Rác thải, “rào cản” xây dựng nông thôn mới

31/05/2012

Theo kế hoạch, TP. Hà Nội quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (XDNTM) vào năm 2015. Để cán đích như thời gian dự định, các địa phương trong diện XDNTM sẽ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có vấn đề xử lý rác thải để đảm bảo tiêu chí về môi trường.

Không phải ở bãi thải của một nhà máy, bãi rác công trường hay chợ dân sinh, thế nhưng lượng rác trong từng con ngõ, đường làng của thôn Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì - Hà Nội) cũng đủ làm người ta ngột ngạt. Rác từ sinh hoạt và rác thải trong quá trình làm nghề của nhiều hộ dân nơi đây đang trở thành vấn đề nhức nhối…
Nỗi khổ của làng nghề
Năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã Tân Triều đạt 18%, đây thực sự là con số “trong mơ” ở thời điểm nền kinh tế gặp khó khăn. Để có được thành tựu này, phải kể đến sự đóng góp của các hộ làm nghề truyền thống như dệt, se sợi, tái chế phế liệu. Trong đó, nhóm nghề thu gom, tái chế phế liệu đang thu hút hàng trăm hộ dân tham gia với số lao động thường xuyên lên tới hàng nghìn người. Từ nhựa, sắt thép phế thải, thiết bị phụ tùng đã qua sử dụng, đến lông gà, lông vịt,… đều được bà con thu mua, tạo ra những sản phẩm tái chế, cung ứng chủ yếu cho thị trường các vùng nông thôn lân cận, một số để xuất khẩu.
Ông Nguyễn Duy Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết, công việc này mang lại nguồn thu lớn cho hàng trăm hộ dân trong xã nhưng cũng là “thủ phạm” gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Biết là vậy nhưng địa phương buộc phải duy trì bởi nó tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập ổn định cũng như đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Mục sở thị” các con đường ở xóm Mới, xóm Lẻ…, chúng tôi có thể thấy rõ nghề tái chế phế liệu đang ngày càng “hưng thịnh”. Đường liên thôn đoạn từ UBND xã Tân Triều ra đường vành đai 3 của thành phố dù nhỏ hẹp nhưng xe chở nhựa phế thải, sắt phế liệu ra vào nhộn nhịp. Cảnh tắc đường thường xuyên diễn ra. Trong làng, tại khuôn viên các hộ làm nghề, nhà nào cũng chất đầy các bao tải lớn đựng phế thải. Hết chỗ chứa trong nhà, người ta đưa ra lề đường.
Ông Triệu Đình Phúc ở xóm Mới cho biết: “Nhà tôi trước cũng làm nghề này nhưng mấy năm nay chuyển sang dịch vụ cho thuê nhà trọ. Thú thực, nghề tái chế rác thải tuy lợi nhuận rất lớn nhưng lại gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người làm. Bây giờ dù không làm nghề nhiều năm nhưng mắt tôi vẫn thường xuyên khó chịu do bị ảnh hưởng của những ngày nấu nhựa phế thải”.
Ông Tuấn cho biết, trong kế hoạch XDNTM ở Tân Triều, địa phương lập dự án và dành tới 27 tỷ đồng để hoàn thành tiêu chí về môi trường. Trong đó, xã dành nhiều ưu tiên cho vấn đề xử lý rác thải, đặc biệt là các giải pháp nhằm nâng cao ý thức phân loại rác ngay từ hộ gia đình.
“Xã có khoảng 600 hộ làm nghề truyền thống, trong đó hơn 300 hộ làm nghề thu gom phế liệu, tái chế nhựa và hầu hết các hộ này đều không có hệ thống xử lý rác thải. Chỉ vài hộ sản xuất, kinh doanh quy mô lớn đầu tư thiết bị xử lý rác nhưng còn thô sơ và chưa thấm vào đâu so với lượng rác khổng lồ thải ra mỗi ngày. Chúng tôi thấy trong số các tiêu chí XDNTM, với riêng Tân Triều thì tiêu chí về môi trường có lẽ là “cửa ải” khó vượt qua nhất”, ông Tuấn nói.
Trước đó, dù xã Tân Triều đã đầu tư xây dựng cụm công nghiệp nhưng dự án này lại tồn tại quá nhiều bất cập nên hiệu quả chưa được như mong đợi. Hướng giải quyết thời gian tới, theo ông Tuấn, xã sẽ xin ý kiến thành phố mở rộng cụm công nghiệp để tất cả những hộ làm nghề đều được tham gia sản xuất tập trung. Bên cạnh đó, địa phương cũng buộc các hộ sản xuất tại nhà phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải tập trung, vận động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân.
Còn nhiều “điểm đen”
