Bàn tiếp về liên minh lúa gạo Việt Nam – Myanmar

04/05/2012

Là một nước có truyền thống về nghề nông, thừa hưởng các ưu đãi về tự nhiên, và đang xúc tiến quá trình cải cách kinh tế rốt ráo, Myanmar có đầy đủ tiềm năng trở thành một đối tác chiến lược của Việt Nam trong việc sản xuất lúa gạo. Trong một hình dung tiếp theo về hợp tác giữa hai nước trong việc này, chúng ta không những cần tận dụng những ưu thế trên của bạn, mà còn phải đặt nó vào chiến lược tổng thể chung của chính sách nông nghiệp nước nhà.

“Đã hết thời của một nền nông nghiệp giá rẻ”. Tăng giá trị hạt gạo, tăng năng suất cho nền nông nghiệp là cái đích cuối cùng mà thông qua hợp tác này chúng ta nhắm tới.
 
Nếu đặt vấn đề Việt Nam từ một nước phải nhập khẩu gạo, trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới (xét về lượng), nay phải chuyển hoá thành một quốc gia phát triển kinh tế dựa trên công nghiệp lúa gạo (trong ý nghĩa nâng tầm hơn về chất và tạo thương hiệu riêng cho hạt gạo) thì “công nghệ hoá” sản xuất lúa gạo và tăng giá trị hạt gạo nước nhà là quá trình bắt buộc phải diễn ra. Khi sự phân khúc thị trường diễn ra, các chuyên gia Việt Nam cần tiên phong giúp đối tác xây dựng các mô hình chuyển giao công nghệ. Nước ta đã đưa nhiều chuyên gia nông nghiệp sang các nước châu Phi, triển khai chương trình sản xuất lúa, chế biến tại chỗ và giúp đỡ nước bạn trong ứng dụng khoa học – công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Nhiều mô hình hợp tác thành công và tạo được tiếng vang. Đây có thể là những thí dụ mẫu mà hợp tác lúa gạo Việt Nam – Myanmar cần học hỏi.
Về lâu dài, sản phẩm làm ra được nâng cao giá trị thêm chứ không dừng lại ở việc bán thô. Tiến lên một bước trong khả năng hình thành thế mạnh thương hiệu gạo Việt, thì ngoài sức mạnh công nghệ, còn cần sức mạnh lan toả về sản xuất, trong đó có sự phân chia lao động giữa nhiều đối tác với nhau trong cùng một quy trình sản xuất hay phân chia lao động để đảm nhận các phân khúc khác nhau về thị trường. Một cách hình dung đơn giản là Việt Nam tổ chức các hoạt động sản xuất gạo và phân chia các quy trình hay thành phẩm ra nhiều địa điểm “sản xuất và gia công”. Điều này tương tự như hình thức các tập đoàn công nghiệp quốc tế đang tiến hành nhập linh kiện từ nhiều nước và xây dựng dây chuyền lắp ráp tại một nước có lợi thế về các chi phí đầu vào thấp nhất. Lúc này, Myanmar sản xuất lúa theo đơn đặt hàng của Việt nam, ta phân phối, qua đó giúp bạn tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết hơn với thị trường gạo thế giới. Cốt lõi trong mô hình này là vai trò của các địa điểm sản xuất đặt trong liên kết tổng thể trên mức độ toàn cầu.
Đề xuất thành lập liên minh lúa gạo giữa Việt Nam – Myanmar dưới góc nhìn trên đồng nghĩa với sự tái phân chia thị trường, trong đó Việt Nam chuyển sang tập trung vào phân khúc thị trường gạo cao cấp. Những thị trường mà Việt Nam đang chiếm lĩnh ở sản phẩm gạo trung bình và cấp thấp sẽ được chuyển lại cho các nhà sản xuất Myanmar với xác nhận quy chuẩn theo một tiêu chuẩn mà Việt Nam đã xây dựng tuỳ theo thị trường mà sản phẩm đó hướng tới (như chất lượng, số lượng sản phẩm sản xuất, thành phần hoá chất, thuốc trừ sâu, lượng phân bón, hay những chỉ dẫn về nguồn gốc địa lý hay xuất xứ). Trong đó việc chuyển giao không những là kỹ thuật, quản lý, mà còn là cách thức tạo ra một chuẩn mực chung được bạn hàng quốc tế chấp nhận. Thế mạnh của một liên minh như vậy ở chỗ một bên sẽ tiếp tục chủ động trong vai trò đầu tàu, từng bước thâm nhập vào thị trường nông sản cao cấp, một bên có sự tiếp cận tốt hơn đối với thị trường nông sản bậc trung. Bởi sự đứng chung của Việt Nam sẽ khiến gạo Myanmar được “định vị” trên thị trường thế giới – điều mà chắc chắn rằng nền sản xuất của bạn trong ngắn hạn (và có thể trung hạn) khó đạt được.
“Đã hết thời của một nền nông nghiệp giá rẻ”. Tăng giá trị hạt gạo, tăng năng suất cho nền nông nghiệp là cái đích cuối cùng mà thông qua hợp tác này chúng ta nhắm tới.
Theo Sài Gòn tiếp thị

Tin khác