Cuối năm 2011, nguồn vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có dư nợ là 4.342 tỷ đồng, tăng gần 960 tỷ đồng so với cuối năm 2010. Trong đó, dư nợ cho vay không bảo đảm bằng tài sản là gần 1.230 tỷ đồng.
Các huyện, thị đều cho hay, nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay để đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mỗi năm đều tăng đáng kể. Song, so với nhu cầu của nông dân thì vẫn chưa đáp ứng đầy đủ.
|
Lĩnh vực nông nghiệp rất cần tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng
|
Cụ thể, mức cho vay hiện nay đối với các hộ đầu tư sản xuất cây lâu năm, cây ngắn ngày tăng từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng/hécta, nhưng giá đầu vào cho hầu hết các cây trồng đều tăng gấp 2 đến 3 lần so với cách đây 3 năm. Ví dụ, đầu tư cho cây lúa lên đến trên 20 triệu đồng/hécta/vụ; cây ngô từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng; cây hồ tiêu, sầu riêng từ 50 triệu đồng đến 90 triệu đồng, cà phê 35 triệu đồng… Theo ông Nguyễn Huy Trinh - Giám đốc Ngân hàng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Đồng Nai, thời gian qua, tỷ trọng đầu tư vốn tín dụng cho khu vực nông thôn tăng nên cơ bản đáp ứng phần nào nhu cầu vốn của nông dân, góp phần cải thiện đời sống của người dân.
Tuy nhiên, phía ngân hàng còn tồn tại một số hạn chế như: Không tính toán mức cho vay với từng loại cây trồng, vật nuôi cho phù hợp, tình trạng cho vay còn dàn trải. Do đó, nguồn vốn của Ngân hàng này là khá dồi dào nhưng nông dân trong tỉnh lại thiếu vốn đầu tư sản xuất. Để khắc phục tình trạng này, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai Quách Anh Bông nhấn mạnh, thời gian tới, phía ngân hàng sẽ xây dựng dự án đầu tư cho những cây trồng có số lượng lớn và công bố rộng rãi cho người dân để họ tự cân đối.
Ông Trần Như Độ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Nai khẳng định, hiện nay, các hợp tác xã nông nghiệp, câu lạc bộ hầu hết đều thiếu vốn nhưng rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Đây cũng là một trong những hạn chế làm kinh tế tập thể khó phát triển. Thực tế thời gian qua, các câu lạc bộ, hợp tác xã ít được vay vốn là do không làm sổ sách, phương án kinh doanh không hiệu quả. Trong khi đó, muốn tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng, yêu cầu phải có dự án khả thi, sử dụng đồng tiền đúng mục đích và phải có tài sản sinh lời, tài sản thế chấp.
Hiện nay, nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Đồng Nai không thiếu. Song, các địa phương phải có phương án đầu tư mỗi năm gửi cho ngân hàng để cân đối nguồn vốn. Mức cho vay đối với các cây trồng hiện không còn quá cứng nhắc. Với cây cao su, các hộ có thể vay đến gần 70 triệu đồng/hécta, tiêu, cà phê khoảng 60 triệu đồng/hécta, cây ăn trái trên 40 triệu đồng/hécta. Các trường hợp vay tín chấp, ngân hàng vẫn phải giữ sổ đỏ nhằm tránh tình trạng nông dân đem thế chấp vay vốn ở nhiều nơi.
Còn theo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bình Phước, hiện nguồn vốn cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn còn dư khá nhiều. Cũng vào cuối năm 2011, nguồn vốn Ngân hàng này cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn tỉnh có tổng dư nợ là trên 4.342 tỷ đồng, tăng gần 960 tỷ đồng so với cuối năm 2010, trong đó dư nợ cho vay không bảo đảm bằng tài sản là gần 1.230 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Dũng, Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bình Phước cho rằng, với mức lãi suất vốn cho vay với sản xuất nông nghiệp có những thời điểm lên đến 22%/năm là quá cao. Vì thế thời gian tới, để nông dân dễ tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất, ngân hàng phối hợp chặt chẽ với địa phương xem xét cho vay đạt hiệu quả.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần xây dựng dự án đầu tư cho những cây trồng có số lượng lớn và công bố rộng rãi cho người dân để họ tự cân đối; nhanh chóng triển khai kế hoạch cho vay đầu tư theo đề án xây dựng nông thôn mới./..
Theo Báo Điện tử Đảng cộng sản