Không chỉ ở Tân Triều mà khắp các vùng nông thôn khác của Thủ đô Hà Nội, việc thu gom và xử lý rác thải cũng còn nhiều hạn chế. Thực tế này dẫn tới hậu quả là rác tồn đọng nhiều tại các điểm tập kết, gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.
Nhựa, sắt thép phế thải được "tập kết" trên đường làng ở thôn Triều Khúc.
Theo ngành chức năng, trên địa bàn TP.Hà Nội, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực nông thôn ước khoảng 2.500 tấn/ngày, trong đó, lượng rác thải cần phải thu gom xử lý khoảng 1.200 tấn/ngày, tuy nhiên, việc thu gom và xử lý rác ở khu vực nông thôn chỉ đạt 70% nên lượng rác tồn đọng rất lớn. Cũng vì rác tồn đọng trong thời gian quá dài nên có hiện tượng ở nhiều địa phương, người dân “tận dụng” các ao, hồ, đầm hoặc vùng đất trũng để đổ rác. Những hố rác tự phát không tuân thủ kỹ thuật này đương nhiên là nơi phát sinh nhiều mầm bệnh nguy hiểm cho cộng đồng.
Dù biết thực tế này nhưng chính Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng thừa nhận rất khó khăn để xử lý dứt điểm. Thực tế, Sở đã có hướng dẫn quy trình xử lý, chôn lấp rác thải có kiểm soát, hợp vệ sinh tại các huyện ngoại thành, nhưng việc lựa chọn điểm xử lý rác thải chung của các huyện rất nan giải do không đảm bảo được tiêu chí về khoảng cách, diện tích sử dụng cũng như sự đồng thuận của nhân dân trong khu vực. Cho đến thời điểm này, chỉ có 5/18 huyện ngoại thành có toàn bộ lượng rác thải thu gom được xử lý tại các khu xử lý tập trung của thành phố; các huyện còn lại chỉ một phần rác thu gom, vận chuyển về các khu xử lý tập trung, còn lại thu gom, xử lý tại chỗ.
Ông Phạm Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, các dự án đầu tư xử lý rác thải tại chỗ bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh còn hạn chế; tiến độ triển khai xây dựng các điểm tập kết rác thải của các huyện cũng chậm nên dẫn tới việc thu gom, vận chuyển rác thải gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, sự phối kết hợp giữa các đơn vị làm công tác vệ sinh môi trường và bộ máy quản lý nhà nước về rác thải chưa được thống nhất cũng là một trong những nguyên nhân gây cản trở cho công tác chỉ đạo và quản lý từ cấp thành phố.
Đúng như thừa nhận của ông Tuấn, trong khi kinh tế địa phương phát triển nhanh chóng, bộ mặt nông thôn Thủ đô thay đổi từng ngày thì để hoàn thiện các tiêu chí XDNTM, “cửa” môi trường là rất khó khăn. Không chấp nhận đánh đổi môi trường lấy chỉ tiêu tăng trưởng, nhưng lãnh đạo địa phương không thể “triệt” toàn bộ những hộ vi phạm vì đây là miếng cơm manh áo, là thu nhập của hàng nghìn con người. Bài toán về rác thải nông thôn lại càng trở nên khó giải khi nó phải “gánh” thêm nhiều trọng trách nặng nề. Và đương nhiên, không thể chỉ giải quyết bài toán này trong một sớm một chiều và bằng một giải pháp đơn lẻ
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT TP.Hà Nội, đến thời điểm này, Hà Nội mới có 76 xã, phường đã tổ chức thu gom và vận chuyển rác đi xử lý, chôn lấp tại các bãi rác của thành phố, đạt tỉ lệ 17%. Ở một số xã, phường đã hình thành các tổ chức quản lý rác thải, phổ biến ở 2 loại hình: Hợp tác xã cổ phần dịch vụ vệ sinh môi trường và Tổ dịch vụ vệ sinh môi trường. Chính quyền các địa phương đã hỗ trợ phương tiện thu gom rác thải như: xe cải tiến, xe bò chở rác… Đội ngũ thu gom rác ở mỗi xã, thị trấn thường có quy mô nhỏ, từ 3 - 10 người. Phí vệ sinh do các đơn vị trên trực tiếp thu trên cơ sở đơn giá thu phí được chính quyền địa phương phê duyệt.
UBND TP. Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện Chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2009 - 2015, định hướng đến 2020. Mục tiêu của chương trình này là, đến năm 2015, Hà Nội có 60% số xã, thị trấn vùng nông thôn có tổ chức thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt. Trước mắt, vào cuối tháng 6/2012, Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá công tác thu gom, xử lý rác thải nông thôn và phát triển hạ tầng giao thông nông thôn.
 
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2012/5/34413.html


Tin khác