Phân giao hạn ngạch nhập khẩu muối, đường, trứng: Giải pháp bảo vệ DN trong nước

14/08/2012

Bộ Công Thương vừa công bố hạn ngạch nhập khẩu muối, đường, trứng, theo đó, lượng muối nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2012 là 102.000 tấn; đường tinh luyện, đường thô 70.000 tấn; trứng gia cầm 40.000 tá. Nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn việc phân giao hạn ngạch nhập khẩu sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhưng Bộ Công Thương bác bỏ quan điểm này.

Cấp hạn ngạch vào thời điểm “chín muồi”
Sau khi trao đổi với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã công bố quy định việc nhập khẩu các mặt hàng muối, đường, trứng gia cầm theo hạn ngạch thuế quan năm 2012. Theo Thông tư 22/2012/TT-BCT, Bộ Công Thương sẽ phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 100.000 tấn muối công nghiệp cho các thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất và 2.000 tấn muối tinh khiết cho các thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm y tế.
Đồng thời, Bộ cũng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 50.000 tấn đường tinh luyện và đường thô cho các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và 20.000 tấn đường thô cho thương nhân sản xuất đường để tinh luyện cung cấp phục vụ sản xuất, tiêu dùng.
Theo Thông tư số 111/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, muối (kể cả muối ăn và muối đã bị làm biến tính) và natri clorua tinh khiết, có hoặc không ở dạng dung dịch nước hoặc có chứa chất chống đóng bánh hoặc chất làm tăng độ chảy; nước biển có thuế suất ngoài hạn ngạch là 50-60%.
Đường thô chưa pha thêm hương liệu hoặc chất màu gồm đường củ cải, các loại đường mía khác có thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch ở mức 80%. Đối với đường loại khác, đã pha thêm hương liệu hoặc chất màu có thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch ở mức 100%... Các mặt hàng như trứng chim và trứng gia cầm nguyên vỏ, tươi, đã bảo quản, hoặc đã làm chín có thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch 80%. Được biết, lượng muối, đường, trứng gia cầm nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2012 sẽ được thực hiện trong thời gian từ ngày 6/8/2012 đến hết ngày 31/12/2012.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định, việc cấp hạn ngạch vào thời điểm này là “chín muồi”, vì nông dân hiện đã thu xong mía được vài tháng. Việc cấp hạn ngạch lúc này không ảnh hưởng đến cả nông dân lẫn nhà máy sản xuất đường.
Đấu thầu hay phân giao?
Hiệp hội Mía đường Việt Nam vừa có ý kiến nên đấu thầu hạn ngạch đường nhập khẩu thay vì cấp hạn ngạch, tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp, tránh chênh lệch thuế.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên khẳng định: "Hiện DN trong nước còn yếu, chưa thể cạnh tranh với DN nước ngoài nên vẫn chọn phương thức phân giao hạn ngạch".
 
Tuy nhiên, ông Biên cho rằng: “Chúng ta sử dụng phương thức phân giao hạn ngạch thay vì đấu thầu vì hiện doanh nghiệp trong nước còn yếu, chưa thể cạnh được với doanh nghiệp nước ngoài”. Một khi đấu thầu, doanh nghiệp trong nước sẽ chịu thiệt. Vì vậy, việc phân giao hạn ngạch nhằm bảo hộ doanh nghiệp trong nước”.
Ông Biên cho biết thêm, việc cấp hạn ngạch nhập khẩu mặt hàng muối là cần thiết. Vì, muối nhập khẩu nhằm phục vụ cho y tế, công nghiệp hoá chất... Hiện, chất lượng muối trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu các lĩnh vực này.
Bà Phan Thị Diệu Hà, Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng: “Trong trường hợp chúng ta có đề nghị điều chỉnh thay đổi phương thức phân bổ hạn ngạch sang phương thức đấu thầu hạn ngạch thì nhất thiết phải đàm phán lại với các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Do vậy, Vụ Xuất nhập khẩu sẽ cùng với Vụ Chính sách thương mại đa biên tiếp tục nghiên cứu, trao đổi vấn đề này. Tuy nhiên, theo cam kết WTO, việc phân giao này phải được thực hiện trực tiếp cho doanh nghiệp sử dụng đường”.
Liên quan đến việc giá đường trên thị trường vẫn còn cao, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, niên vụ 2011-2012, diện tích mía cả nước đạt hơn 283.000ha, tăng hơn vụ trước 11.800ha, sản lượng 17,5 triệu tấn, tăng so với vụ trước 1,1 triệu tấn. Tính từ đầu vụ (15/8/2011) đến ngày 15/7/2012, tổng lượng đường các nhà máy bán ra khoảng 1,2 triệu tấn, tăng so với cùng kỳ năm trước 159.700 tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 200.000 tấn. Sau 3 vụ sụt giảm, vụ sản xuất 2011-2012, ngành đường sản xuất đủ cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước nhưng giá bán giảm. So với cả nước, khu vực miền Bắc giá đường giữ được cao hơn do thuận lợi trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng thực tế hiện nay, giá đường đang tiếp tục có xu hướng giảm.
Về việc lãnh đạo Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế cho phép nhập khẩu hơn 100.000 tấn đường/năm từ Lào để giải quyết đầu ra cho nhà máy từ năm 2013, ông Biên cho rằng: “Việc nhập khẩu sẽ phụ thuộc vào các doanh nghiệp được Bộ phân giao hạn ngạch; tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu của các nhà nhập khẩu”.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2012/8/35777.html


Tin khác