mất trắng tài sản.
Theo đại diện phòng kinh tế các huyện Buôn Hồ, Krông Năng, Ea H’Leo (Đắk Lắk), khi đại lý, doanh nghiệp cà phê vỡ nợ thì thiệt thòi vẫn thuộc về người dân, bởi hầu hết người dân khi ký gửi cà phê, cho vay tiền mặt đều chỉ có giấy nợ viết tay, thậm chí nhiều người chỉ gửi vì tin nhau là chính. Trung tá Nguyễn Hữu Ngọt - trưởng Công an phường Thiện An - cho biết thời điểm tháng 9-2011 khi tiếp nhận đơn của nhiều hộ dân tố cáo việc bà Hà Thị Vui nợ quá hạn nhưng không trả, công an phường đã xác minh và chuyển hồ sơ đến tòa xử khiếu nại về dân sự chứ không đủ cơ sở để xử lý hình sự. Trong khi đó, hàng chục hộ dân mà bà Vui nợ tiền nay chỉ còn biết... chờ đợi để đòi nợ bà.
Không được bán thương hiệu cà phê Đức Lập
Ngày 19-4, ông Nguyễn Văn Toàn - trưởng ban quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp Minh An - cho biết vừa nhận được thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ về việc không đồng ý cho HTX Minh An bán thương hiệu cà phê Đức Lập cho nước ngoài.
Theo đó, trong hai nhãn hiệu hàng hóa “Cà phê Đức Lập Minh An & hình” và “Cà phê Đức Lập Đắk Mil & hình” thì HTX Minh An chỉ được toàn quyền bán nhãn hiệu “Cà phê Đức Lập Minh An & hình”. Nhãn hiệu “Cà phê Đức Lập Đắk Mil & hình” do có tên địa danh Đắk Mil (Đắk Nông) không thuộc độc quyền của HTX Minh An. Nếu HTX Minh An bán nhãn hiệu này thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thu hồi giấy phép đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đã cấp cho HTX Minh An.
Tuy nhiên, ông Toàn cho biết thêm ông muốn nhượng lại hai nhãn hiệu có tên Đức Lập này cho địa phương mà không lấy bất cứ chi phí nào. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn của HTX hiện tại, rất mong UBND tỉnh xem xét cho vay vốn ưu đãi để tránh việc HTX Minh An phải thanh lý, mất đi thương hiệu nhiều năm gầy dựng chứ không phải là ra điều kiện với địa phương...
|
Theo Tuổi trẻ