Thanh long xuất khẩu… dính nợ
Ông Nguyễn Văn Phong và nhiều thương lái ở xã Quơn Long (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) đang phải vò đầu, bứt tóc vì đứng trước nguy cơ mất tiền do thương lái thu mua thanh long xuất sang Trung Quốc kỳ kèo, không chịu thanh toán nợ. Họ đã gom hàng chở đi từ lâu, nhưng tiền bán hàng thì chẳng thu được.
Ông Phong kể, một thương nhân tên Trần Thị Ngọc Loan từ xã Hàm Minh (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) tìm đến nhà ông gợi ý thu mua thanh long xuất đi Trung Quốc. Ông Phong nói: “Lúc đầu, bà Loan nhận hàng không cần tuyển lựa kỹ và thanh toán rất sòng phẳng với giá cao hơn thị trường từ 20 – 30%. Thấy làm ăn với họ được, nên tui cất công tìm tới các vườn thanh long trong vùng gom trái về giao cho bà Loan để kiếm lời. Rồi có lần, bà Loan yêu cầu tui gom cho bà số lượng thanh long nhiều hơn vì thị trường Trung Quốc đang hút hàng. Ai dè đâu, khi hàng đã đóng lên xe chuyển đi, bà Loan xin ghi nợ do chưa rút được tiền vì cuối tuần ngân hàng không làm việc, hẹn đầu tuần sau sẽ trở lại làm hàng và thanh toán luôn”.
|
Thanh long chạy chợ, chào giá ngay bên lề đường
|
Vậy là kể từ đó, ông Phong chỉ còn có thể đòi nợ bà Loan qua điện thoại. Nghi có chuyện chẳng lành, hỏi thăm nhiều người, ông Phong mới biết nhiều thương lái khác cũng đang bị bà Loan mắc nợ khoảng trên 700 triệu đồng. Một thương nhân khác tên Lý, tự xưng là chủ doanh nghiệp tư nhân Lợi Phong ở Bình Thuận vào thuê nhà kho mở điểm thu mua, đóng gói ở ấp Bình Cách (xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo) cũng đã bỏ chạy để lại số nợ khoảng 500 triệu đồng.
Bức xúc, nhiều đầu mối cung ứng khác cùng ông Phong đã ra tận Bình Thuận tìm bà Loan đòi nợ. Lúc này, bà Loan viện lẽ: đầu mối phía Trung Quốc chưa thanh toán tiền và tìm cách lánh mặt. Từ đó tới nay, các đầu mối cung ứng thanh long ở Chợ Gạo không thể liên lạc được với các đối tác này.
Như vậy, sau khoai lang, khóm, dừa, cua… nay đến lượt người trồng thanh long điêu đứng vì kiểu làm ăn chụp giật của thương lái Trung Quốc trong khi lại thiếu ràng buộc bằng pháp lý.
Chỉ biết... kêu trời
Thanh long được trồng tại Tiền Giang và Long An phần lớn được xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, theo một số thương lái Việt Nam, thực tế thương lái Trung Quốc đã thao túng gần như hoàn toàn thị trường thanh long, giá cả đều do họ định đoạt. Ban đầu họ thường mua hàng dễ dãi, ồ ạt với giá cao, sau đó ép giá, thậm chí quỵt nợ. Nhiều đầu mối thu mua cung ứng hàng sang Trung Quốc với số tiền hàng tỉ đồng, nhưng chỉ hợp đồng miệng, nên khi xảy ra chuyện chỉ còn biết... kêu trời.
|
Chợ nội địa eo xèo
Mất đầu ra để tiếp cận được với thị trường lớn – Trung Quốc, thanh long của huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) và Châu Thành (Long An) đổ dồn về các tỉnh phía Nam sông Tiền, bày bán tràn lan trên khắp lề đường với giá 4.000 – 6.000 đồng/kg, tuỳ loại. Tuy nhiên, không chỉ có thanh long, hồi đầu mùa cách nay hơn tháng, chôm chôm java giá khoảng 15.000 đồng/kg, nhưng hiện nay, giá mua tại vườn chỉ còn 5.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, nhà vườn huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết: “Đó là giá mua chôm chôm vừa cắt xuống khỏi cây, chứ nếu nhà vườn cho cắt chôm chôm hôm trước, để qua hôm sau mới cân cho thương lái thì giá chỉ còn 3.000 đồng/kg”. Đặc sản sầu riêng cơm vàng hạt lép của Chợ Lách từ mức giá 25.000 đồng/kg đến mùng 5.5 (âm lịch) chỉ còn 20.000 đồng/kg. Đặc sản bưởi da xanh cũng xuống còn 35.000 đồng/kg sau khi đạt mức đỉnh 40.000 đồng/kg hồi hơn tháng trước…”
Ông Bùi Thanh Liêm, trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho rằng: “Do nhiều nhà vườn điều chỉnh mùa vụ thu hoạch trái cây đón tết Đoan Ngọ, nên đã tác động khá lớn tới yếu tố giá, trong khi nhu cầu tiêu dùng xã hội ít nhiều có giảm đi”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Bình, phó phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cầu Kè (Trà Vinh) cho biết: “Do thời tiết không thuận lợi, nên măng cụt giảm năng suất 20 – 30%, vậy mà giá hiện tại chỉ khoảng 30.000 đồng/kg, giảm 2/3 so hơn tháng trước. Đó là một nghịch lý!”
Trên bình diện chung, TS Nguyễn Minh Châu, viện trưởng viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam nhận định: “Điểm yếu của cây trái đồng bằng sông Cửu Long là chỉ tập trung xuất khẩu, hoặc tiêu dùng trái tươi mà chưa có chiến lược đầu tư công nghiệp chế biến, tồn trữ”. Theo ông Châu, đối tác thương mại quốc tế dễ dàng nắm bắt nhược điểm này để tự làm giá với sản phẩm trái cây trong mùa thu hoạch rộ.
Theo Sài Gòn tiếp thị
Nguồn:http://sgtt.vn/Tieu-dung/165331/Trai-cay-mien-Tay-lai-%E2%80%9Ckeu-troi%E2%80%9D-vi-rot-gia.html