Tôm chết hàng loạt ở ĐBSCL: Do ô nhiễm?

04/05/2012

Thời gian này, người dân những vùng nuôi tôm trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long như ngồi trên đống lửa vì tôm chết hàng loạt. Bước đầu, ngành chức năng nhận định, tôm chết do bệnh hoại tử gan tụy, đốm trắng, đầu vàng nhưng nguyên nhân sâu xa khiến vụ nào tôm cũng chết trong vài năm gần đây là ô nhiễm môi trường thì chưa được khắc phục triệt để.

Phân loại tôm trước khi xuất bán.
Tôm chết bất thường
Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Trà Vinh, trong số 1,5 tỷ con tôm sú thả nuôi trên diện tích 19.323ha tại các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành đã có gần 300 triệu con bị chết (3.351ha), tổng thiệt hại ước tính hơn 300 tỷ đồng, trong đó riêng tại Cầu Ngang, diện tích tôm chết lên đến 1.000ha. Tôm chủ yếu chết ở giai đoạn 15 – 45 ngày tuổi.
Tại Kiên Giang, tình hình cũng không khả quan hơn khi có tới 2.000/80.000ha nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh, trong đó, riêng huyện An Minh đã có 1.000ha tôm bị chết, mức thiệt hại từ 20 – 100%.
Ông Nguyễn Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Kiên Giang cho biết, tôm chết chủ yếu là do biến động môi trường, bệnh đốm trắng, hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu. Đặc biệt, có hiện tượng tôm thả nuôi khoảng một tháng tuổi ở các ao nuôi công nghiệp tập trung trên địa bàn hai huyện Kiên Lương, Giang Thành có dấu hiệu bất thường về gan tụy.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 555ha tôm (cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng) bị chết. Trong đó tập trung nhiều ở các huyện Đầm Dơi (234ha), Phú Tân (215ha), Cái Nước (67ha) và TP.Cà Mau (38ha). Ông Bùi Văn Diễn ở xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước ngao ngán cho biết: “Bước vào đầu vụ nuôi năm nay tui đầu tư hơn chục triệu vào khâu xử lý ao đầm rất kỹ, thế nhưng tôm nuôi thả bao nhiêu chết bấy nhiêu. Chỉ tính từ đầu năm đến nay gia đình tui đã bị thiệt hại hơn 100 triệu đồng”.
Dù năm 2012, người nuôi tôm tỉnh Sóc Trăng xuống giống muộn hơn nhưng tôm vẫn bị thiệt hại. Tính đến nay, tỉnh mới thả nuôi được gần 45.000ha. Tuy nhiên, trong số này đã có gần 20% diện tích thả nuôi tôm đã chết. Tình trạng tôm chết sau khi thả nuôi thường xảy ra hàng năm, trung bình khoảng 6%. Nhưng năm 2012, diện tích tôm chết chiếm tỷ lệ khá cao, với khoảng 20% diện tích thả nuôi như ở tỉnh Sóc Trăng. Đây được coi là dấu hiệu bất thường đối với nghề nuôi tôm năm nay.
Theo ông Nguyễn Vũ Phương, Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Trà Vinh, hầu hết tôm chết với kết luận là hoại tử gan tụy, bệnh đốm trắng và bệnh đầu vàng. Hiện vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân gây bệnh. Ông Phương phân tích: “Cùng một con giống nuôi ở các vuông tôm khác nhau thì chỗ chết, chỗ không nên không thể kết luận nguyên nhân do con giống. Giờ chỉ trông chờ các nhà chuyên môn kết luận”.
Chưa tìm ra nguyên nhân
Trước tình trạng tôm chết hàng loạt, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bến Tre phải tổ chức gấp một cuộc hội thảo tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Nhiều ý kiến cho rằng, tôm chết là do nắng nóng, mật độ thả nuôi quá dày, nông dân không chạy quạt tạo ôxy buổi trưa (để tiết kiệm chi phí). Còn theo Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư, có ba nguyên nhân dẫn đến tôm chết là do bệnh đốm trắng, tôm bệnh gan tụy và cách chăm sóc, quản lý đầm không phù hợp. Sở kiến nghị UBND tỉnh công bố dịch ở những vùng bị thiệt hại trên 30% và có nguy cơ dịch; đồng thời yêu cầu quản lý chặt chẽ nguồn tôm giống từ bên ngoài nhập vào tỉnh.
Ông Lê Phong Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, vẫn chưa kết luận nguyên nhân nào khiến tôm chết hàng loạt. Sở đã có văn bản đề nghị Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 hỗ trợ xác định nguyên nhân tôm chết để trả lời cho nông dân.
UBND tỉnh Trà Vinh cũng đã ban hành quy trình kỹ thuật chăm sóc tôm sú giai đoạn sau một tháng tuổi và quy trình cải tạo ao nuôi tôm sú bị thiệt hại. Hai quy trình này được đúc kết từ thực tiễn, được cho là có khả năng hạn chế dịch bệnh. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 40 tấn hóa chất để nông dân xử lý ao, diệt mầm bệnh.
Môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm
Ông Nguyễn Phong Vân, Phó giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang) cho biết, kết quả quan trắc nước mặt ở những khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung của tỉnh (Kiên Lương, Vĩnh Thuận) thời gian qua cho thấy, các chỉ tiêu như độ pH, ôxy hòa tan đều thấp hơn mức giới hạn của quy chuẩn cho phép. Trong khi đó, các chỉ tiêu bất lợi lại vượt quy chuẩn.
Cụ thể như chỉ tiêu sắt tổng vượt cao nhất lên đến 22,05 lần, Amoni vượt 6,06 lần, TSS vượt 2,65 lần, COD vượt 14,56 lần… Điều đó chứng tỏ chất lượng nước nuôi trồng thủy sản, nhất là vùng nuôi tôm trọng điểm, đã bị ô nhiễm nặng. “Nếu ô nhiễm kéo dài và không có biện pháp xử lý triệt để sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của các loài thủy sinh và có nguy cơ ô nhiễm rộng ra các vùng khác”, ông Vân cảnh báo.
Theo kết quả phân tích môi trường nước và bùn ao vùng nuôi tôm tại Sóc Trăng, Bạc Liêu do Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam tiến hành, phần lớn mẫu đều có lượng thuốc bảo vệ thực vật như cypermethrin, permethrin, chlorpyrifosethyl... vượt ngưỡng cho phép nuôi trồng thủy sản. Do môi trường nước ô nhiễm, tôm sẽ chết hàng loạt sau 15 ngày thả nuôi.
Theo Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, nguyên nhân gây ra bệnh gan tụy ở tôm là do biến đổi khí hậu và một phần nguồn nước bị ô nhiễm cypermethrin có trong thuốc bảo vệ thực vật được người dân dùng để xử lý ao, diệt giáp xác.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/5/33951.html


Tin khác