Chứng chỉ rừng bền vững: Cơ hội hay thách thức?

31/05/2012

Việt Nam được coi là nước có “rừng vàng” nhưng người dân sống dựa vào rừng vẫn nghèo, trong khi diện tích rừng ngày càng suy giảm. Một trong những biện pháp quan trọng đặt ra hiện nay là cần phải lập phương pháp quản lý rừng bền vững (QLRBV) và cấp chứng chỉ rừng bền vững. Tuy nhiên, để làm được việc này không đơn giản.

Nhà nước sẽ có chính sách tạo cơ hội cho việc mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ.
Vì sao khó?
Quản lý rừng bền vững và phát triển nguồn tài nguyên rừng là 1 trong 5 mục tiêu cơ bản được xác định trong Chiến lược Phát triển lâm nghiệp quốc gia đến năm 2020. Theo Chiến lược này, khoảng 30% diện tích rừng sản xuất của Việt Nam - tương đương với trên 1 triệu hecta - sẽ đáp ứng tiêu chí QLRBV. Để đạt mục tiêu, mô hình QLRBV đã và đang được thực hiện thí điểm tại một số địa phương. Tuy nhiên, cho đến nay, diện tích rừng có chứng chỉ QLRBV còn rất khiêm tốn.
Theo thống kê, đến ngày 1/3/2012, tổng số diện tích rừng đạt chứng chỉ là 46.031ha, trong đó chỉ có 29.700ha đạt chứng chỉ bền vững. So với mục tiêu trên 1 triệu hecta như Chiến lược đề ra đến năm 2020, rõ ràng việc thực hiện là cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.
TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách thuộc tổ chức Forest Trends (Hoa Kỳ) cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến việc cấp chứng chỉ rừng bền vững của Việt Nam diễn ra chậm. Thứ nhất, hiện Việt Nam chưa ban hành được các nguyên tắc, tiêu chí, trình tự QLRBV. Các hoạt động có liên quan đến QLRBV mới chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm, và thông thường đều có sự hỗ trợ từ các dự án bên ngoài. Thứ hai là thiếu nguồn nhân lực về quản lý, tổ chức trong QLRBV; thiếu kiến thức về kinh tế và kỹ thuật. Thứ ba, chi phí của việc đánh giá để cấp chứng chỉ không nhỏ, và không phải tất cả các chủ rừng muốn có chứng chỉ đều có thể làm được việc này...
Ông Lê Biên Hòa, Trưởng nhóm hộ trồng rừng có chứng chỉ tại Quảng Trị cho hay: “Gỗ có chứng chỉ thường được bán với giá cao hơn so với gỗ thông thường khoảng 30% và lúc nào cũng có công ty sẵn sàng thu mua. Tuy nhiên, việc trồng rừng có chứng chỉ khá phức tạp, nếu không có sự giúp đỡ của các tổ chức, ngành chức năng thì chúng tôi khó có thể làm được”. 
Theo bà Lê Thủy Anh, cán bộ dự án hỗ trợ hộ trồng rừng có chứng chỉ của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên, để phát triển mô hình rừng bền vững, cần phải có diện tích tối thiểu khoảng 2.000ha và giá bán gỗ tăng ít nhất 12% thì mới có thể bảo toàn được các chi phí đầu tư làm chứng chỉ. Để có chứng chỉ, đòi hỏi chủ rừng phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, hầu hết các chủ rừng chưa được cấp giấy chứng nhận, nguyên nhân phổ biến nhất là do mâu thuẫn về ranh giới giữa chủ rừng và người dân địa phương, chủ rừng không có kinh phí để trả cho việc đo đạc đất đai và lập bản đồ.
Sản xuất gỗ tại Lâm trường Yên Thế (Bắc Giang).
Mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ
Việt Nam hiện có hơn 13 triệu hecta rừng với độ che phủ khoảng 40%, trong đó khoảng 10 triệu hecta là rừng tự nhiên và gần 3 triệu hecta là rừng trồng. Để quản lý và bảo vệ, Chính phủ tiến hành giao phần lớn diện tích rừng của quốc gia cho 7 nhóm chủ rừng khác nhau: ban quản lý (chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng), công ty lâm nghiệp (chủ yếu rừng tự nhiên là rừng sản xuất), hộ gia đình (chủ yếu là rừng sản xuất), ngoài ra còn có các nhóm chủ rừng khác như tổ chức kinh tế, lực lượng quân đội, cộng đồng dân cư thôn bản… Song cả nước vẫn còn khoảng 2,4 triệu hecta, chủ yếu là rừng sản xuất, hiện chưa giao được cho các đối tượng và đang do chính quyền cấp xã quản lý.
Theo ông Hà Công Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), QLRBV là mục tiêu và yêu cầu của Chính phủ. Đây là xu hướng quốc tế, do vậy Việt Nam không thể không làm, đặc biệt trong bối cảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang tham gia rất sâu vào sân chơi quốc tế.
Gỗ có chứng chỉ sẽ đáp ứng được các yêu cầu về mặt pháp lý đối với các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Hoa Kỳ (theo Luật Lacey sửa đổi) và châu Âu (theo Chương trình hành động tăng cường thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại Lâm sản - FLEGT và Quy định về gỗ của EU). Thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ ban hành thông tư về tiêu chí và trình tự nhằm thực hiện QLRBV. Sự thay đổi về chính sách này sẽ tạo cơ hội cho việc mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ. Tuy nhiên, Chính phủ cần có một chương trình vĩ mô, đồng bộ hơn nhằm giải quyết những khó khăn, tồn tại trong việc QLRBV.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác