Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 7 tháng của cả nước ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, so với cùng kỳ của năm 2010 thì mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với con số 20%.
Do vậy, nhiều chuyên gia ngành thủy sản đưa ra dự báo, xuất khẩu (XK) thủy sản trong những tháng còn lại của năm sẽ chỉ đạt xấp xỉ năm ngoái nếu những vướng mắc nội tại không được khai thông triệt để và thị trường nhập khẩu tiếp tục phục hồi chậm…
Mỹ, EU và Nhật Bản vẫn là ba thị trường nhập khẩu chính của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU đều giảm mạnh. Theo nhận định của các doanh nghiệp (DN), sức tiêu thụ của không chỉ riêng người dân châu Âu mà ở các nước khác cũng giảm sút, doanh số của các nhà kinh doanh bán lẻ cũng giảm mạnh theo.
Còn doanh nghiệp cho biết, ngoài khó khăn từ các thị trường nhập khẩu, còn những bất cập nội tại như thiếu vốn cho nuôi cá tra, siết chặt tín dụng, “đói” tôm nguyên liệu vì dịch bệnh trên tôm nuôi chưa được giải quyết triệt để, cộng với việc chậm ban hành hoặc sửa đổi một số thủ tục hành chính đã tác động đến hoạt động của DN xuất khẩu thủy sản...
Trong số các mặt hàng thủy sản xuất khẩu, cá ngừ đang nổi lên như một mặt hàng tiềm năng nhờ mức tăng trưởng cao. Trong tháng 7, xuất khẩu cá ngừ đạt khoảng 50 triệu USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. DN nhận định, do cá ngừ là thủy sản khai thác nên nguồn cung bị hạn chế và đây là mặt hàng luôn trong tình trạng "cầu" lớn hơn "cung".
Để đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền cho biết, Bộ đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định về chính sách hỗ trợ cấp bách cho nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản.
Bên cạnh đó, từng bước xây dựng mạng lưới phân phối thủy sản Việt Nam. Trước mắt, tại các thị trường lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản), thông qua các đại diện thương mại của Việt Nam sẽ ký kết hợp đồng với các tổ chức cung ứng thực phẩm cho các trung tâm phân phối, siêu thị của các thị trường này; đồng thời sẽ tiến đến hình thành một số trung tâm xúc tiến thương mại sản phẩm thủy sản Việt Nam tại các thị trường trên nhằm quảng bá, thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm thủy sản Việt Nam đến thị trường và người tiêu dùng,...
Đồng thời, để tránh các trường hợp lô hàng bị vướng mắc khi nhập khẩu vào EU, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản vừa đề nghị các doanh nghiệp lưu giữ đầy đủ thông tin về ngày sản xuất, cấp đông đối với nguyên liệu khi thu mua vào nhà máy chế biến xuất khẩu vào EU theo đúng quy định; đồng thời, yêu cầu các DN chủ động trao đổi với nhà nhập khẩu EU để có giải pháp hợp lý cho việc cung cấp thông tin về ngày sản xuất/ngày cấp đông đối với sản phẩm đông lạnh thông qua hồ sơ, tài liệu thương mại lô hàng./.
Theo Báo Điện tử Đảng cộng sản
Nguồn:http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=10004&cn_id=535770