Theo ông Hồng, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn và ngược lại cũng nhập khẩu nhiều nông sản, thuốc bảo vệ thực vật từ các nước khác do vậy luôn tuân theo quy định chung. Ngưỡng dư lượng tối đa cho phép tùy thuộc vào loại hóa chất và thức ăn.
Với EU và các nước phát triển thì họ có các tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế, còn Việt Nam có Quyết định 46 của Bộ Y tế và Quyết định 68 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể từng loại mức dư lượng tối đa cho phép đối với từng loại hóa chất. Với hoạt chất không quy định gì cả thì hiện nay châu Âu vẫn lấy mức chung là 0,01 ppm (1 phần triệu).
Năm ngoái, qua kiểm nghiệm Việt Nam cũng đã tái xuất hơn 50.000 tấn ngô của Ấn Độ do nhiễm mọt nguy hiểm. Ông Hồng cho biết, nếu phát hiện không đạt thì mới tái xuất, thậm chí họ đem cả chuyên gia sang để kiểm nghiệm lại, mình cũng sẵn sàng phối hợp và họ cũng phải công nhận kết quả. Vì vậy, nếu năng lực kiệm nghiệm không đáp ứng yêu cầu thì sẽ rất rắc rối.
Đối với chất lượng an toàn thực phẩm trên rau, quả sản xuất trong nước hiện nay, ông Hồng đánh giá ở mức trung bình trong khu vực. Theo ông Hồng, rau quả sản xuất ở các nước EU được họ công bố khoảng 4-5 % là không an toàn (vượt ngưỡng dư lượng tối đa cho phép), ở Trung Quốc cũng công nhận sản phẩm của họ khoảng 5-6% không an toàn. Đối với rau, quả của Thái Lan xuất đi các nước EU thì phía EU nói rằng khoảng 10% không an toàn. Ở Việt Nam, theo số liệu từ các chương trình giám sát quốc gia trong mấy năm gần đây nhất, con số này nằm trong khoảng 7- 8% vượt dư lượng cho phép.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, tất cả các loại trái cây như táo, lê, nho… đều có thể nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bởi từ lúc hình thành quả cho đến lúc chín rất dài, nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là tất yếu. Số liệu mới nhất cho thấy, ở Việt Nam qua tổng hợp phân tích 60% các mẫu táo, lê của Trung Quốc là có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng đều thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép của Việt Nam.
Số lượng táo, lê trên thị trường hiện chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm khoảng 70-80%. Hiện vẫn được kiểm soát tốt theo quy định của Thông tư 13 về kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật.
Ông Hồng cho rằng, việc quan tâm và lo lắng của người dân trong thời gian qua cũng là dấu hiệu tốt vì người dân đã quan tâm tới vấn đề an toàn thực phẩm. Tuy nhiên người dân cũng không nên quá lo lắng và hoang mang vì các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang triển khai nhiệm vụ kiểm soát an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam, kể cả hàng hóa trong nước và xuất khẩu.
Mặc dù vậy, theo ông Hồng, ngay cả các nước phát triển nhất cũng khuyến cáo người dân chọn mua các thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ những cửa hàng có địa chỉ, được các cơ quan kiểm tra kiểm soát thường xuyên.
Ngoài ra, lựa chọn những thực phẩm an toàn hơn cho mình, ví dụ ở Mỹ đưa ra 12 loại thực phẩm nguy cơ cao nhất và 15 loại thực phẩm an toàn nhất. Người dân cũng cần chú ý hơn trong quá trình sơ chế, rửa bóc sạch các loại rau, các biện pháp giúp người tiêu dùng giảm nguy cơ cho mình về an toàn thực phẩm.
Theo Kinh tế nông thôn