Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, đến hết quý II/2012, xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông lâm thuỷ sản đều tăng trưởng khả quan, ngoại trừ mặt hàng gạo và cao su. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, việc duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng này còn nhiều thách thức.
Theo Bộ NN&PTNT, khủng hoảng kinh tế ở một số khu vực trên thế giới, đặc biệt tình trạng nợ công châu Âu đã gây rất nhiều khó khăn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam từ đầu năm đến nay. Giá nông sản trên thị trường thế giới liên tục giảm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xuất khẩu của ngành nông nghiệp trong quý I, nhưng do toàn ngành đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp tích cực khai thác thị trường nên khối lượng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý II/2012 đã tăng khá.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 6 tháng đầu năm đạt 13,67 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt xấp xỉ 7,7 tỷ USD, tăng 9,6%; thuỷ sản ước đạt xấp xỉ 2,9 tỷ USD, tăng 10,6%; lâm sản ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước.
Gạo là mặt hàng nông sản chủ lực, chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao, nhưng trong 6 tháng đầu năm lượng gạo xuất khẩu chỉ ước đạt 3,7 triệu tấn, với giá trị 1,7 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước giảm 8,8% về lượng và 13,5% về giá trị. Giá gạo tiếp tục có xu hướng giảm so với đầu năm. Giá xuất khẩu bình quân chung 5 tháng đầu năm đạt 464 USD/tấn, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường xuất khẩu gạo năm nay có nhiều thay đổi, trong đó thị trường Trung Quốc tăng mạnh gấp 4,6 lần về lượng và 3,8 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước và trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Malaixia cũng duy trì vị trí là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng tích cực tìm kiếm các thị trường mới thay thế cho các thị trường truyền thống, châu Phi là nhóm thị trường có tăng trưởng vượt bậc như Bờ Biển Ngà, Gana và Xênêgan, giúp tiêu thụ gạo phẩm cấp trung bình của Việt Nam.
Cùng với mặt hàng gạo, mặt hàng cao su cũng đang gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu do giá trị giảm mạnh, ước xuất khẩu cao su tháng 6 đạt 70 ngàn tấn, giá trị đạt 220 triệu USD, đưa lượng cao su xuất khẩu 6 tháng lên 412 ngàn tấn, thu về 1,3 triệu USD, tăng 42,5% về lượng nhưng lại giảm 0,3% về giá trị. Giá xuất khẩu trung bình 5 tháng đầu năm đạt 3.037 USD/tấn, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù tình hình tiêu thụ cao su vẫn khá tốt, so với cùng kỳ năm 2011 lượng cao su xuất khẩu tăng ở nhiều thị trường lớn như Trung Quốc (tăng 31,2%), Malaixia (gấp 3,2 lần), Ấn Độ gấp 6,5 lần nhưng do giá cao su đang xuống thấp nhất từ đầu năm đến nay nên giá trị xuất khẩu cao su lại giảm.
Trái với mặt hàng gạo, mặt hàng cà phê lại có sự tăng trưởng khá trong mấy tháng trở lại đây. Ước xuất khẩu cà phê tháng 6 đạt 190 ngàn tấn, với giá trị đạt 397 triệu USD đưa lượng cà phê xuất khẩu 6 tháng đạt xấp xỉ 1,1 triệu tấn, kim ngạch 2,3 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước tăng về cả lượng (26,5%) và giá trị (20,4%). Mặc dù giá cà phê xuất khẩu bình quân 5 tháng là 2.090 USD/tấn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 94 USD/tấn nhưng hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam là Đức (chiếm tỷ trọng giá trị 12,9%) và Hoa Kỳ (12,5%) tăng trưởng khá cả về lượng và giá trị. Đáng chú ý nhất là thị trường Inđônêxia tăng trưởng đột biến, gấp hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2011. Một số thị trường lớn khác thì có sự thụt lùi đáng kể, chẳng hạn như Bỉ (là thị trường lớn nhất của Việt Nam năm 2011) chỉ bằng khoảng 1/3 lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước
Mặt hàng chè cũng là một trong các mặt hàng được đánh giá có tình hình tiêu thụ tương đối ổn định. Ước tháng 6, xuất khẩu đạt 10 ngàn tấn, với giá trị 14 triệu USD. Lượng chè xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 61 ngàn tấn, với kim ngạch 86 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 13,7% về lượng và 9,9% về giá trị. Giá bình quân 5 tháng đạt 1.420 USD/tấn, giảm nhẹ (1,2%) so với cùng kỳ năm 2011. Tình hình tiêu thụ chè khá khả quan, Pakixtan tiếp tục giữ vị trí thứ nhất, tăng trưởng được thấy ở hầu hết các thị trường lớn ngoại trừ Nga và Đức.
