Từ 1.7 tới, người trồng lúa tại các địa phương sẽ có thêm nguồn hỗ trợ đắc lực từ Nghị định 42 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất lúa.
Nghị định 42/2012 quy định, hàng năm ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước. Đồng thời, hỗ trợ 70% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khi sản xuất lúa bị thiệt hại trên 70% và hỗ trợ 50% chi phí khi sản xuất lúa bị thiệt hại từ 30 - 70%.
|
Có thêm hỗ trợ, nông dân trồng lúa ĐBSCL có điều kiện cơ giới hóa sản xuất. |
Giữ lại đất lúa
Ông Nguyễn Văn Năm ngụ xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, Tiền Giang hồ hởi khoe: “Gia đình tui có đến 6ha đất lúa nhưng phải thuê máy gặt đập liên hợp, vừa tốn tiền vừa phụ thuộc chủ máy. Nếu được hỗ trợ tiền, tui đi mua máy về tự gặt cho khỏe”.
Theo ông Đoàn Ngọc Phả - Phó Giám đốc Sở NNPTNT An Giang, dù so với nhu cầu của địa phương hiện nay, khoản hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm theo Nghị định 42 chỉ ở mức “động viên, an ủi” nhưng vẫn có ý nghĩa to lớn đối với nông dân, những người đã nhiều năm gắn bó với cây lúa nước tại ĐBSCL.
Sản xuất lúa hiện phải đối diện với nhiều khó khăn như hạn hán, lũ lụt, biến đổi khí hậu. Người trồng lúa tại nhiều nơi lại bị hấp dẫn bởi những cây trồng vật nuôi khác như cá, tôm khiến đất sản xuất lúa bị thu hẹp từng ngày.
Như tại Tiền Giang, chỉ trong một thời gian ngắn, dù không thuộc vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản nhưng nhiều hộ nông dân tại các xã Mỹ Thành Bắc, Thạnh Lộc, Phú Cường, Mỹ Phước Tây (huyện Cai Lậy) đã thực hiện chuyển khoảng 150ha đất lúa sang ương cá tra giống.
Tại Vĩnh Long, nhiều diện tích kết hợp trồng lúa và khai thác thủy sản tự nhiên cũng đã được chuyển hẳn sang nuôi tôm sú. “Nghị định 42 ra đời kịp lúc người nông dân cần thêm nhiều sự hỗ trợ để an tâm sản xuất lúa, vì nếu không có biện pháp mạnh tay và hiệu quả, các cây, con công nghiệp khác sẽ tiếp tục lấn đất lúa, gây ảnh hưởng đến diện tích lúa của toàn vùng” - một đại diện Sở NNPTNT Vĩnh Long nhận định.
Ưu tiên thủy lợi nội đồng
Ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, dù chưa nhận được công văn hướng dẫn thực hiện Nghị định 42 nhưng ông dự trù nếu có khoản hỗ trợ nào thì ưu tiên đầu tiên sẽ là phát triển thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất lúa của tỉnh.
Theo tính toán, Hậu Giang hiện có 138.000ha đất trồng lúa nhưng chỉ mới 60.000ha có hệ thống thủy lợi nội đồng, 16.000ha trong số đó đã hoàn chỉnh, phần còn lại đang ở giai đoạn tạo nguồn vốn để xây dựng trong thời gian tới.
“Trung bình, chi phí để hoàn thiện hệ thống thủy lợi cho mỗi ha sản xuất lúa ở mức 20 triệu đồng. Trong đó, vận động từ nông dân là 30 – 40%, phần còn lại phải chi từ ngân sách của tỉnh và các nhà đầu tư tư nhân” - ông Đồng cho biết.
Để phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng khu vực ĐBSCL, Bộ NNPTNT đã khởi động Dự án Phát triển thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2 nhằm phục vụ tưới tiêu, kiểm soát lũ, triều, ngăn mặn cho 450.000ha đất tự nhiên.
|
Tại An Giang, ông Đoàn Ngọc Phả cũng cho biết, nông dân có nơi phải đóng góp đến 1 triệu đồng/ha đất lúa cho công tác tu sửa, nâng cấp đê điều và hệ thống thủy lợi. Theo ông Đồng, việc xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng rất quan trọng trong phát triển sản xuất lúa ở ĐBSCL, góp phần hạn chế rủi ro do lũ lụt, hạn hán, đảm bảo năng suất cho bà con nông dân.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác này chưa được đầu tư đúng mức do nguồn vốn còn hạn hẹp, khoản thu từ nông dân thì ít, ngân sách cũng hạn chế. Do đó, với Nghị định 42, các địa phương hy vọng sẽ có thêm nguồn lực để hoàn thiện cơ sở vật chất, hệ thống thủy lợi, kênh mương phục vụ sản xuất lúa, góp phần đảm bảo năng suất cho cả vùng.
Theo Nông thôn ngày nay