Phân bón giá cao do... dự báo

20/06/2012

Thời điểm giữa tháng 6, tại nhiều vùng miền vẫn xảy ra tình trạng phân urea khan hiếm, giá tăng. Đầu năm nay, bộ Công thương đã dự báo sản xuất trong nước đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ và có thể có một lượng lớn phân urea dành cho xuất khẩu.

Theo cân đối của bộ Công thương, bên cạnh nhà máy phân đạm Phú Mỹ, Hà Bắc, trong năm này, nguồn cung urea sẽ được bổ sung từ nhà máy đạm Cà Mau, nhà máy đạm Ninh Bình, sản lượng lần lượt là 560.000 tấn và 300.000 tấn. Bộ Công thương cho rằng, năm 2012 phân đạm sản xuất trong nước cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu và nếu các nhà máy chạy đúng tiến độ thì nhiều khả năng lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam dư thừa phân urea để xuất khẩu.
Công ty đạm Phú Mỹ phải đưa phân urea về các vùng khan hiếm bán nhằm hạ sốt.
Hụt nguồn cung
Dự báo trên đã khiến các doanh nghiệp không dám nhập khẩu phân bón. Theo thống kê của cục Hải quan, năm tháng đầu 2011, doanh nghiệp nhập khẩu tới 1,3 triệu tấn urea thì cùng kỳ năm nay chỉ nhập khoảng trên 110.000 tấn. “Làm sao chúng tôi dám nhập khẩu trước thông tin trong nước đã sản xuất thừa?”, giám đốc một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu phân bón ở Cần Thơ nói.
Trên thực tế, sản xuất trong nước không đạt kế hoạch như tính toán dẫn đến tình trạng khan hiếm, tăng giá trong suốt nhiều tháng qua…
Chiều ngày 13.6, trao đổi với phóng viên SGTT, ông Phùng Hà, cục trưởng cục Hoá chất, bộ Công thương thừa nhận nhà máy đạm Ninh Bình đang trong giai đoạn chạy thử và chưa thể xác định thời gian nào sản xuất được urea như kế hoạch.
Trong khi đó, ông Hoàng Trọng Dũng, phó giám đốc nhà máy đạm Cà Mau cho biết do trục trặc trong vận hành máy nên phải mất hai tháng sau khi chạy thử thì nhà máy mới đi vào sản xuất ổn định. Tính đến nay, nhà máy mới sản xuất được 210.000 tấn urea hạt đục. Ông Dũng cũng cho hay hiện nay đạm Cà Mau đang chạy hết công suất, sản lượng 2.300 – 2.400 tấn/ngày, đến hết năm có khả năng đạt kế hoạch 560.000 tấn. Tuy nhiên, phân urea của nhà đạm Cà Mau là hạt đục, chủ yếu dùng làm nguyên liệu sản xuất phân NPK và các loại phân khác. Nông dân chưa có thói quen sử dụng loại này trực tiếp bón lúa.
Sáu tháng đầu năm nay, tổng công ty Phân bón và hoá chất dầu khí (PVFCCo) – đơn vị sản xuất phân urea Phú Mỹ, cho biết đã cho chạy tăng tải thêm 3% công suất thiết kế (800.000 tấn/năm), sản lượng trung bình từ 2.300 – 2.350 tấn/ngày nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên ông Nguyễn Hồng Vinh, phó tổng giám đốc PVFCCo cho rằng với tình cảnh các nhà máy khác đang gặp khó như hiện nay thì rất khó đoán nguồn phân urea có đáp ứng đủ nhu cầu thị trường từ nay đến cuối năm hay không.
Từ ngày 9.6.2012, đơn vị thành viên của PVFCCo là PVFCCo Miền Bắc đã phối hợp với các đại lý triển khai chương trình bán hàng trực tiếp tới bà con nông dân tại một số “điểm nóng” tại các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Theo đó, tại mỗi tỉnh sẽ lựa chọn 5 – 6 điểm bán hàng trực tiếp nhằm đảm bảo kiểm soát được lượng hàng bán với giá bán hợp lý, hạn chế tình trạng găm hàng, đẩy giá cao hơn mức giá công ty quy định. Chương trình bán hàng trực tiếp sẽ được xem xét mở rộng tại một số điểm nóng khác trên toàn quốc.
Giá giật liên tục
Đến giữa tháng 6, nhiều đại lý phân bón ở An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp cho hay tình trạng khan hiếm vẫn xảy ra. Ông Nhì, một đại lý cấp 2 ở huyện Vị Thuỷ, Hậu Giang cho biết muốn có phân urea Phú Mỹ thì các đại lý cấp 2, 3… như ông phải đặt trước đại lý cấp 1 vài ba ngày. Giá phân lấy từ đại lý cấp 1, cộng thêm cước vận chuyển về đến kho đang tăng khá mạnh, hiện ở mức 570.000 – 575.000 đồng/bao 50kg, tăng từ 20.000 – 25.000 đồng/bao 50kg so với hồi vụ hè thu. “Nếu so với vụ đông xuân hồi đầu năm, giá urea Phú Mỹ đã tăng 70.000 – 80.000 đồng và tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Nhì nói.
Ông Nguyễn Hồng Vinh cho biết PVFCCo đang phải tăng lượng cung ứng tới một số vùng xảy ra sốt giá để bán trực tiếp cho nông dân. Từ đầu năm 2012 đến nay, do thị trường biến động mạnh nên theo ông Vinh, PVFCCo đã thực hiện điều chỉnh giá mặt hàng này tăng, giảm tám lần. Sau những lần điều chỉnh, giá phân từ 8.900 đồng/kg hồi tháng 2 nay ở mức 10.200 đồng/kg đến nay. “Sắp tới chúng tôi có kế hoạch điều chỉnh tiếp lần thứ 9”, ông Vinh nói.
Ở một số tỉnh bắc miền Trung (từ Huế trở ra) do nông dân có nhu cầu chăm sóc lúa mùa, giá urea có vùng tăng lên 11.800 – 12.000 đồng/kg.
Trong lúc đó, từ cuối tháng 5 trở lại đây, giá thế giới lại giảm. Đến đầu tháng 6, urea nhập khẩu về đến cảng TP.HCM chỉ còn dao động 460 – 465 USD/tấn, giảm từ 40 – 100 USD/tấn. Nghĩa là, nếu cộng thêm các chi phí bốc dỡ, vận chuyển và các chi phí khác, giá urea ngoại bán tới tay nông dân chỉ vào khoảng trên dưới 10.000 đồng/kg.
Với sản lượng hiện có, đạm Phú Mỹ chiếm khoảng 40% thị phần. Trả lời câu hỏi từ đầu tháng 5.2012 giá urea thế giới giảm mạnh, tại sao PVFCCo không điều chỉnh giảm giá, ông Vinh nói: trong hoàn cảnh hiện nay nếu PVFCCo có giảm giá thì nông dân cũng không được hưởng vì các đầu nậu sẽ bỏ tiền đầu cơ chờ tăng giá kiếm lời. Hiện nay, PVFCCo đang phân phối đạm Phú Mỹ qua bốn công ty ở bốn vùng miền trong cả nước. Riêng ĐBSCL có thêm 27 đại lý của PVFCCo cam kết bán đúng giá 10.200 đồng/kg. “Hệ thống phân phối còn lại tự quyết giá, PVFCCo không kiểm soát được”, ông Vinh thừa nhận.
Theo Sài Gòn tiếp thị

Tin khác