Việc hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam bị ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh vài năm gần đây cũng bởi các doanh nghiệp không nắm bắt kịp thời sự thay đổi quy định và thủ tục nhập hàng của phía Trung Quốc.
Hiện tại, sản xuất lương thực của Trung Quốc không theo kịp đà tiêu dùng đang tăng cao trong nước. Trong quý 1/2012, nhập khẩu ngũ cốc của nước này đã tăng gấp 5 lần so với mức kỷ lục 3,84 triệu tấn. Mặc dù là nước sản xuất song Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới. Do khối lượng dự trữ gạo thấp, khoảng 40 – 47 triệu tấn đã đẩy giá gạo trên thị trường nội địa Trung Quốc tăng lên 580 USD/tấn.
|
Quý 1/2012, Việt Nam đã ký hợp đồng bán cho Trung Quốc khoảng 1 triệu tấn gạo, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn e ngại
|
Năm 2011, sản lượng lúa của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 200,78 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước khoảng 199 triệu tấn và lượng tồn kho rất ít. Trước đây, Trung Quốc chỉ mua gạo thơm và gạo chất lượng cao từ Thái Lan song thời gian gần đây chuyển sang mua gạo của Việt Nam do có giá thấp hơn mà chất lượng tương đương.
Việc Trung Quốc dự kiến tăng nhập khẩu gạo gấp 4 lần trong năm 2012 đã khiến quốc gia này trở thành nhà nhập khẩu lớn thứ 3 thế giới sau Indonesia và Nigeria. Lý do gia tăng nhập khẩu là giá gạo nội địa tăng mạnh và nguồn cung trong nước bị hạn chế. Đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu gạo từ Việt Nam, Pakistan, Ấn Độ, Myanmar. Sức ép tăng dân số, đồng Nhân dân tệ lên giá so với đồng Đô la và chi phí sản xuất lúa ngày càng cao là những yếu tố thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu lương thực của Trung Quốc tăng lên.
Trong 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã ký hợp đồng bán cho Trung Quốc khoảng 1 triệu tấn gạo, nhưng chính sách nhập khẩu của nước này đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu e ngại. Để tiếp cận và đưa gạo Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã thành lập trung tâm xúc tiến xuất khẩu gạo cao cấp tại Tp.HCM do ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA làm giám đốc và phó giám đốc là một doanh nhân Trung Quốc.
Cuối tháng 4/2012, VFA thông qua quy chế hoạt động của trung tâm, sau đó sẽ mở chi nhánh ở một số tỉnh lớn của Trung Quốc, để trực tiếp giao dịch mua bán gạo với nước này bằng con đường chính ngạch. Khi mối quan hệ giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc được tổ chức tốt thì lượng gạo nhập khẩu vào thị trường này cũng sẽ ổn định.
VFA cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp Trung Quốc mở chi nhánh ở một số tỉnh lớn ở Trung Quốc và chi nhánh ở tỉnh Quảng Châu dự kiến sẽ khai trương cuối tháng 5/2012 nhằm xúc tiến và giới thiệu gạo Việt Nam vào thị trường này.
Việc phía Trung Quốc vẫn ban hành quota nhập khẩu, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho rằng: “vấn đề này tuy gây khó cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng không phải là lớn. Nếu gạo Việt Nam tiếp cận được thị trường này thì người tiêu dùng sẽ lựa chọn bởi chất lượng và giá bán rất cạnh tranh so với giá gạo nội địa Trung Quốc đang rất cao. Sau khi thâm nhập thị trường Quảng Châu, sẽ kết hợp mở thêm chi nhánh ở một số thị trường khác nên tiêu thụ gạo của Việt Nam tại Trung Quốc sẽ có tính ổn định cao. Khi Trung tâm xúc tiến xuất khẩu gạo cao cấp đi vào hoạt động, hy vọng những khó khăn vướng mắc trong kinh doanh gạo với Trung Quốc sẽ được cải thiện”.
Mới đây, đoàn thương nhân gồm 14 doanh nghiệp lớn của Thượng Hải đã làm việc với VFA, trung tâm xúc tiến xuất khẩu gạo cao cấp Việt Nam và tìm hiểu hoạt động doanh nghiệp lương thực Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Trước đó, gạo Việt Nam đã bán vào Thượng Hải nhưng thông qua các công ty đa quốc gia.
Các doanh nghiệp Việt Nam cho biết, dù thông lệ quốc tế là hình thức thanh toán qua L/C nhưng thanh toán của các doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu là CT, nghĩa là hàng tới cảng Trung Quốc thì tiền mới được giải ngân. Do hình thức thanh toán này tiềm ẩn nhiều rủi ro nên hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra e ngại khi bán gạo vào thị trường này.
Để tránh rủi ro trong thanh toán, trước khi bán gạo vào Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu kỹ về đối tác và chỉ làm ăn với các doanh nghiệp lớn có uy tín. Dù vậy vẫn có một số doanh nghiệp Việt Nam bị vướng mắc thanh toán với doanh nghiệp Trung Quốc trong các thương vụ mua bán gạo.
Theo một doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, việc VFA mở trung tâm xúc tiến xuất khẩu gạo cao cấp ở Trung Quốc sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều khi xuất khẩu gạo vào thị trường này. Thông qua trung tâm, doanh nghiệp tìm hiểu được tình hình kinh doanh, tài chính của đối tác để có quyết định đúng đắn, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.
Hiện nay, có rất nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc đang quan tâm đến gạo cao cấp Việt Nam nhưng vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp hai nước vẫn là phương thức thanh toán. Do vậy, chi nhánh trung tâm xúc tiến xuất khẩu gạo cao cấp Việt Nam đi vào hoạt động sẽ giúp giảm rủi ro đến mức thấp nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu gạo vào thị trường này.
Theo VnEconomy