Đáng chú ý mặt hàng điều có sự tăng trưởng mạnh về mặt giá trị. Ước tháng 6, xuất khẩu mặt hàng này đạt 20 ngàn tấn với kim ngạch 137 triệu USD. Lượng điều xuất khẩu 6 tháng ước đạt 97 ngàn tấn, kim ngạch 666 triệu USD, tăng 41,2% về lượng và 26,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Việt Nam tiếp tục giữ vững là nước xuất khẩu hạt điều nhân đứng thứ 1 thế giới. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 5 tháng đạt 6.842 USD/tấn giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các thị trường tiêu thụ lớn đều có sự tăng trưởng khá mạnh. Các thị trường tiêu thụ hạt điều lớn của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ (chiếm tỷ trọng giá trị 37,7%), Trung Quốc (26,3%), Hà Lan (17,4%).
Đối với mặt hàng tiêu, tháng 6 xuất khẩu ước đạt 13 ngàn tấn, kim ngạch đạt 89 triệu USD đưa lượng tiêu xuất khẩu 6 tháng đạt 73 ngàn tấn, kim ngạch 494 triệu USD, so cùng kỳ năm trước lượng tăng 4,3% và giá trị tăng tới 31,7%. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 5 tháng đạt 6.811 USD/tấn, tăng 28,9% so với năm trước. Mặc dù khối lượng xuất khẩu của hai thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ và Đức giảm sút so với cùng kỳ năm trước nhưng giá trị xuất khẩu của tất cả các thị trường trọng điểm đều tăng.
Gỗ và sản phẩm gỗ được đánh giá là vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Ước kim ngạch xuất khẩu tháng 6 đạt 390 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu 6 tháng lên 2,2 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ năm trước 23,8%. Tất cả các thị trường tiêu thụ lớn đều tăng trưởng mạnh, Hoa Kỳ tăng 32,3%, Trung Quốc 35,3%, Nhật Bản 25,5% so với cùng kỳ năm 2011.
Đối với mặt hàng thủy sản, xuất khẩu sang các nước thuộc khối EU còn gặp nhiều khó khăn không chỉ do tác động của khủng hoảng nợ công ở châu Âu mà còn do những rào cản phi thuế của các thị trường này. Giá trị xuất khẩu sang khối thị trường này giảm mạnh, trong đó Đức giảm 26,4%, Hà Lan giảm 10,9%, Italia giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ước giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 6 đạt 550 triệu USD, nâng tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng lên xấp xỉ 2,9 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2011.
Theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, nền kinh tế trong nước vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nên xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng được dự báo gặp nhiều khó khăn. Bằng chứng là kết quả xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực trong quý I và II năm 2012, và sự sụt giảm đáng kể sức tiêu thụ tại một số thị trường chính. Bên cạnh đó, trong năm 2012, những biện pháp bảo hộ phi thuế dành cho nông, lâm, ngư nghiệp gần như được bãi bỏ hết, hầu hết hàng hóa đều được quản lý theo các tiêu chuẩn kỹ thuật và đây cũng là thách thức không nhỏ đối với xuất khẩu các mặt hàng này.
Để xuất khẩu nông sản bền vững, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần đẩy mạnh đầu tư vào khâu chế biến, đảm bảo các quy định trong khâu sản xuất và chế biến nông, thủy sản... nhằm làm cho sản phẩm đạt đủ tiêu chuẩn, vượt qua các rào cản ngặt nghèo khi vào các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản... Hiện, Bộ NN&PTNT đang rà soát và lập quy hoạch mới các vùng nuôi trồng nguyên liệu, áp dụng tiêu chuẩn VietGap đối với các cơ sở sản xuất với khối lượng xuất khẩu lớn. Bộ cũng sẽ thực hiện chương trình giúp các doanh nghiệp củng cố và mở rộng các thị trường truyền thống, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, khai thác các thị trường mới.../.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Nguồn:http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=529255